Bi hài chuyện tội phạm giả danh công an để lừa đảo
Qua các vụ việc, có thể thấy đối tượng phạm tội cực kỳ tinh vi, sử dụng tất cả các phương thức phạm tội từ “truyền thống” cho đến “hiện đại”, không chỉ lừa gạt tiền bạc của những người nhẹ dạ, mà còn lợi dụng tình cảm của nạn nhân…
Nạn nhân của tội phạm công nghệ
UBND tỉnh Quảng Ninh đã vừa phải ban hành công văn thông báo rộng rãi đến người dân để nâng cao ý thức phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng giả danh cán bộ công an lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trùm ma túy Nguyễn Thế Sơn giả danh công an để buôn ma túy |
Theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh, chỉ trong khoảng thời gian từ cuối tháng 8 đến nay đã có gần chục trường hợp công dân đến cơ quan công an trình báo, tố giác bị tội phạm giả danh công an lừa đảo chiếm đoạt với tổng số tiền hơn 6,6 tỷ đồng. Trên 10 trường hợp khác đến các ngân hàng định chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng gây án đã được ngăn chặn kịp thời do các ngân hàng và người thân phát hiện có dấu hiệu tương tự các trường hợp bị lừa chuyển tiền trước đó mà cơ quan công an đã thông tin.
Tiến hành điều tra, cơ quan Công an cho biết phương thức, thủ đoạn gây án của các đối tượng là sử dụng số điện thoại thuê bao nước ngoài, chủ yếu là của Trung Quốc và Lào, số của các nhà mạng ở những vùng chồng lấn sóng hoặc gọi qua mạng internet đến máy cố định, di động của người bị hại.
Các đối tượng này tự xưng danh là cán bộ thuộc lực lượng điều tra hình sự, kinh tế, ma túy đang thụ lý vụ án, thông báo số tiền trong tài khoản ngân hàng của người bị hại.
Hoặc số tiền trong tài khoản ngân hàng do bị hại cho người khác mượn tên đăng ký có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy, lừa đảo, rửa tiền hoặc do hành vi vi phạm pháp luật. Sau đó, đối tượng yêu cầu bị hại gửi, chuyển tiền ngay đến một tài khoản ngân hàng do chúng đưa ra với lý do để phục vụ công tác điều tra xác minh, hoặc để cộng tác với cơ quan Công an làm rõ hành vi phạm tội của đối tượng lừa đảo, hành vi của cán bộ ngân hàng nghi giúp sức cho tội phạm, nếu bị hại không có liên quan đến vụ án sau khi xác minh, điều tra sẽ tiến hành trả lại.
Đối tượng tội phạm thường hướng đến là những người già, phụ nữ trung tuổi ở các thành phố lớn có tài khoản tiết kiệm, dễ tác động tâm lý. Thời gian đối tượng gây án gọi điện vào giờ hành chính các ngày làm việc, nâng cao tính nghiêm trọng của vụ án đang điều tra và liên tục thúc ép bị hại, làm cho bị hại không có thời gian để suy nghĩ, đánh giá, nghi ngờ và bàn bạc, trao đổi với các thành viên trong gia đình. Đồng thời đây cũng là thời gian các ngân hàng hoạt động để việc chuyển tiền được diễn ra nhanh chóng.
Khi người bị hại gửi tiền vào tài khoản, thường do những người khác được thuê đứng tên sử dụng, các đối tượng nhanh chóng chiếm đoạt bằng cách sử dụng nhiều thẻ ATM hoặc thẻ tín dụng (POS) để rút hết số tiền được chuyển vào tài khoản. Đặc biệt tinh vi, các đối tượng gây án còn sử dụng thẻ Master Card rút tiền tại cây ATM ở nước ngoài.
Và những chuyện bi hài công an… giả
Bao nhiều năm đầu ấp tay gối, thế nhưng anh Phạm Thế V., 34 tuổi, ở xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) vẫn đinh ninh vợ mình là Nguyễn Thị Phin, 35 tuổi, đang công tác trong ngành công an, quen biết nhiều và có thể xin việc được cho nhiều người… Phải đến khi cơ quan công an mời lên làm việc, anh V. mới bàng hoàng biết vợ mình… mạo danh công an.
Bộ mặt thật của Nguyễn Thị Phin cũng được cơ quan Công an làm rõ. Mặc dù chẳng có nghề nghiệp gì ổn định lại muốn làm giàu nhanh, Phin đã nghĩ ra kiểu “làm ăn” bằng cách tìm gặp những người nhẹ dạ cả tin, rồi hứa hẹn sẽ giúp con cháu họ tuyển dụng vào ngành công an. Để lấy niềm tin với “con mồi”, Phin tự sắm cho mình mấy bộ quân phục công an, đi đến đâu cũng khoe mình đang công tác tại Phòng Tổ chức cán bộ và có khả năng giúp được cho nhiều người vào biên chế trong ngành.
