Ngày thứ 4 xét xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và đồng phạm:

Đề nghị y án sơ thẩm đối với ông Đinh La Thăng vì không có tình tiết mới

15:07 10/05/2018
“Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Thăng không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh mình không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo khác, cũng không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào. Vì thế, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án như Toà án cấp sơ thẩm đã xác định”, đại diện Viện kiểm sát nói.

Ngày 10-5, Hội đồng xét xử TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục điều hành phiên toà phúc thẩm xét xử ông Đinh La Thăng, cựu Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và đồng phạm, bị Toà án cấp sơ thẩm xác định đã phạm tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội tham ô tài sản trong vụ án xảy ra tại PVN và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) liên quan đến dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Các bị cáo tại phiên xử phúc thẩm.

Kết thúc phần thẩm vấn các bị cáo, Hội đồng xét xử hỏi đại diện theo ủy quyền của PVN với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án. Sau bản án sơ thẩm, PVN không có đơn kháng cáo, Viện kiểm sát cũng không có kháng nghị. Nhưng kháng cáo của một số bị cáo về phần bồi thường dân sự có liên quan đến PVN.

Bị cáo Lê Đình Mậu.

Đại diện PVN cho biết, họ tôn trọng các phán quyết của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên sau phiên toà sơ thẩm, PVN có văn bản gửi các cơ quan chức năng, trong đó có TAND cấp cao tại Hà Nội đề nghị xem xét thành tích, đóng góp của một số bị cáo nguyên là lãnh đạo của PVN.

Trong văn bản, PVN đề nghị Toà án cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 4 bị cáo gồm: cựu Tổng Giám đốc PVN Phùng Đình Thực; cựu Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh; cựu Kế toán trưởng kiêm Trưởng Ban tài chính kế toán và kiểm toán PVN Ninh Văn Quỳnh; cựu Phó Trưởng Ban Tài chính kế toán và kiểm toán PVN Lê Đình Mậu.

Bị cáo Bùi Mạnh Hiển.

Đối với ông Đinh La Thăng, đại diện PVN đánh giá, ông Thăng cũng có đóng góp lớn đối với PVN trong quá trình công tác. Với tư cách là nguyên đơn dân sự, đại diện PVN đề nghị Toà án cấp phúc thẩm căn cứ vào các quy định của pháp luật để có phán quyết bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Nhà nước và xem xét đến những đóng góp của ông Thăng tại PVN.

Đại diện PVN trình bày xong ý kiến, phiên toà kết thúc phần thẩm vấn. Trước khi chuyển sang phần tranh luận, Hội đồng xét xử phúc thẩm đề nghị đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố nêu quan điểm giải quyết vụ án này.

Theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát, trong quá trình thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, bị cáo Thăng có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký Hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định.

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố.

Sau đó, bị cáo Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban Quản lý dự án căn cứ hợp đồng này cấp tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn  1.312 tỷ  đồng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh, lúc đó là Chủ tịch HĐQT PVC và đồng phạm sử dụng hơn 1.115 tỷ  đồng sai mục đích, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 119 tỷ đồng.

Quá trình xét xử phúc thẩm, bị cáo Thăng không thừa nhận trách nhiệm của mình như bản án sơ thẩm quy kết. Bị cáo Thăng chỉ nhận trách nhiệm là Chủ tịch HĐTV PVN và chỉ định PVC là tổng thầu. Việc để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện dự án này, bị cáo Thăng cho rằng, đó trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân thực hiện.

“Bản án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Thăng 13 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và buộc bị cáo bồi thường số tiền 30 tỷ đồng là có căn cứ, đúng pháp luật. Tại phiên xử phúc thẩm, bị cáo Thăng không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh mình không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo khác, cũng không đưa ra được tình tiết giảm nhẹ nào. Vì thế, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án như Toà án cấp sơ thẩm đã xác định”, đại diện Viện kiểm sát nói.

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Phùng Đình Thực, cựu Tổng Giám đốc PVN  kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng, mình không chỉ đạo, không biết Hợp đồng EPC số 33 không đúng quy định, không nhận được các văn bản như bản án sơ thẩm quy kết. Bị cáo Thực chỉ thừa nhận trách nhiệm trong việc không kiểm tra, giám sát thường xuyên nên đã để xảy ra sai phạm.

Quá trình xét xử sơ thẩm, bị cáo Thực và gia đình đã có ý thức khắc phục một phần hậu quả về số tiền bị quy kết đã gây thiệt hại. Về nội dung kháng cáo của bị cáo Thực, theo quan điểm của đại diện Viện kiểm sát “Bị cáo Thực có hành vi sai phạm như trên. Tuy nhiên do vi phạm của bị cáo Thực có mức độ, quá trình công tác trong ngành Dầu khí, bị cáo đã có nhiều đóng góp và được tặng thưởng huân, huy chương nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm một phần hình phạt cho bị cáo”.

