Đại án tại Công ty Gang thép Thái Nguyên:

Dàn cựu lãnh đạo TISCO và VNS xin giảm nhẹ hình phạt khi nói lời sau cùng

19:01 17/04/2021
Sau 6 ngày TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử 19 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO), gây thiệt hại số tiền 830 tỷ đồng, chiều muộn 17/4, HĐXX tuyên bố kết thúc phần tranh luận.

Trước khi phiên toà tạm nghỉ để nghị án, HĐXX cho phép 19 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ ổng Công ty thép Việt Nam (VNS) và TISCO nói lời sau cùng. 

Được nói lời sau cùng đầu tiên, bị cáo Trần Trọng Mừng (cựu Tổng Giám đốc TISCO) đề nghị HĐXX đánh giá lại vị trí của mình trong vụ án này. 

“Bị cáo năm nay đã 72 tuổi. Trong quá trình công tác, bị cáo cống hiến nhiều cho ngành Gang Thép và cũng có nhiều thành tích được khen thưởng. Hiện tại, bị cáo mang nhiều bệnh tật, mong HĐXX xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật”, bị cáo Mừng trình bày.

Các bị cáo tại phiên toà.

Bị cáo Trần Văn Khâm (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TISCO) khi nói lời sau cùng đề nghị HĐXX xem xét dự án diễn ra trong bối cảnh khó khăn, phức tạp. Đến nay, bị cáo nhận thức rõ sai phạm của bản thân, rất ăn năn hối hận. 

“Bị cáo đã có 35 năm công tác trong ngành Gang Thép với nhiều đóng góp to lớn. Bị cáo năm nay đã 60 tuổi, có nhiều bệnh mãn tính, dùng nhiều loại thuốc…, mong HĐXX cho hưởng sự khoan hồng”, bị cáo Khâm trải lòng. 

Trước khi dừng lời, bị cáo Khâm gửi lời xin lỗi cán bộ, công nhân viên chức ở TISCO vì bị cáo và cộng sự đã làm hết mình nhưng dự án vẫn chưa thành công.

Bị cáo Trần Văn Khâm.

Nói lời sau cùng tiếp theo, bị cáo Mai Văn Tinh (cựu Chủ tịch Hội HĐQT VNS) cho biết, mình lớn lên và trưởng thành tại Thái Nguyên, đến nay đã làm việc 40 năm cho ngành Gang Thép, trong đó có một nửa thời gian cống hiến cho TISCO.

 “Bị cáo luôn cùng cấp trên và cấp dưới tìm phương án tối ưu nhất cho dự án. Nhưng để xảy ra hậu quả như bây giờ bị cáo rất ân hận và xin nhận một phần trách nhiệm của mình. Bị cáo mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo từng là đồng nghiệp của mình liên quan đến dự án này”, bị cáo Tinh nói. 

Sau cùng, bị cáo Tinh gửi lời xin lỗi tới cán bộ, công nhân viên ngành Gang Thép và mong HĐXX cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ đối với mình.

Bị cáo Mai Văn Tinh.

Các bị cáo khác khi nói lời sau cùng đều thể hiện sự ân hận, mong HĐXX cho hưởng mức án nhẹ nhất để sớm trở về với gia đình và xã hội. Một số bị cáo khi nói lời sau cùng cho rằng, mức án mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với mình là quá nặng, đồng thời mong HĐXX xem xét toàn diện bối cảnh xảy ra vụ án và vai trò của các bị cáo trong vụ án để áp dụng các tình tiết giảm nhẹ cho mình. 

Trước đó, khi luận tội các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Trần Trọng Mừng từ 10-11 năm tù. Bị cáo Trần Văn Khâm từ 9-10 năm tù. Bị cáo Mai Văn Tinh từ 6-7 năm tù. Bị cáo Đậu Văn Hùng (cựu Tổng Giám đốc VNS) từ 3-4 năm tù cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. 

