Diễn biến ngày xét xử đầu tiên đại án Oceanbank

10:55 28/08/2017
Sáng nay (28-8), TAND TP Hà Nội mở phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank).Trong phiên xét xử này, Toà án đã triệu tập 727 người tham gia tố tụng là các nguyên đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng, giám định viên...


Đây là con số kỷ lục từ trước đến nay về số lượng người tham gia tố tụng được TAND TP Hà Nội triệu tập. 

Có 56 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo. HĐXX có 5 người, ngoài Thẩm phán Trần Nam Hà được phân công làm Chủ toạ phiên toà này có Thẩm phán Trương Việt Toàn và 5 Hội thẩm nhân dân. 

Do vụ án có tính chất phức tạp, kéo dài nhiều ngày nên TAND TP Hà Nội phân công thêm 1 Thẩm phán và 2 Hội thẩm nhân dân dự khuyết. Đại diện Viện KSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên toà có 2 người và có thêm 2 Kiểm sát viên dự khuyết.

Bị cáo Hà Văn Thắm trong phiên xử sáng 28-8.

Bị cáo Hứa Thị Phấn (quê ở Đồng Tháp), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe.

Trong đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank, bị cáo Phấn bị cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố sau khi vụ án được TAND TP Hà Nội trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Bị cáo Phấn được tại ngoại do đang điều trị tại bệnh viện.

Ngoài chức danh Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phú Mỹ, bị cáo Phấn còn được biết đến là người đại diện cho nhóm Phú Mỹ (nhóm cổ đông lớn tại Ngân hàng Đại Tín). Ngân hàng này sau đó được bị cáo Phấn nhượng lại cho Phạm Công Danh.

Hội đồng xét xử

Trong đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng được TAND TP Hồ Chí Minh xét xử mới đây, bị cáo Phấn bị khởi tố để điều tra về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. 

Bị cáo Vũ Thị Thùy Dương, cựu Giám đốc khối Kế toán và Giao dịch trong nước của Oceanbank bị truy tố tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, cũng có đơn xin xét xử vắng mặt với lý do vừa sinh con. 

Ông Phạm Công Danh (cựu chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB) là bị cáo tại phiên tòa này, theo truy tố mới của VKS. Ảnh: Xuân Hoa

Bị cáo Nguyễn Viết Hiền, cựu Giám đốc Oceabank-Phòng giao dịch Âu Cơ cũng xin xét xử vắng mặt vì đang mắc bệnh hiểm nghèo.Cùng bị truy tố về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trong đại án kinh tế tại Oceanbank còn có Hà Văn Thắm, cựu Chủ tịch HĐQT Oceanbank; Phạm Công Danh, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh, cựu Chủ tịch Ngân hàng TMCP Xây dựng; Trần Văn Bình, Tổng Giám đốc Công ty Trung Dung (công ty sân sau của Phạm Công Danh) và Nguyễn Văn Hoàn, cựu Phó Tổng Giám đốc Oceanbank.

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm là cấp dưới tại ngân hàng có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng gây thiệt hại cho ngân hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước. Các hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng gần 2.000 tỷ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu. Ngoài ra còn có hàng chục bị cáo khác nguyên là lãnh đạo tại Hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống cũng phải chịu trách nhiệm hình sự từ việc làm sai trái của Hà Văn Thắm.

Cùng hầu toà trong vụ án này còn có bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Tổng Giám đốc Oceanbank. Bị cáo Sơn bị cáo buộc đã có hành vi lợi dụng chức vụ được giao, ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền hơn 246 tỷ đồng. Bị cáo Thắm bị cáo buộc giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong việc chỉ đạo và quyết định việc cho vay tiền trái quy định của pháp luật.

Trong đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank, 51 bị cáo bị truy tố về các tội: cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng(Điều 165-BLHS), tham ô tài sản (Điều 278-BLHS), lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280-BLHS)và vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng(Điều179-BLHS). Theo kế hoạch, phiên tòa sẽ xét xử vụ án này kéo dài trong 20 ngày.

Đại diện VKS tại phiên tòa

Ngay khi HĐXX bắt đầu làm việc, một số bị cáo đã yêu cầu HĐXX tạm dừng phiên toà để triệu tập 3 bị cáo có đơn xin xử vắng mặt là: Hứa Thị Phấn, Vũ Thị Thuỳ Dương và Nguyễn Viết Hiền tới tham dự phiên toà để đảm bảo tính khách quan và cũng để cho các bị cáo được đối chất trong quá trình xét xử nhằmlàm rõ bản chất vụ án. 

