Giả mạo giấy tờ để chiếm đoạt tiền ngân hàng
- 18 đến 20 năm tù cho chị dâu - em chồng lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân hàng
- Người nước ngoài sử dụng thẻ ATM giả chiếm đoạt tiền ngân hàng
- Xử vụ công chứng viên câu kết với đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền ngân hàng
Kết quả điều tra cho thấy, trong 3 năm (2015-2017) Nguyễn Xuân Bình từng là nhân viên hợp đồng công ty tài chính thuộc một ngân hàng ở TP Hồ Chí Minh, nắm rõ thủ tục vay vốn tiêu dùng qua ứng dụng Snap từ điện thoại Smartphone với định mức vay đến 70 triệu nhưng không cần thế chấp, nên Bình làm giả một số giấy tờ để vay tiền.
Từ mối quan hệ bạn bè và kết bạn qua mạng xã hội, Bình sao chụp lại CMND của nhiều người rồi thay đổi hình ảnh, chỉnh sửa số CMND, tên tuổi, nơi cư trú… và đã tạo ra hơn 400 CMND mới với những thông tin “ảo”. Sau đó, Bình sử dụng CMND giả mạo để xác lập hơn 600 hồ sơ vay vốn tiêu dùng tín chấp nhằm chiếm đoạt tiền của công ty tài chính nêu trên.
Để nhận được tiền giải ngân từ công ty tài chính, Bình kết bạn một thanh niên ở xã Long Châu, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) qua Zalo rồi gửi CMND giả mạo nhờ người bạn này mở hơn 40 tài khoản tại 3 ngân hàng để Bình sử dụng rút tiền vay. Trong số hơn 600 hồ sơ giả mạo do Bình xác lập để vay vốn tín chấp, công ty tài chính đã phê duyệt, giải ngân 48 hồ sơ với tổng số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.
Khi tiền giải ngân có trong tài khoản do người bạn ở Bắc Ninh mở giúp, Bình sử dụng Internet Banking để chuyển tiếp vào 3 tài khoản khác tại 2 ngân hàng rồi cùng Nguyễn Trọng Nguyên sử dụng thẻ ATM, ví điện tử Momo để rút tiền tại nhiều nơi ở TP Tuy Hòa (Phú Yên), TP Đà Lạt (Lâm Đồng) và TP Quy Nhơn (Bình Định).
Mặt khác, Nguyên còn vào TP Hồ Chí Minh tìm mua lại 2 thẻ ATM để Bình chuyển tiền vào 2 tài khoản này bằng dịch vụ Internet Banking rồi cùng Bình gửi 400 triệu đồng từ hành vi lừa đảo cho bà Phùng Thị Thu Hiền (SN 1981) trú ở khu phố 3, phường 9, TP Tuy Hòa cất giữ.
Sau khi bị tạm giữ hình sự, Bình khai nhận bằng những thủ đoạn đánh cắp thông tin cá nhân, để giả mạo CMND, giấy chứng nhận đăng ký xe máy, trong vòng 6 tháng cuối năm 2018, Bình đã “vẽ” ra 11 bộ hồ sơ vay vốn tín chấp qua ứng dụng Snap và đã được Công ty tài chính phê duyệt, giải ngân 7 hồ sơ với tổng số tiền hơn 248 triệu đồng. Bình đã 4 lần 4 bưu điện ở Phú Yên để nhận 145 triệu đồng và đã “sa lưới”khi nhận tiền lần thứ tư tại Bưu điện huyện Tuy An.
Được biết ngoài việc khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Yên đã trưng cầu giám định các tài liệu do Bình “vẽ” ra để xử lý trách nhiệm về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Từ vụ án này, các ngân hàng cần tăng cường các biện pháp thẩm định, giám sát đối tượng vay vốn tiêu dùng không thế chấp qua mạng Internet; người dân cảnh giác, báo cáo cho Công an nơi gần nhất khi rơi mất hoặc bị kẻ gian trộm cắp, cướp đoạt CMND và các giấy tờ khác để chủ động phòng chống kẻ xấu lợi dụng giấy tờ thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật.