Đường dây buôn ma tuý Lào-Việt-Trung

08:12 26/11/2006

Các thành viên của đường dây buôn bán ma tuý xuyên quốc gia do Phạm Thị Thanh, trú tại Hồng Công cầm đầu, đã tham gia buôn bán một số lượng ma tuý khổng lồ: 1.070 bánh heroin và gần 6.000 viên ma túy tổng hợp các loại.

Dự kiến kéo dài từ 7 đến 9 ngày, sáng 21/11/2006, TAND tỉnh Quảng Bình mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án buôn lậu ma túy xuyên quốc gia do Phạm Thị Thanh, trú tại Hồng Công cầm đầu. Chỉ có 8 bị cáo phải ra trước vành móng ngựa, song đây  là vụ án ma túy thuộc hàng cực lớn và liên quan đến nhiều đường dây ma túy quốc tế.

Mẻ lưới

10h sáng ngày 25/6/2004, hai xe ôtô tải biển số 54T - 6777 và 29K - 4301 từ Lào về đến cửa khẩu Cha Lo, Quảng Bình. Tưởng chừng không có gì đặc biệt, chủ xe kiêm lái xe Hoàng Văn Tình vẫn ngồi yên trên cabin, chờ chủ hàng vào làm thủ tục thông quan. Nhưng khác với mọi khi, ngoài lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng và công an đồn cửa khẩu, lần này tham gia khám xét hàng hóa còn có cả Công an tỉnh Quảng Bình và một số cán bộ tăng cường từ Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C17 - Bộ Công an).

Lẫn trong đống linh kiện xe máy, ôtô nhập lậu của xe 54T-6777, chủ xe Hoàng Văn Tình há hốc mồm, mặt cắt không còn hột máu khi thấy các cán bộ công an lôi ra một khẩu súng ngắn, 5 viên đạn và... 199 bánh heroin, trọng lượng xấp xỉ 70kg!

Người và xe, tang vật của vụ án, đều được áp giải về Công an tỉnh nhanh chóng và bí mật. Mọi thông tin về vụ bắt giữ đều được phong tỏa, không để lọt ra bên ngoài, nhất là với giới truyền thông nhằm bảo đảm bí mật cho việc câu nhử những con cá lớn đang bơi ngoài lưới.

Những nhận định ban đầu khá chính xác đã giúp Công an tỉnh Quảng Bình giăng lưới rất đúng hướng. Nguyên vào cuối tháng 5/2004, tại Mỹ Hào, Hưng Yên một số đối tượng  người Việt có quốc tịch Anh và Hồng Công (Trung Quốc) đã giao cho vợ chồng Nguyễn Minh Tuấn - Khưu Bạch Nga 200.000 USD để mua heroin chuyển về Việt Nam để chúng chuyển đi tiêu thụ.

Theo lời dặn của Tuấn, Khưu Bạch Nga đã gọi cho  Nguyễn Văn Cẩn, một trùm ma túy người Việt sinh sống tại Lào, hẹn Cẩn ra cửa khẩu Cầu Treo, Hà Tĩnh và giao tiền cho y tại đó. Cẩn đã cùng với Nguyễn Đình Hưng và Trần Văn Hợi tổ chức việc thu gom heroin tại Lào. Cụ thể, Cẩn đã mua của Xiềng Nít và Khăm Đi (người Lào) 164 bánh nhưng giấu lại 2 bánh, Hợi mua được 22 bánh và Hưng mua 15 bánh.

Số heroin này được giao lại cho tên Nguyễn Minh Tuấn để tên này đưa về nhà thuê ở thủ đô Viêng Chăn xếp lẫn với hàng hóa phụ tùng ôtô, xe máy gửi theo xe của Hoàng Văn Tình. Biết hàng trên xe là hàng lậu, cấm nhập nhưng không hề biết có cả súng đạn và hêrôin, Hoàng Văn Tình cho xe chạy đến kho Paksan để Hải quan Lào tiến hành thủ tục kẹp chì. Một tay chân của Tuấn là Trần Lợi được sai đi theo xe áp tải hàng.

