Cựu Giám đốc câu kết với đối tác chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng

08:18 04/05/2017
Khuất Văn Phú (54 tuổi, trú tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội) từng là Giám đốc Công ty TNHH Phú Dương (viết tắt là Công ty Phú Dương). Trong thời gian giữ chức vụ, Phú câu kết với lãnh đạo một số công ty trách nhiệm hữu hạn và cổ phần tư nhân lập hàng loạt giấy tờ khống rồi dùng các tài liệu này hợp thức hóa nhiều hồ sơ vay vốn ngân hàng để chiếm đoạt số tiền gần 20 tỷ đồng.

Ngày 3-5, TAND TP Hà Nội đã mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.

Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 6-2008 đến tháng 4-2009, Phú đã dùng thủ đoạn gian dối để ký hợp đồng mua bán thép khống giữa Công ty Phú Dương với Công ty Tân Nghệ An, Công ty Thép Mới, Công ty Thương mại và Tư vấn Lê Tôn. Năm 2007, Công ty Phú Dương được Ngân hàng TMCP Quốc tế tại Hà Nội (VIB Hà Nội) cấp hạn mức tín dụng 50 tỷ đồng.

Một năm sau, Phú đã bàn bạc với Hoàng Tuấn Lê (35 tuổi, trú tại quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) là Phó Giám đốc Công ty Tân Nghệ An và Nguyễn Văn Ngọc (41 tuổi, trú tại quận 2, TP Hồ Chí Minh) là Giám đốc Công ty Thép Mới đồng thời là Phó Giám đốc Công ty Tân Nghệ An để ký khống hợp đồng mua bán thép, lập khống biên bản giao nhận hàng hóa, lập khống phiếu thu tiền. Sau đó, Phú đã sử dụng các giấy tờ khống này để đưa vào hồ sơ vay vốn và được VIB Hà Nội giải ngân gần 11 tỷ đồng, tài sản thế chấp là một xe ôtô và gần 1.300 tấn thép các loại.

Không biết hợp đồng mua bán thép là khống, tài sản bảo đảm không có thật nên VIB Hà Nội đã giải ngân số tiền vay vào tài khoản của Công ty Tân Nghệ An. Số tiền này được Công ty Tân Nghệ An chuyển vào tài khoản của Công ty Phú Dương. Cuối tháng 2- 2008, Công ty Phú Dương ký hợp đồng hạn mức tín dụng với một ngân hàng tại Hà Nội, tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho và hàng hóa hình thành từ vốn vay.

Từ hợp đồng này, Công ty Phú Dương đã ký kết một số khế ước vay tiền nhưng đến nay không còn khả năng thanh toán, đồng thời không còn tài sản thế chấp đảm bảo cho khoản vay. Thực hiện tội phạm, Phú đã bàn bạc, thỏa thuận thống nhất với Ngọc lập hồ sơ vay tiền ngân hàng để Phú lấy tiền trả nợ.

Các bị cáo tại phiên xử.

Ngày 11-9-2008, Công ty Phú Dương ký hợp đồng mua bán thép khống với Công ty Thép Mới với số lượng 1,75 triệu kg thép tấm cán nóng, giá trị hợp đồng hơn 23 tỷ đồng. Công ty Thép Mới lập hai phiếu thu khống và xuất hóa đơn giá trị gia tăng khống, lập khống biên bản giao nhận hàng hóa. Từ đây, Phú đã sử dụng các chứng từ để hợp thức hóa bộ hồ sơ đề nghị một ngân hàng tại Hà Nội cho Công ty Phú Dương vay hơn 16 tỷ đồng.

Giúp sức cho Phú chiếm đoạt tiền của ngân hàng, Lê đã ký khống biên bản kiểm kê hàng hóa gửi kho, hợp đồng thuế kho ba bên để Phú hợp thức hóa bộ hồ sơ vay tiền và chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng. Ngọc đã ký khống hợp đồng mua bán thép, lập khống hai phiếu thu tiền, xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng giúp Phú sử dụng các tài liệu và chứng từ này hợp thức hóa bộ hồ sơ khống vay tiền.

Tháng 10-2008, Công ty Phú Dương đã được một ngân hàng tại Hà Nội giải ngân 13,9 tỷ đồng, cho vay theo hợp đồng mua bán thép với Công ty Thương mại và Tư vấn Lê Tôn do Lê Anh Nguyên (43 tuổi, trú tại quận 8, TP Hồ Chí Minh) là Giám đốc mua 1,58 triệu kg thép tấm cán nóng trị giá gần 20 tỷ đồng.

Sau đó, công ty này xuất khống hóa đơn giá trị gia tăng, lập biên bản giao nhận hàng hóa khống, lập biên bản kiểm kê tài sản gửi kho, hợp đồng thuê kho để Phú đưa vào hồ sơ vay vốn. Từ sự dối trá giữa Công ty Phú Dương và các công ty đối tác dẫn đến hậu quả là Công ty Phú Dương không có khả năng trả nợ.

Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra xác định có một số cán bộ của Ngân hàng VIB và một số cán bộ của ngân hàng khác đã tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, kiểm tra tài sản đảm bảo và ký duyệt giải ngân cho Công ty Phú Dương vay vốn, nhưng không phát hiện ra hành vi gian dối, lập khống hồ sơ để vay và chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên sau khi phát hiện, nhân viên ngân hàng đã chủ động tố giác tội phạm nên cơ quan điều tra không truy cứu trách nhiệm hình sự của các nhân viên này.

Với hành vi phạm tội đã gây ra, Phú, Lê, Ngọc và Nguyên bị Viện kiểm sát truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quy định tại khoản 4, Điều 139- BLHS. Khung hình phạt của điều khoản này từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân. Tại phiên xử, HĐXX nhận thấy tài liệu điều tra bổ sung của vụ án này còn một số vấn đề cần làm rõ thêm nên quyết định tạm hoãn phiên tòa.

Nguyễn Hưng

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文