Đối với kháng cáo của các bị cáo khác, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, tại phiên tòa phúc thẩm, nhiều bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình như bản án sơ thẩm đã xác định. Sau khi Trịnh Xuân Thanh rút kháng cáo, còn 14/22 bị cáo đề nghị giảm hình phạt. Quá trình xét xử phúc thẩm, có đủ căn cứ xác định, hành vi của các bị cáo đã phạm vào tội tham ô tài sản và tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy nên bản án sơ thẩm xử phạt các bị cáo về hai tội danh trên là có căn cứ, đúng pháp luật.

Ngoài đề nghị giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo Thực, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ tội của 6 bị cáo khác gồm: cựu Phó Tổng Giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh; cựu Chánh Văn phòng PVN Bùi Mạnh Hiển, cựu Phó Trưởng ban kiểm toán, kế toán PVN Lê Đình Mậu; cựu Tổng Giám đốc PVC Vũ Đức Thuận; cựu Phó Tổng Giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh và cựu Phó Tổng Giám đốc PVC Nguyễn Mạnh Tiến.

Lý do đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo và giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo trên vì nhận thấy, họ có thái độ khắc phục hậu quả trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra và xuất trình thêm tình tiết giảm nhẹ mới.

Đối với 7 bị cáo còn lại có đơn kháng cáo, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm vì quá trình xét xử phúc thẩm, các bị cáo không đưa ra được tình tiết mới. Vì thế, không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Nguyễn Hưng

Lúc 14h ngày 15/4/2025, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên chuyên cơ, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước lần thứ tư đến Việt Nam. Trong số những người tiễn ông ở sân bay quốc tế Nội Bài, có Thượng tá Hoàng Văn Tú, cán bộ Đội bảo vệ khách quốc tế, Phòng Bảo vệ sự kiện đặc biệt quan trọng và khách quốc tế, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an. Đây là lần thứ ba, anh có vinh dự làm nhiệm vụ bảo vệ vị khách đặc biệt này.

Dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một dự án luật quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân đồng thời cũng là bước đi thận trọng, kỹ lưỡng, có quá trình và sự chuẩn bị công phu của Chính phủ. Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với Thượng tá Nguyễn Bá Sơn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an, đơn vị được giao chủ trì tham mưu xây dựng dự án Luật xoay quanh những nội dung của dự án Luật.

Ngày 27/4, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, Cơ quan CSĐT đã khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Tây (SN 1997), Nguyễn Minh Điền (SN 1986, cùng huyện Càng Long), Nguyễn Phương Đông (SN 1999), Triệu Văn Đạt (SN 1997, cùng ngụ huyện Châu Thành) và Nguyễn Hoàng Chánh (SN 2001, ngụ huyện Cầu Kè) để điều tra về hành vi đánh bạc.

Tháng Tư về, khi những cơn gió đầu hè mơn man qua từng tán cây xà cừ trên đường phố Hà Nội cũng là thời điểm bà Elisabeth Dahlin - cựu Tổng Thư ký Tổ chức Cứu trợ trẻ em Thụy Điển (Save The Children), nhà ngoại giao kỳ cựu, người bạn của Việt Nam - trở lại mảnh đất bà từng gọi là “mái nhà thứ hai” sau hơn hai thập kỷ gắn bó.

Sáng 27/4, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đang tạm giữ hình sự lái xe Nguyễn Văn Tư (SN 1984), trú tại xã Tân Phong, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương về hành vi "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" liên quan đến vụ lật xe khách trên Tam Đảo vào sáng 26/4.

Sáng sớm 27/4, hàng vạn người dân từ khắp nơi đổ về, đứng chật các con đường vẫy chào đoàn diễu binh, diễu hành đang đi qua những tuyến phố chính xung quanh Dinh Độc Lập tại Lễ Tổng duyệt kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Chúng tôi gặp Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an ngay sau khi anh cùng đoàn công tác từ Myanmar trở về. 7 ngày thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn quốc tế đã lùi lại phía sau, nhưng những giây phút nghẹt thở, căng thẳng và nỗi buồn ám ảnh khi chứng kiến những mất mát, đau thương của người dân Myanmar vẫn vẹn nguyên trong tâm trí anh và đồng đội...

Biết bao máu xương của quân và dân vùng Bưng sáu xã (nay thuộc TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đã đổ xuống trên mảnh đất bưng biền vốn là căn cứ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Hòa bình lập lại, vùng bưng xơ xác bởi bom đạn, dân số chỉ còn lại vài ngàn người sống bằng nghề thuần nông với phương tiện đi lại bằng xuồng, ghe. Còn bây giờ Bưng sáu xã được xem là một trong những khu công nghiệp, đô thị sầm uất của TP Hồ Chí Minh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.