Vợ chồng Tuấn - Nga sang Việt Nam trước để chờ hàng. Ngày 25/6/2004, đúng hẹn nhưng chưa thấy hàng về, Tuấn bảo Nga về TP HCM trước, còn mình thì nán lại ở Quảng Bình tiếp tục chờ. Sáng 26/6, theo lời khai của Tình, Tuấn đã bị Công an Quảng Bình bắt khẩn cấp.

Ma tuý và súng đạn bị thu giữ.

Trong khi đó, để đợi Tuấn, Lê Mạnh Lương và Trần Thị Hiền đã rủ chị Trần Thị Hương (chị của Hiền) cùng vào Quảng Trạch, Quảng Bình mua phế liệu, chờ khi nhận được heroin sẽ bỏ lẫn vào xe phế liệu để chuyển ra Hải Phòng, tránh tai mắt nhân dân và cơ quan chức năng. Chờ mấy ngày trời vẫn chưa thấy hàng về, cả 3 người này lại bỏ ra Hà Nội.

Sau khi bắt được Tuấn, Cơ quan Công an đã khống chế tên này, buộc Tuấn gọi điện cho đồng bọn thông báo là heroin từ Lào đã về. Không chút nghi ngờ, Lương và Hiền lại đưa tên Nguyễn Văn Thịnh vào Quảng Trạch, Quảng Bình để nhận hàng và phải tra tay vào còng tại điểm hẹn. Nhanh chân hơn một chút, tên Thịnh thấy động đã kịp bỏ trốn.

Nhận thấy đây là một vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, khả năng có nhiều mắt xích liên quan trải ra trên một địa bàn rộng thuộc nhiều tỉnh thành khác trên cả nước cũng như ở nước ngoài, Công an tỉnh Quảng Bình đề xuất chuyển vụ án lên Cơ quan C17 để tiếp tục điều tra làm rõ.

Từ những lời khai của 4 đối tượng, Cơ quan điều tra đã lần lượt bắt thêm 3 đối tượng quan trọng gồm Nguyễn Văn Cẩn, Nguyễn Trọng Thành và Khưu Bạch Nga. 5 bị can khác là Phạm Thị Thanh, Nguyễn Văn Thịnh, Phạm Thị Thoa, Nguyễn Đình Hưng và Nguyễn Thị Minh, đa số đều mang quốc tịch nước ngoài hiện vẫn đang bỏ trốn chưa bắt được.

Một bị can khác là Lê Hồng Việt, trong khi đang bỏ trốn thì lại bị Công an TP HCM bắt quả tang khi đang mang 1 bánh heroin đi tiêu thụ nên bị can và tội trạng trong vụ này sẽ được giao cho Công an TP HCM nhập chung để xử lý ở một vụ khác.

Riêng bị can Trần Văn Hợi đã bị Công an Nghệ An bắt theo lệnh truy nã ngày 28/5/2005. Ngày 10/4/2006, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt tên này án tử hình cũng với tội danh buôn bán ma túy. Hợi đang bị giam giữ tại trại tạm giam Công an Nghệ An và sẽ được di lý vào Quảng Bình để tiếp tục ra tòa. Bốn người khác cùng đi trên xe chở hàng lậu, sau một thời gian điều tra, Cơ quan Công an tỉnh nhận thấỵ không liên quan đến vụ buôn lậu ma túy này nên đã nhanh chóng trả tự do cho họ.

Đường dây ma tuý xuyên quốc gia

Cầm đầu đường dây ma túy này là một con cá lớn hiện vẫn chưa bị bắt tên là Phạm Thị Thanh. Nữ quái này sinh năm 1962 tại Tràng Minh, Kiến An, Hải Phòng, vượt biên sang Hồng Công năm 1989. Tại đó, Thanh đã nhanh chóng thiết lập một mối quan hệ mật thiết với tên đồng hương người Hải Phòng Lê Mạnh Lương (SN 1960). Lương cũng vượt biên và đã được nhập quốc tịch Anh.--PageBreak--

Tên này lại có quan hệ làm ăn khăng khít với một “cao thủ” heroin ở trong nước là tên Nguyễn Đình Hưng (Hưng "ngẩn"). Bị truy nã vì tội buôn ma túy, Hưng “ngẩn” trốn sang Lào, tiếp tục hoạt động.

