Cán bộ xóa đói giảm nghèo làm giả hồ sơ để tham ô
- Lừa được hàng tỷ đồng từ 4 bộ hồ sơ giả
- Bắt Giám đốc Công ty cổ phần Na Rì Hamico cùng đồng phạm lập hồ sơ giả, chiếm 126 tỉ đồng
- Thương binh thật bị cắt chế độ vì hồ sơ giả
Với lý do là "Cần có thời gian để làm rõ thêm một số tình tiết của vụ án...", sau buổi xét xử, sáng 28-3, TAND TP Hồ Chí Minh đã hoãn phiên tòa xét xử vụ án "Tham ô tài sản", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại UBND xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đối với các bị cáo: Phạm Thị Trông (49 tuổi; nguyên cán bộ xóa đói giảm nghèo) và Phan Lệ Quyên (33 tuổi, nguyên Phó chủ tịch UBND xã kiêm Trưởng ban xóa đói giảm nghèo).
Hai bị cáo tại phiên xử. |
Theo cáo trạng, năm 2009, UBND xã An Nhơn Tây phân công Phạm Thị Trông làm cán bộ thuộc Ban xóa đói giảm nghèo của xã.
Theo đó, UBND xã An Nhơn Tây giao cho Ban giảm nghèo xem xét, giải quyết cho các hộ nghèo vay vốn sản xuất kinh doanh, mỗi người được vay từ 5 đến 25 triệu đồng, với lãi suất 0,5%/ tháng trong thời hạn tối đa 36 tháng.
Sau khi đơn đề nghị vay vốn được xét duyệt, Trông được giao nhiệm vụ cầm séc rút tiền mặt do Phan Lệ Quyên - Trưởng ban ký đến ngân hàng rút tiền đem về UBND xã lập phiếu chi và mở sổ theo dõi chi tiền cho người vay. Đến hạn thanh toán, Trông gửi giấy mời do Quyên ký, mời người vay đến thu nợ vốn, lãi vay; lập phiếu thu vốn, lãi rồi trình Trưởng ban duyệt, chuyển danh sách và tiền nợ vốn vay, lãi suất nộp vào tài khoản của quỹ tại ngân hàng.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian đầu Trông thu đủ vốn, lãi vay của người dân và nộp vào tài khoản đúng hạn. Đến năm 2011, do nợ các cá nhân trong làm ăn kinh doanh, nợ hụi, dẫn đến đến khó khăn về kinh tế nên Trông nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của Ban bằng cách Trông tự gửi thư mời các hộ dân hoặc tự liên lạc qua điện thoại mời người vay đến trụ sở UBND xã hoặc hẹn gặp những người này tại nhà riêng yêu cầu nộp trả nợ vốn. Sau đó, Trông tự đánh máy phiếu thu không theo quy định hoặc viết tay biên nhận, nhận tiền người nộp mà không ghi vào sổ sách kế toán.
Với thủ đoạn nêu trên, Trông đã chiếm đoạt của quỹ 586 triệu đồng. Để tránh bị phát hiện, Trông lập 23 hồ sơ giả xin gia hạn nợ, ký giả chữ ký người vay và ký giả chữ ký của 9 tổ trưởng Tổ tự quản giảm nghèo rồi trình cho Phan Lệ Quyên và Ban giảm nghèo, tăng hộ khá huyện xét duyệt cho gia hạn nợ.
Ngoài hành vi trên, mặc dù biết Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Củ Chi không cho phép cán bộ xóa đói giảm nghèo tham gia thu nợ vay Quỹ Hỗ trợ và giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi (Quỹ Dự án 156) nhưng lợi dụng nhiệm vụ là đôn đốc người vay trả nợ đúng hạn, Trông đã tự ý sử dụng thư mời của UBND xã hoặc đi gặp trực tiếp những người vay đến UBND xã để thu vốn, lãi. Với thủ đoạn trên, từ tháng 5-2012 đến tháng 9-2013, Trông đã thu lãi, vốn của 71 hộ dân chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng, sử dụng vào mục đích cá nhân.
Liên quan đến vụ án, với tư cách là Trưởng ban, Phan Lệ Quyên bị cho là không làm hết trọng trách được giao dẫn đến hậu quả trên nên cũng bị truy tố về tội "Thiếu trách nhiệm...".