CMND giả của đối tượng Nguyễn Thế Sơn |
Con “mồi” đầu tiên Phin nhắm đến không ai khác người em trai ruột của chồng mình là Phạm Mạnh D., SN 1987, đang ở nhà chờ công ăn việc làm. Khi được chị dâu gợi ý xin cho vào Công an, anh D. đã chạy vạy, vay mượn được 100 triệu đồng đưa cho chị dâu nhờ giúp đỡ.
Sau hơn 2 năm lo lót làm các thủ tục “tuyển dụng”, Phin đã nhờ người đóng giả là Trạm trưởng một trạm CSGT đứng ra đồng ý tiếp nhận anh D. vào làm việc. Để tránh bị lộ, Phin đã tự “chế” ra bản Quyết định tuyển dụng và phân công làm việc cùng với một số giấy tờ khác đưa cho cậu em chồng giữ. Không chỉ có vậy, Phin còn đưa tiền cho Trạm trưởng giả để trả lương tháng đầu, còn lại các tháng về sau, cho tận đến khi bị bắt, Phin vẫn bỏ tiền ra trả… lương mặc dù anh D. chẳng phải làm bất cứ công việc gì.
Bằng việc làm trông thấy là Phin đã giúp đỡ cho em chồng của mình từ chỗ thất nghiệp được vào làm CSGT, tiếng tăm của Phin sau đó lan ra khắp mấy xã miền núi của huyện Thủy Nguyên. Nhiều gia đình đã quá tin tưởng Phin tìm đến cạy cục nhờ vả, lo cho con em mình vào đi làm công an. Lúc này, biết các con mồi đã cắn câu, Phin đồng ý tiếp nhận của hàng chục trường hợp có nhu cầu xin tuyển dụng vào ngành Công an với mỗi suất phải nộp vào từ 300 – 350 triệu đồng. Để củng cố lòng tin, sau khi nhận hồ sơ và tiền, Phin còn bố trí hẳn người giả là cán bộ công an về địa phương xác minh lý lịch…
Một vụ việc khác không kém phần bi hài xảy ra trên địa bàn thành phố Hải Phòng, khi một công an “rởm” đòi “làm luật” một cán bộ công an “xịn”. Hôm đó thiếu úy Đỗ Xuân Lăng, cán bộ của Phòng Cảnh sát Bảo vệ và Cơ động mặc thường phục điều khiển xe máy trên đường về nhà thì bị Phạm Văn Đồng, SN 1991, ở khu 4, phường Nam Hải, quận Hải An, đi xe máy, ép vào lề đường để đòi yêu cầu… nộp phạt.
Sau khi rút ra chiếc thẻ ghi “Bộ Công An – Công an TP. Hải Phòng”, Đồng yêu cầu thiếu úy Lăng phải “chi tiền” cho mình với lý do đi xe máy vào làn đường dành cho ô tô. Nghi ngờ tấm thẻ do Đồng sử dụng là thẻ làm giả, anh Lăng đã yêu cầu Đồng về công an phường Đằng Lâm để làm rõ. Tại trụ sở công an, đối tượng khai nhận đã lấy chiếc thẻ bảo vệ màu đỏ, có dấu hiệu gần giống với dấu hiệu của lực lượng công an để giả danh cảnh sát rồi ra đường chặn, giữ những người vi phạm giao thông để cưỡng đoạt tiền.
Còn trước đó, chỉ vì lấy… oai, Nguyễn Anh Tuấn, 22 tuổi, ở thôn Minh Hồng, xã Nghĩa Lộ, huyện Cát Hải (Hải Phòng) vào mạng Internet copy lấy ảnh mặt sau của Chứng minh công an nhân dân, rồi mang đến hiệu ảnh in ra và ép plastic để dùng làm thẻ ngành công an. Sau đó Tuấn đi mua thêm chiếc mũ bảo hiểm màu xanh của ngành công an, rồi đứng ra đường dừng xe người tham gia giao thông vi phạm để phạt tiền. Tuấn khai nhận đã 12 lần giả danh công an để xử phạt 12 người dân đi đường.
Công an tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như CMND, tài khoản, số ĐTDĐ… cho các đối tượng lạ qua điện thoại dù họ nhân danh bất kỳ cơ quan nào. Trong trường hợp nếu thấy nội dung trao đổi có liên quan trực tiếp đến trách nhiệm cá nhân thì đề nghị được làm việc trực tiếp, tuyệt đối không làm theo yêu cầu, đặc biệt không chuyển tiền vào các tài khoản theo yêu cầu của người lạ, kịp thời thông báo ngay cho cơ quan công an khi có dấu hiệu nghi vấn để cùng phối hợp giải quyết, không nên tự mình xử lý vì sẽ dễ sập bẫy kịch bản lừa đảo của tội phạm. Nếu phát hiện phải báo ngay cho cơ quan công an những đối tượng có biểu hiện nghi vấn liên quan đến hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản. |