Công an TP Hồ Chí Minh cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo
Thời gian gần đây, Công an TP Hồ Chí Minh gửi liên tiếp 3 tin nhắn SMS, tóm tắt các hình thức lừa đảo của băng nhóm tội phạm, nhằm cảnh báo cho người dân những thông tin cần thiết để tránh mắc bẫy.
- Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại
- Thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo qua điện thoại
- Tội phạm lừa đảo qua điện thoại tái xuất
- Cảnh báo thủ đoạn giả danh Công an, VKS để lừa đảo qua điện thoại
Khéo léo xử lý tình huống, cộng tác với cơ quan Công an (Ảnh minh họa) |
Trong tin nhắn thứ 1, Công an TP Hồ Chí Minh cảnh báo về tội phạm tìm cách xâm nhập vào hệ thống email của doanh nghiệp để nắm bắt các thông tin về hợp đồng, tài khoản chuyển tiền… Sau đó, chúng sử dụng các email rất giống với email của đối tác, để gửi đến doanh nghiệp và yêu cầu chuyển tiền sang tài khoản thụ hưởng khác.
Do có email giống và các thông tin trùng khớp (tội phạm đã đọc trộm nội dung hợp đồng) nên các doanh nghiệp không cẩn thận có thể sẽ chuyển tiền sang tài khoản mới mà tội phạm cung cấp.
Tin nhắn thứ 2, cảnh báo việc lừa đảo kết hôn với người nước ngoài. Công an khuyến cáo có tình trạng tội phạm giả mạo là người nước ngoài, làm kỹ sư, quân đội hay bác sĩ… làm quen, yêu hoặc hứa hẹn kết hôn với người trong nước, sau đó chuyển quà tặng có giá trị cho nạn nhân.
Chúng cho người giả làm nhân viên giao nhận hoặc nhân viên hải quan yêu cầu người nhận phải đóng tiền thuế bằng cách gửi tiền qua tài khoản ngân hàng.
Tin nhắn thứ 3, cảnh báo trường hợp các đối tượng giả làm cơ quan công quyền gọi điện đến nhà nạn nhân. Tội phạm sẽ nói nạn nhân liên quan đến một vụ án, hoặc liên quan một vụ rửa tiền, hoặc đang nợ cước Internet hoặc tiền điện…
Chúng xưng là cơ quan công quyền và dọa nạt nạn nhân, yêu cầu chuyển tiền thế chân vào tài khoản cho “cơ quan pháp luật”, sau đó sẽ chuyển lại.
Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, các hành động kể trên là thủ đoạn lừa đảo, người dân không nên chuyển tiền và báo với cơ quan chức năng để xử lý. Các cơ quan pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án khi làm việc với công dân đều bằng giấy mời hoặc giấy triệu tập. Việc tạm giữ tài sản của công dân được thực hiện bằng văn bản, không yêu cầu người dân tự chuyển vào tài khoản mang tên cá nhân...
Tháng 7-2016, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã gửi tin nhắn đến người dân, cảnh báo việc tội phạm giả danh các cơ quan pháp luật để gọi điện hăm dọa người dân chuyển tiền.
Thời gian qua, nhiều băng nhóm gọi điện thoại hăm dọa, lừa đảo đã bị bắt giữ và đưa ra pháp luật xử lý, người dân cần đề cao cảnh giác.