Sau khi hội ý, HĐXX quyết định tiếp tục xét xử với lý do: lời khai của các bị cáo đã có trong hồ sơ vụ án, hiện tại 2 bị cáo bị bệnh nặng phải điều trị tại bệnh viện (có giấy xác nhận của bệnh viện), 1 bị cáo mới sinh con nên việc họ có đơn xin xử vắng mặt là phù hợp quy định của pháp luật. “Quá trình xét xử, nếu thấy cần thiết thì HĐXX sẽ triệu tập các bị cáo đến phiên toà sau”, Chủ toạ phiên toà nói.

Làm thủ tục cho những người tham gia tố tụng tại phiên tòa

Toàn bộ thời gian sáng 28-8, HĐXX tiến hành làm thủ tục kiểm tra căn cước của các bị cáo và những người được Toà triệu tập với tư cách tham gia tố tụng. Trong khi các bị cáo nam khá bình tĩnh thì các bị cáo nữ lại tỏ ra mềm yếu khi hầu hết đều khóc khi HĐXX yêu cầu khai về nhân thân. 

Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Tứ, từng tham gia đóng phim truyền hình và là Thư ký của cựu Chủ tịch HĐXX Oceanbank Hà Văn Thắm mất bình tĩnh nhất khi khóc như mưa. Điều đó khiến Chủ toạ phiên toà phải vài lần nhắc nhở bị cáo tình tĩnh để không làm ảnh hưởng đến quá trình xét xử.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ảnh Báo Tiền phong

Chiều 28-8, HĐXX bắt đầu bước vào phần xét hỏi. Tuy nhiên, khi công tố viên đang công bố dở bản cáo trạng truy tố các bị cáo thì bất ngờ, chủ tọa Trần Nam Hà yêu cầu tạm dừng, nghỉ 5 phút vì “phát sinh tình tiết mới”.

Liên quan đến các vấn đề luật sư đưa ra về trường hợp của bị cáo Hứa Thị Phấn (Sáu Phấn), HĐXX cho biết, đối với trường hợp của bị cáo này, cơ quan điều tra khi có quyết định khởi tố đã ra lệnh tạm giam. Tuy nhiên, do bị cáo đã mất 90% sức khỏe, căn cứ vào đơn đề nghị xét xử vắng mặt, xét thấy tạm thời HĐXX đồng ý với việc vắng mặt của bị cáo Phấn. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, xét thấy cần thiết, HĐXX sẽ tiến hành triệu tập.

HĐXX cũng cho biết, việc bị cáo Sáu Phấn đang phải nằm điều trị tại bệnh viện với tình trạng bệnh tình nặng đã được Bộ Công an lập biên bản xác nhận.

Vấn đề liên quan đến vụ án được luật sư Trương Thị Minh Thơ – bào chữa cho bị cáo cho rằng, bị thiếu và bị đánh tráo một số bút lụt, thẩm phán Trương Việt Toàn khẳng định, quá trình nghiên cứu, luật sư đã không nghiên cứu hồ sơ. Luật sư đã có sự nhầm lẫn giữa bút lục hồ sơ vụ án Phạm Công Danh (đại án kinh tế tại Ngân hàng VNCB) với hồ sơ vụ án Hà Văn Thắm (đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank).

Nữ diễn viên Quỳnh Tứ tức bị cáo Hoàng Thị Hồng Tứ làm thủ tục vào phòng xử. Tại phiên sơ thẩm lần 1, nữ diễn viên này xuất hiện trong tư cách người liên quan, mới bị khởi tố sau khi tòa trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Ảnh: Báo Tiền phong

“HĐXX tuyên bố điều này vì đây là phiên tòa công khai, cần phải công bố những thông tin trên”, thẩm phán Trương Việt Toàn cho biết.

Sau phần trả lời các thắc mắc của luật sư tham gia tranh tụng, phiên tòa tiếp tục với phần công bố cáo trạng truy tố các bị cáo trong đại án kinh tế xảy ra tại Oceanbank.

Theo cáo trạng, trong quá trình làm Chủ tịch HĐQT Oceanbank, Hà Văn Thắm cùng các đồng phạm là thuộc cấp tại ngân hàng có nhiều vi phạm trong hoạt động tín dụng gây thiệt hại cho ngân hàng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước.

Bên cạnh đó, các vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và thuộc cấp góp phần gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng. Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định, Hà Văn Thắm là chủ mưu.

Ngoài Hà Văn Thắm bị truy tố, hàng chục người còn lại chủ yếu là lãnh đạo tại hội sở ngân hàng và lãnh đạo các chi nhánh, phòng giao dịch của Oceanbank trên toàn hệ thống, lãnh đạo Công ty BSC bị cũng dính hệ lụy từ việc làm sai trái của sếp.

Đáng chú ý, trong các bị cáo bị truy tố có Nguyễn Xuân Sơn–là đại diện góp vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tại ngân hàng. Bị cáo Sơn đã có hành vi lợi dụng chức vụ được giao, ban hành, tổ chức và chỉ đạo các hoạt động trái pháp luật chiếm đoạt số tiền 246 tỷ đồng.

Nguyễn Hưng

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文