Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức “cúng giải vong”

07:42 30/12/2020
Lợi dụng sự mê tín dị đoan của nhiều người, các đối tượng lừa đảo giả danh người tu hành hoạt động ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức. Khi xác định được “con mồi”, chúng dựng lên những chiêu trò hoang đường nhằm hù dọa gia chủ sống trong nỗi khiếp hãi, phải “cúng giải vong, cầu lộc”, rồi chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.


Thủ đoạn của chúng là cạo trọc đầu, khoác lên người bộ quần áo màu vàng, xưng đang tù tại chùa rồi chở nhang đi bán. Kẻ gian lân la khắp nơi, thậm chí gõ cửa từng nhà mời chào mua nhang với lời có cánh “đóng góp công đức cho nhà chùa”. Các đối tượng nhiệt tình bắt chuyện nhằm thăm dò điều kiện gia cảnh, mức độ “cuồng tín”, tin vào tâm linh, ma quỷ, vong hồn của chủ nhà rồi tung chiêu lừa đảo.

Ông Võ Minh Sang (ngụ phường 6, TP Đà Lạt), một nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này cho biết, khi thấy người tu hành giới thiệu pháp danh là Minh Ngọc, tu tại một chùa ở TP Hồ Chí Minh đi bán nhang, trò chuyện nhiệt tình, dù đang rất khó khăn nhưng ông vẫn đi vay tiền mua mấy chục bó nhang với giá lên tới 3,5 triệu đồng. Ông Sang còn cho người này thêm 500 nghìn đồng.

Các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức “cúng giải vong” bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Thấy chủ nhân đã lộ “yếu điểm”, kẻ gian lập tức khen nhà ông Sang mới xây xong rất đẹp nhưng đang có... vong trẻ con theo phá, gia đình sẽ gặp nhiều tai ương. Đi quanh nhà, kẻ gian bịa ra nhiều chuyện hoang đường, hù dọa gia chủ khiếp hãi. Sau đó, đối tượng tiết lộ “thầy giải được vong này”. Kẻ lừa đảo yêu cầu ông Sang chuẩn bị một số lễ vật cùng 40 triệu đồng để cúng giải hạn. Không có tiền, vợ chồng ông Sang phải đi vay nóng để “thầy cúng” giải vong mong sớm qua cơn hoạn nạn. Cúng xong, “thầy” vừa rời đi, ông Sang phát hiện hơn 40 triệu tiền thật đã bị tráo đổi một xấp tiền âm phủ.

Mới đây nhất, Nguyễn Văn Minh (ngụ tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) đã giả dạng người tu hành đi bán nhang tại huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) để thực hiện hành vi lừa đảo. Khi phát hiện gia đình anh Lê Văn Long, thị trấn Lạc Dương “có niềm tin tâm linh”, đối tượng đã dựng lên nhiều chuyện hoang đường liên quan đến mê tín dị đoan để hù dọa gia chủ, sau đó gợi ý cúng giải hạn, cùng lộc, cầu an. Lễ vật gồm thức ăn chay và 49 triệu đồng.

Minh dặn dò chủ nhà sau khi cúng xong lấy tiền này kinh doanh sẽ phát tài lộc. Trong lúc cúng, đối tượng nhanh tay đánh tráo gói tiền thật bằng tiền âm phủ đã chuẩn bị sẵn. May thay, hành vi của kẻ gian đã bị một người trong nhà anh Long phát hiện, trình báo Công an bắt giữ.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cúng giải vong, giải hạn, cúng cầu an, cầu lộc, đã xảy ra từ nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều đối tượng. Tuy nhiên, lợi dụng sự mê tín dị đoan của nhiều gia đình, hình thức lừa đảo này rất dễ trót lọt nên vẫn được các đối tượng triệt để sử dụng. Nhiều đối tượng đã phải trả giá bằng những bản án thích đáng, như ba người cùng ngụ tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang gồm: Nguyễn Văn Dứt (SN 1978), Nguyễn Hoài Nam (SN 1991) và Huỳnh Thị Phương Duyên (SN 1985), mỗi đối tượng đã bị TAND TP Đà Lạt xử phạt từ 5 đến hơn 7 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhóm đối tượng trên đã lên Đà Lạt, giả người tu hành đi bán nhang, lân la tiếp cận gia đình anh Lê Anh Khoa (SN 1987, ngụ phường 8, TP Đà Lạt) liên tục thực hiện 3 lần lừa đảo, chiếm đoạt tổng cộng 229 triệu đồng, dưới hình thức cúng “giải vong” và “cầu lộc”. Sau hai lần được nhóm này cúng “giải vong” nhưng gia chủ vẫn than công việc kinh doanh “dạo này ế quá”, nhóm lừa đảo trên đã vận động gia đình anh Khoa cúng “tài lộc” với gói “đại lộc” 199 triệu đồng. Cúng xong lấy tiền này kinh doanh sẽ nhanh phát tài. Do tin tưởng mù quáng, sau khi chuẩn bị đầy đủ “sính lễ” theo yêu cầu, vợ chồng anh Khoa lại mời nhóm lừa đảo đội lốt người tu hành về nhà lập đàn cúng vái. Trong lúc cúng, nhóm này đã nhanh tay đánh tráo 199 triệu đồng bằng một cọc tiền âm phủ đã chuẩn bị sẵn. Sau 3 lần cúng “giải vong” và “cầu lộc”, các đối tượng đã lừa đảo, chiếm đoạt của vợ chồng anh Khoa 229 triệu đồng.

Thượng tá Phạm Phú Ty, Phó Trưởng Công an huyện Lạc Dương, nơi vừa phát hiện, bắt giữ một đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức cúng giải hạn, giải vong cho biết: Nhằm đánh vào niềm tin tâm linh, mê tín dị đoan của nhiều người, các đối tượng lừa đảo đội lốt người tu hành đã dựng lên những chuyện mê tín hoang đường nhằm làm cho nạn nhân sợ hãi, sống trong hoang mang tột độ. Khi biết “con mồi” sập bẫy, đối tượng sẽ đề cập việc cúng giải hạn, giải vong nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Có gia đình bị lừa đảo nhiều lần nhưng không phát hiện, vẫn tin rằng những chuyện mê tín dị đoan mà chúng tự bịa ra là có thật. Chiêu cuối cùng loại tội phạm này sử dụng với nạn nhân là “cúng cầu lộc”, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng từ việc đánh tráo tiền thật bằng tiền âm phủ.

Khắc Lịch

Quá trình thanh tra phát hiện việc đấu giá 21 lô đất tại huyện Long Hồ (cũ), nay là phường Thanh Đức (tỉnh Vĩnh Long) đã để xảy ra sai phạm, thiếu sót và làm hạn chế cá nhân tham gia đấu giá, ảnh hưởng đến nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án nhà ở.

Chiều muộn ngày 9/7, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Phạm Bạch Đằng, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (TP Hà Nội) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc cô giáo bạo hành bé gái là học sinh một trường mầm non và Công an phường đã có báo cáo cụ thể. Hiện nay, bé gái đang được cơ quan chức năng đưa đi giám định thương tích.

Trả lời câu hỏi của một sinh viên về việc hiện đang học tại trường Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và muốn thi thêm vào một trong các trường của lực lượng CAND để tham gia học một lúc song song 2 trường, Bộ Công an cho biết, theo quy định của Bộ, thí sinh không được đăng ký học song song hai bằng đại học trong thời gian theo học tại các cơ sở đào tạo ngoài lực lượng CAND.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.