Cảnh giác với tội phạm lừa đảo qua mạng xã hội
Ngày 9/3/2020, chị N.V.A., trú tại phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của một người bạn với nội dung hỏi vay tiền và nhờ chuyển số tiền gần 4 triệu đồng cho một tài khoản ngân hàng qua ứng dụng Smart Banking. Tin tưởng đó là bạn, chị đã chuyển số tiền trên mà không hề xác minh. Sau khi chuyển tiền thành công, chị mới biết tài khoản Facebook của bạn đã bị đánh cắp.
Cũng qua mạng xã hội, chị D.T.T.H., trú tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên đặt mua một chiếc điện thoại iPhone 11, trị giá 15 triệu và đã bị lừa tiền. Khi vào mạng xã hội, chị thấy tài khoản Facebook "Nguyễn Thái Bình" rao bán điện thoại để lấy tiền hoạt động từ thiện nên đồng ý mua và chuyển tiền qua ứng dụng Smart Banking. Đến tối cùng ngày, khi chưa nhận được điện thoại và thấy tài khoản Facebook đó đã bị khóa, lúc đó chị mới biết mình bị lừa.
Công an TP Thái Nguyên ghi lời khai người bị hại. |
Đây mới chỉ là 2 trong nhiều nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội trên địa bàn thành phố Thái Nguyên trong thời gian qua.
Trao đổi với chúng tôi, Thượng úy Đặng Văn Thọ - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an thành phố Thái Nguyên cho biết, trong quý I-2020, Công an thành phố tiếp nhận 16 vụ việc công dân đến trình báo liên quan đến việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội Facebook, Zalo.
Hầu hết quá trình xác minh, xác định những tài khoản ngân hàng sử dụng để chuyển tiền đều được đối tượng mua lại trôi nổi trên thị trường và các đối tượng không thực hiện giao dịch tại các ngân hàng, phòng giao dịch mà được thực hiện thông qua ứng dụng Internet Banking, do đó việc truy xuất người sử dụng tài khoản, địa điểm các đối tượng thực hiện hành vi rất khó khăn.
Sau khi đánh cắp được tài khoản Facebook, Zalo... các đối tượng lừa đảo tập trung nghiên cứu thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện, cách nói chuyện với bạn bè, người thân, sau đó mạo danh để nhờ sự giúp đỡ, với nội dung phổ biến như đang gặp khó khăn hoặc nói có việc gấp cần vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy - Đội trưởng, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, các đối tượng sử dụng phần mềm, thiết bị chuyên dụng để tấn công vào tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc thiết lập những tài khoản Facebook, Zalo có tên giống với tên của nạn nhân để tiếp cận danh sách bạn bè từ đó gửi tin nhắn qua mạng xã hội, đề nghị có việc gấp để vay tiền, nhờ chuyển tiền sau đó chiếm đoạt tài sản.
Hầu hết tài khoản Facebook, Zalo... mà các đối tượng lựa chọn, đánh cắp thường là tài khoản có mật khẩu đơn giản, dễ nhớ hoặc các chủ tài khoản Facebook, Zalo đang sinh sống tại nước ngoài, để khi thực hiện hành vi lừa đảo, các bị hại sẽ khó liên hệ với chủ facebook, zalo xác minh, kiểm chứng thông tin.
Thiếu tá Nguyễn Quốc Huy đưa ra một số khuyến cáo, người dân cần tiến hành tăng cường độ bảo mật của mật khẩu Facebook, Zalo, sử dụng các mật khẩu 8 ký tự có cả chữ, số, ký tự đặc biệt. Khi có người đề nghị vay tiền, chuyển tiền thì gọi cuộc gọi thoại để kiểm tra, xác minh xem có phải bạn bè mình cần vay hay không.
Bên cạnh đó, khi sử dụng mạng xã hội, người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không chia sẻ mật khẩu và thông tin cá nhân như nghề nghiệp, ngày, tháng, năm sinh, các địa chỉ check in... để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.