Tháng 3/2004, theo sự chỉ đạo của Phạm Thị Thanh, Lương đã cùng cô em dâu là Trần Thị Hiền bay sang Thái Lan, móc nối với Hưng “ngẩn” bàn bạc việc thiết lập một đường dây mua heroin từ Lào đưa sang Việt Nam, từ đó chuyển sang Hồng Công cho Thanh tiêu thụ.

Nhận 35.000 USD của Lương và Hiền, Hưng đã dẫn hai “chiến hữu” từ Thái Lan sang Lào gặp Nguyễn Văn Hợi và Nguyễn Minh Tuấn để bàn việc thu gom và cách thức vận chuyển heroin về Việt Nam.

Trong khi Tuấn có một lý lịch khá "sạch", chưa hề có tiền án tiền sự thì Hợi lại được những đầu nậu trong nghề buôn cái chết trắng xem như một đại gia khét tiếng. Tên này đang "cõng" trên lưng 3 lệnh truy nã của Công an Nghệ An (năm 2001), C16 - Bộ Công an (tháng 8/2003) và Công an TP HCM (tháng 12/2003) cùng về tội danh buôn ma túy.

Chuyến đầu, Hợi và Hưng đã mua được 30 bánh heroin giao cho Tuấn đóng gói bỏ lẫn vào hàng hóa và thuê Hoàng Văn Tình chở về Việt Nam. Đón nhận hàng xong, Tuấn gọi điện sang Hồng Công cho Thanh, Lương và Hiền biết. Hiền về Việt Nam nhận hàng, sau đó giao lại cho Nguyễn Thị Minh và Phạm Thị Thoa để hai đối tượng này tổ chức đưa hàng đi đường bộ lên Móng Cái, đưa sang Trung Quốc giao lại cho Phạm Thị Thanh.

Trót lọt nhưng chất lượng heroin quá kém nên Lương và Hiền đã trừ tiền của Hưng “ngẩn” đồng thời “cắt cầu” với nguồn hàng của Trần Văn Hợi. Thay vào đó, Hưng “ngẩn” giới thiệu một đầu mối khác là Nguyễn Văn Cẩn, còn có tên gọi khác là Vi Xay Sắp Pả Xô. Cẩn SN 1933, tại Thái Lan, theo gia đình hồi hương về Nghệ An từ năm 1961. Sau nhiều lần bị bắt vì buôn thuốc phiện, năm 1980 Cẩn trốn sang Lào, định cư và tiếp tục "theo nghề".

Cẩn thống nhất sẽ cùng với tên Hưng cung cấp heroin cho đường dây này với số lượng không hạn chế. Tại Lào, mỗi cặp heroin Cẩn mua giá trung bình 6.500 USD, bán lại cho anh em nhà Lương, Hiền 7.600 USD/cặp thu lãi khoảng 1.000 USD/cặp.

Chỉ trong vòng hơn hai tháng, gã đã mua và bán lại cho đường dây này 288 bánh, lãi được xấp xỉ 150.000USD, chưa kể 18 bánh khác được gã mua đi bán lại với tên Lê Hồng Việt với giá trung bình 10.600USD/cặp, thu lãi tới 5.000 USD/cặp. Đến chuyến hàng thứ ba, gã đã mạnh tay cung cấp một lúc 199 bánh.

Toàn bộ việc đóng gói, vận chuyển heroin từ Lào về Việt Nam được “đường dây” giao hẳn cho Nguyễn Minh Tuấn. Tên này được trả công 3.000 USD cho mỗi bánh heroin được giao nhận trót lọt. Nhận heroin xong, Lương và Hiền sẽ bay thẳng sang Thái Lan thanh toán tiền với Cẩn, hoặc giao tiền cho Tuấn mang sang Lào trả cho Cẩn.

