Giả người quen gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt 550 triệu đồng
- Giả cán bộ ngân hàng, nhóm “tuổi teen” lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn mua hàng
- Làm gì để không bị mất tiền vì những cuộc điện thoại giả danh lừa đảo
Cơ quan Công an làm rõ, khoảng tháng 9/2019, Thanh bàn với Lộc về việc sẽ đi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức tìm các thông tin cá nhân, số điện thoại của nhiều người sau đó sử dụng điện thoại, sim khuyến mãi gọi điện giả làm người thân để vay tiền hoặc giả là người quen của công ty xổ số để cho số lô, số đề rồi yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản để chiếm đoạt.
Các đối tượng Phạm Văn Thanh, Nguyễn Tấn Lộc và Phạm Văn Phi. |
Sau đó, Thanh tiếp tục bàn với Phi tìm tài khoản ngân hàng không chính chủ để sau khi có tiền của bị hại chuyển vào, Phi rút và chuyển lại cho đối tượng, sẽ được hưởng lợi 10% số tiền rút được.
Theo kế hoạch, Phi mua trên mạng một bộ gồm thẻ ATM, sim đăng ký OTP, 1 chứng minh nhân dân mang tên Đoàn Ngọc Hảo với giá 6 triệu đồng để sử dụng. Khoảng tháng 10/2019, Thanh và Lộc thuê nhà tại khu An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Tại đây, Thanh lên mạng và tìm mua được của một đối tượng tên Tuấn dữ liệu và thông tin của các số điện thoại với giá 2 triệu/một lần cho khoảng 400 số điện thoại kèm thông tin cá nhân, sau đó Thanh tải về rồi in ra đưa cho Lộc để thực hiện việc gọi điện thoại lừa đảo với thủ đoạn như đã bàn bạc trước.
Ngày 28/11/2019, Lộc theo danh sách được Thanh đưa cho, sử dụng điện thoại gọi đến nhiều số khác nhau giả là người quen để vay tiền.
Khoảng 11h cùng ngày, Lộc gọi đến số điện thoại của ông N., giả là người quen hỏi vay 50 triệu đồng và được ông N. đồng ý. Sau đó, Lộc báo lại cho Thanh đã có “con mồi”, Thanh nhắn thông tin tài khoản do Phi cung cấp để ông N. chuyển 50 triệu đồng vào chủ tài khoản Đoàn Ngọc Hảo.
Đến chiều cùng ngày, do thấy ông N. dễ bị lừa nên Lộc tiếp tục gọi điện cho ông N. hỏi vay 500 triệu đồng để đặt cọc mua đất. Ông N. tin tưởng và tiếp tục chuyển 500 triệu đồng (một lần 200 triệu đồng, một lần 300 triệu đồng).
Sau khi lừa được ông N., Thanh bảo Phi rút hết tiền và hẹn gặp nhau ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang để chia tiền. Tại đây, Phi đưa cho Thanh 495 triệu, còn 55 triệu Phi giữ lại (theo thỏa thuận giữa Thanh và Phi thì Phi được hưởng 10% số tiền đã rút). Số tiền còn lại, Thanh và Lộc chia đều, mỗi người nhận được khoảng 247 triệu đồng.