Các bị cáo còn lại tuỳ theo mức độ phạm tội mà bị đại diện Viện kiểm sát đề nghị mức án từ 1-9 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”hoặc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngoài đề nghị hình phạt tù, đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị HĐXX tuyên buộc các bị cáo tuỳ theo vị trí, vai trò trong vụ án mà phải liên đới bồi thường hơn số tiền 830 tỷ đồng cho TISCO.

Bị cáo Trần Trọng Mừng.

Trong phần đối đáp với các bị cáo và luật sư bào chữa cho các bị cáo sáng 17/4, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố đối với cựu Tổng Giám đốc TISCO- Trần Trọng Mừng và khẳng định, TISCO giữ vai trò chủ đầu tư nên phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án. Khi Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) vi phạm hợp đồng, đáng ra TISCO phải dừng hợp tác, thu lại tiền tạm ứng và phạt theo thỏa thuận, báo cáo cấp trên xem xét hủy đấu thầu và đấu thầu lại để đảm bảo tiến độ dự án. 

Tuy nhiên, bị cáo Mừng không thực hiện các bước trên mà chỉ đạo đàm phán tách phần C (xây dựng) ra khỏi Hợp đồng EPC để TISCO quản lý chi phí và chịu rủi ro, ký văn bản báo cáo Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNS) và Bộ Công thương đề nghị báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh giá đối với phần C, chấp thuận Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) không đủ năng lực thực hiện phần C theo đơn giá, chủ đầu tư trực tiếp quản lý chi phí phần C của hợp đồng không có căn cứ pháp lý, trái quy định.

Viện kiểm sát xác định, hành vi của bị cáo Trần Trọng Mừng là nguyên nhân khiến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư, không ràng buộc được trách nhiệm nhà thầu Trung Quốc, làm dự án phải dừng thi công, gây thất thoát tài sản đặc biệt nghiêm trọng. 

Đại diện Viện kiểm sát đánh giá, bị cáo Mừng có vai trò chính, chỉ đạo tổ chức thực hiện tội phạm. Các bị cáo khác có vai trò đồng phạm vì không thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ. Ngoài đánh giá cáo trạng truy tố các bị cáo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đại diện Viện kiểm sát còn kiến nghị HĐXX xem xét áp dụng chính sách khoan hồng với các bị cáo khai báo thành khẩn, nghiêm khắc hơn với những bị cáo nhận thức rõ hành vi nhưng vẫn cố tình cho rằng mình không phạm tội.

Đối với các cá nhân VINAINCON và một số bộ, ngành cùng các đơn vị liên quan vụ án, đại diện Viện kiểm sát cho biết, trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra thấy còn một số dấu hiệu vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình và các sai phạm khác nên sẽ tách rút tài liệu liên quan để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau. 

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, HĐXX cho biết sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào chiều 20/4.

Nguyễn Hưng

Chiều 15/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15/4/2025). Chuyến thăm Việt Nam lần này của đồng chí Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước láng giềng, đặc biệt khi năm 2025 là năm đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025).

Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và khắc phục "khoảng trống" của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 khi không quy định về cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dẫn đến việc Việt Nam không thể chủ động trong vấn đề này.

Sau nhiều năm dồn phần lớn lượng rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) để chôn lấp, tháng 3 vừa qua TP Hồ Chí Minh đã cho khởi công nhà máy rác điện với công suất 2.000 tấn/ngày. Đây mới chỉ là nhà máy rác điện thứ 2 trong khi từ lâu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại thành phố đã ở mức 8.000 - 9.000 tấn...

Sau hai ngày TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinatea, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng, chiều 15/4, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.  

Ngày 15/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Minh Huệ (SN 1980, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi của Huệ thể hiện qua việc chị ta khoe quen biết ngân hàng thu gom USD giá rẻ, sau đó lừa những người nhiều tiền để chiếm đoạt hơn 140 tỷ đồng.

Ngày 15/4, thông tin từ Công an phường Nam Sơn (quận An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị vừa phát đi thông báo đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ việc cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tử vong trước công chùa trên địa bàn, để phục vụ công tác điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文