Phạm Thị Thanh, kẻ tổ chức đường dây không bao giờ lộ mặt trực tiếp giao tiền, nhận hàng. Từ Quảng Bình, Tuấn sẽ chuyển heroin ra Hà Nội, Hải Phòng hoặc Hưng Yên cho những mắt xích khác gồm Nguyễn Trọng Thành, Nguyễn Thị Minh và Phạm Thị Thoa để chúng đưa sang Trung Quốc bằng đường bộ.

Ban đầu Khưu Bạch Nga, vợ Tuấn không hề biết, cũng chẳng tham gia đường dây heroin. Cuối tháng 3/2004, khi tên Tuấn đem hêrôin về nhà trọ ở Viêng Chăn đóng gói  thì Nga tình cờ phát hiện. Cô gái quê gốc Phúc Kiến, Trung Quốc phát hoảng, tra vặn chồng “sao dám mang heroin về nhà”. Tuấn trả lời là “do thua độ bóng đá nên phải vận chuyển hêrôin để lấy tiền trả nợ”. Lần đó, vừa run vừa thương chồng, Nga đã đồng ý ra đứng ngoài cảnh giới cho Tuấn đóng hàng.

Nhưng khi thấy vận chuyển heroin thu được quá nhiều tiền thì nỗi sợ trong lòng cô ta đã hóa thành sự bất chấp và liều lĩnh. Nga đã tự nguyện tham gia vào đường dây một cách tích cực, theo Tuấn sang Việt Nam giao nhận hàng và chuyển tiền thanh toán về Lào cho các đối tượng trong đường dây. Tổng cộng, Khưu Bạch Nga đã trực tiếp tham gia mua bán vận chuyển 126 bánh heroin, trở thành một mắt xích quan trọng của đường dây.

Từ tháng 3 đến tháng 6/2004, đường dây ma túy này đã tuồn về Việt Nam 355 bánh heroin. Ngoài ra, các đối tượng trong đường dây còn tham gia vào rất nhiều vụ khác. Ngày 12/4/2005, khi khám xét nơi ở của Nguyễn Trọng Thành tại ngõ 239 Lê Lợi, TP Hải Phòng, Cơ quan C17, Bộ Công an còn thu giữ được 40 viên ecstasy.

Trần Văn Hợi thì đã từng bán cho Hạnh “cầm” 3 lần vào năm 2002, tổng cộng 50 bánh, bán cho nhóm Lệ “mập”, Hải “luận” nhiều lần, tổng cộng 515 bánh, bán cho Lê Hồng Việt nhiều lần, tổng cộng 32 bánh heroin, 5.000 viên hồng phiến và 500 viên thuốc lắc... Như vậy, tổng cộng số ma túy mà các đối tượng này đã tham gia buôn bán là một con số khổng lồ: 1.070 bánh heroin và gần 6.000 viên ma túy tổng hợp các loại.

Tuy liều lĩnh nhưng vẫn ngay ngáy lo sợ bị bắt, bị các đầu mối “thịt” để cướp tiền, quịt hàng nên trong chuyến sang Thái Lan thanh toán tiền, Lê Mạnh Lương đã nhờ Nguyễn Minh Tuấn mua giúp 3 khẩu súng và một số đạn. Tuấn đã nhờ Hợi lo giúp. Hợi đồng ý và bước đầu bán chịu cho Tuấn một khẩu súng quân dụng của Italia, cỡ nòng 6,35mm cùng một số đạn với giá 1.500 USD, số còn lại hứa sẽ tìm sau.

Khi đón hàng, theo yêu cầu của Lương, Trần Thị Hiền liên tục gặng hỏi Tuấn việc có đưa “đùi lợn” về hay không, không hề biết rằng cả hàng lẫn “đùi lợn” cũng như người vận chuyển đều đã bị Công an “đóng rọ".

Việc triệt phá đường dây ma túy này là một chiến công lớn và rất có ý nghĩa. Ngoài việc bắt giữ và trừng trị những kẻ phạm tội, Lực lượng Công an còn bịt kín được cửa khẩu Cha Lo trước nguy cơ biến cửa khẩu này thành một miệng cống của dòng chảy ma túy mà những tên tội phạm đang âm mưu khơi dòng

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文