Cựu Giám đốc Sở GD&ĐT lại vắng mặt tại phiên toà gian lận điểm thi Sơn La

11:39 15/10/2019
Theo thông báo của Thư ký phiên toà, ông Hoàng Tiến Đức, cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La được toà triệu tập với tư cách là nhân chứng vẫn không có mặt. Trước đó tại phiên xử sơ thẩm lần thứ nhất, ông Đức cũng vắng mặt.


Sáng 15-10, TAND tỉnh Sơn La mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử lần 2 vụ án gian lận điểm thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La. 

Thẩm phán Quản Hữu Chiến được phân công làm Chủ tọa phiên toà. Thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử là hai kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Sơn La là bà Lê Thị Thu Hà và ông Nguyễn Văn Thành. 
Hội đồng xét xử.

Tại phiên toà này, HĐXX triệu tập 47 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan (gồm phụ huynh có con được nâng điểm và thí sinh được nâng điểm) và 43 người làm chứng, trong đó có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Sơn La. 

Trong số những người làm chứng có ông Hoàng Tiến Đức (cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), ông Nguyễn Duy Hoàng (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La), ông Đỗ Kim Quang (Giám đốc VNPT Sơn La)… Có 8 luật sư tham dự phiên toà với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo.
Bị cáo Lò Văn Huynh.

Các bị cáo gồm: Trần Xuân Yến (nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La), Lò Văn Huynh (nguyên Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục-Sở GD&ĐT Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Sở GD&ĐT Sơn La), Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó trưởng Phòng chính trị-Sở GD&ĐT), Đặng Văn Thủy, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu- Sở GD&ĐT Sơn La), Đinh Hải Sơn (nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La) bị cáo bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (quy định tại khoản 2, Điều 356 BLHS năm 2015) với khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù. Cùng bị truy tố về tội danh này là bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (nguyên Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và bị cáo Đỗ Khắc Hưng (nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La) bị truy tố theo khoản 1, Điều 356 BLHS năm 2015 với khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù.

Trong phần thủ tục, theo thông báo của Thư ký phiên toà, ông Hoàng Tiến Đức vẫn không có mặt. Trước đó tại phiên xử sơ thẩm lần thứ nhất, ông Đức cũng vắng mặt.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga.

Trước đó, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Hoàng Tiến Đức bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng, gồm: uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015-2020; ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Bí thư Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La nhiệm kỳ 2015-2020. 

Ông Đức với cương vị Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi trung học phổ thông quốc gia, Chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng Ban chấm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Sơn La. 

Ông Đức là người phải chịu trách nhiệm trực tiếp trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của ban chỉ đạo, hội đồng thi, ban chấm thi và các khâu trong quá trình thi. Ông Đức thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều cán bộ vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, một số cán bộ bị khởi tố, điều tra, xử lý hình sự.Trong quá trình kiểm điểm, ông Đức đã nhận vi phạm, khuyết điểm của mình và tự nhận hình thức kỷ luật.

Ngoài sự vắng mặt của ông Đức, còn vắng mặt nhiều người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. 

Tại phiên toà này, một số người làm chứng quan trọng có mặt là ông Phan Ngọc Sơn, Chánh Thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; ông Lê Trọng Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Sơn La, tỉnh Sơn La có con được nâng điểm; ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La)… 

Về sự vắng mặt của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, trước khi phiên toà diễn ra, HĐXX đã triệu tập 2 lần nhưng họ vẫn không tới hoặc có đơn xin xử vắng mặt. Như vậy HĐXX có thể tiếp tục xét xử là phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. 

Bị cáo Đặng Hữu Thuỷ.

“Việc vắng mặt của những người trên cũng không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Bởi trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã lấy lời khai đầy đủ của những người này”, đại diện Viện kiểm sát cho biết. Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Xuân Yến, đề nghị áp giải ông Trần Tiến Đức đến phiên toà trong trường hợp cần thiết, vì ông Đức là nhân chứng rất quan trọng.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Sơn La, các bị cáo trên đã cấu kết nhận thông tin của 44 thí sinh để tìm bài thi, sửa theo hướng nâng từ 2 đến 6,55 điểm một thí sinh. Các lãnh đạo khác của Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La cũng trực tiếp chuyển thông tin thí sinh cho các bị cáo để nâng điểm cho thí sinh. 

Trong đó, ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT chuyển thông tin 10 thí sinh cho Trần Xuân Yến. Nguyễn Thị Hồng Nga nhận từ ông Nguyễn Duy Hoàng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thông tin 1 thí sinh để nâng điểm cho thí sinh hai môn Sử và Địa. Ông Nguyễn Ngọc Hà, Trưởng phòng Giáo dục THPT chuyển thông tin 10 thí sinh để nhờ nâng điểm. 

Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng đặt vấn đề với Nguyễn Thị Hồng Nga nâng điểm cho hai thí sinh đạt môn Toán và Tiếng Anh cùng 9,8 điểm và một thí sinh 9,0 điểm môn Toán. 

Ngoài ra, Sơn còn nhờ nâng điểm cho thí sinh là người nhà đạt môn Toán và môn Tiếng Anh cùng 9,8 điểm. Còn Khoa nhờ Huynh nâng điểm cho 2 thí sinh khác.

Về những bài thi môn Văn bị hạ điểm, Viện KSND tỉnh Sơn La xác định do giáo viên “chấm thoáng”, “chấm ẩu”. Khi làm việc với cơ quan điều tra, 7 thư ký và 21 giáo viên chấm thi tự luận thừa nhận chấm sai do “chấm ẩu”, “chấm thoáng” và  “chấm đón ý” và sự thiếu trách nhiệm này không được ai tác động để nâng điểm cho các thí sinh. 

Quá trình điểu tra, Nguyễn Thị Hồng Nga khai đã cầm 1,04 tỷ đồng để nâng điểm cho 4 thí sinh. Cẩm Bun Sọn khai đã nhận 440 triệu đồng để nâng điểm cho 1 thí sinh. Lò Văn Huynh khai nhận 1 tỷ đồng nâng điểm cho 2 trường hợp; Đặng Hữu Thủy khai đã cầm 500 triệu đồng…

Nguyễn Hưng

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文