Công an Lâm Đồng triệt phá 141 băng nhóm tội phạm
Theo đó, từ năm 2014 đến nay, Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động theo băng nhóm. Qua đó, Công an Lâm Đồng đã triệt phá, làm tan rã 141 băng nhóm, với 926 đối tượng. Điều tra, làm rõ 228 vụ án các loại, trong đó có 7 băng nhóm, 43 đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, bảo kê, đòi nợ thuê.
Cùng với việc xác định các băng nhóm tội phạm có tổ chức, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo rà soát tất cả các băng nhóm tội phạm, kể cả những nhóm nhỏ, lẻ, mức độ câu kết không cao để chủ động quản lý, đấu tranh. Qua rà soát, cơ quan Công an xác định toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có 54 băng nhóm tội phạm đơn giản với 431 đối tượng hoạt động trên nhiều lĩnh vực.
Trong số này có 34 băng nhóm với 300 đối tượng hoạt động ở lĩnh vực về hình sự, ma túy có các biểu hiện hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. 7 băng nhóm núp bóng doanh nghiệp để hoạt động và 19 doanh nghiệp được các đối tượng lợi dụng để hoạt động phi pháp.
Công an tỉnh Lâm Đồng dựng lại hiện trường một vụ án giết người. |
Cũng theo lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng, tại địa phương đang xảy ra tình trạng không ít người do ham lãi suất cao nên đã tham gia chơi hụi rồi bị chủ hụi chiếm đoạt tiền. Đặc biệt, một số cán bộ ngân hàng lợi dụng lòng tin của người dân để lừa đảo bằng thủ đoạn vay tiền đáo hạn ngân hàng với lãi suất huy động cao sau đó chiếm đoạt tài sản.
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 3 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến cán bộ ngân hàng với số tiền hàng chục tỷ đồng. Các đối tượng cầm đầu cho vay lãi nặng thường sử dụng những đối tượng chuyên đi đòi nợ thuê, xiết nợ, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người vay để ép buộc họ ký vào giấy ghi nợ, giấy vay mượn tiền với lãi suất thấp hơn rất nhiều so với thực tế hoặc ép viết giấy cầm cố, bán, sang nhượng tài sản có công chứng hợp pháp. Do đó, khi người vay tố cáo với cơ quan chức năng đều không có tài liệu chứng minh các đối tượng cho vay lãi nặng hay ép buộc, chiếm đoạt tài sản.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ chỉ đạo thực hiện quyết liệt, trong đó tập trung đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín đụng đen”, gắn với các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm. Có kế hoạch đấu tranh với tội phạm có tổ chức, đâm thuê, chém mướn, bảo kê, đòi nợ thuê… kết hợp với rà soát, đánh giá lại toàn bộ hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, cấm đồ và lợi dụng bán hàng đa cấp để lừa đảo người dân dẫn đến vay nợ, cầm cố, xiết nợ, đòi nợ thuê… để có giải pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh..”, Đại tá Lê Hồng Phong nhấn mạnh.