Giang hồ Bình Kiểm và cuộc bắt cóc chưa từng thấy trên phim

08:44 30/08/2009
Là một thằng giang hồ chịu đọc báo, Bình “kiểm” biết tài sản của tỷ phú Trầm Bê thuộc hàng “top” trong bảng tổng sắp của cả nước. Trầm Trọng Ngân, con trai ông Trầm Bê cũng là một doanh nhân nổi tiếng. Tài sản kếch xù của người cha chính là sự bảo đảm để Bình “kiểm” lựa chọn Trầm Trọng Ngân làm “con mồi”.

Cuối năm 2001,  Năm Cam và một  loạt những tên tội phạm sừng sỏ nhất nối nhau vào tù. Không cần chờ đến ngày tên cáo già ra toà rồi dựa cột, gần như ngay tức thời, giới giang hồ đều đã râm ran với câu hỏi: ai sẽ là cao thủ đủ “máu mặt” thay Năm Cam làm “đàn anh” trong hàng ngũ xã hội đen? Một loạt tên tuổi tội phạm được nhắc đến. Tuy còn không ít ý kiến  hoài nghi, nhưng Bình “kiểm”  vẫn là tay giang hồ nhận được nhiều “đề cử” hơn cả.

Nổi tiếng liều lĩnh, em út đông, lại quảng giao, Bình “kiểm” tuy thua Năm Cam về sự lọc lõi, nham  hiểm nhưng lại ăn đứt ông trùm lạc thời về mức độ “chịu chơi” và sự tàn bạo. Hơn nữa, Bình trẻ tuổi, thức thời hơn nhiều so với “tiền bối giang hồ” đầu óc đã có quá nhiều dấu hiệu trì trệ và lão hoá. Ngay khi còn đang làm mưa làm gió, quyền lực đen của Năm Cam cũng đã nhiều lần bị Bình “kiểm” công khai thách thức.

Mặc kệ đám đông rỗi hơi bàn tán, vào thời điểm đó Bình “kiểm” vẫn chưa thể thi thố “năng lực giang hồ”. Lý do đơn giản là gã đang bận ngồi tù, sau khi ra tù lại bận ...vào tù tiếp, đến đầu năm 2004 mới được trả tự do.

Có lẽ sợ để giới tội phạm chờ đợi quá lâu sẽ “mất số”, Bình đã ngay lập tức lao vào nghiên cứu kế hoạch làm một vụ thật kinh thiên động địa: bắt cóc Trầm Trọng Ngân, con trai tỷ phú Trầm Bê, đòi một số tiền chuộc lên đến 10 triệu USD! Nếu thành công, đó sẽ là vụ bắt cóc nổi tiếng nhất thế kỷ trong thế giới tội phạm tại Việt Nam.

Bộ sưu tập đồ chơi

Tên cúng cơm của gã là Phạm Đức Bình, sinh năm 1970. Cả quê gốc lẫn nơi sinh của gã đều ở Quảng Ninh, nhưng ngay từ nhỏ, Bình đã theo gia đình chuyển vào TP Hồ Chí Minh, có hộ khẩu thường trú ở 111 Phùng Hưng, P. 13, quận 5. Sau khi lấy vợ, Bình chuyển về sống tại nhà 279, Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận.

Đám giang hồ tại TP HCM thập niên 1990 có khuynh hướng giấu bớt bản thân, tìm đủ cách để thủ lợi bằng những hoạt động phạm tội trong bóng tối. Va chạm giữa các thế lực chỉ là điều bất đắc dĩ, bởi dễ gây sự chú ý của luật pháp nên tên nào cũng cố tránh. Bình “kiểm” đang trong giai đoạn “lấy số” nên hành xử hoàn toàn ngược lại, nhiều lần công khai thách thức những tên có máu mặt nhất.

Hắn lại có dưới tay một đám lâu la gốc Hải Phòng, Quảng Ninh thuộc hàng dữ dằn, trong đó có tên em ruột Tuấn “kiểm”, tức Phạm Đức Tuấn, cũng từng tham gia kiểm soát quân sư như Bình “kiểm”. “Dân chơi” Than - Cảng (Quảng Ninh - Hải Phòng) vốn nổi tiếng sẵn sàng xài “hàng nóng”, chẳng tên tội phạm có đầu óc nào ở TP HCM lại dại dột gây gổ với anh em nhà Bình “kiểm”, đành mặc kệ cho gã giang hồ Paker (tiếng lóng chỉ giang hồ gốc Bắc) “lên sao lên nút”.

Thật sự, kho vũ khí của Bình “kiểm” cũng không thể coi thường. Khi còn tại ngũ, trong một lần tham gia phối hợp bắt thuốc lá lậu ở An Hạ, Củ Chi, khám người một đối tượng buôn lậu, Bình đã thu được một khẩu ru-lô nòng ngắn. Thay vì báo cáo và nộp lại khẩu súng cho đơn vị, Bình đã đem chúng về nhà cất giấu. Trong cùng thời điểm, Bình còn ăn cắp của đơn vị thêm một khẩu rulô nòng dài nữa. Đi đâu gã cũng dắt theo kè kè một trong hai khẩu ru lô này.

Vũ khi nóng của Bình "kiểm" bị Công an thu giữ.

Trong bộ sưu tập đồ chơi của Bình, giang hồ ngán nhất là một khẩu shoot-gun, loại súng bắn voi voi chết. Khẩu súng này có một lai lịch khá li kỳ và bi thảm. Thập niên 1990,  ở phường 11, quận 10 có một người đàn ông tên là Chinh bị bán thân bất toại và cụt một tay. Tàn phế, song nhân vật này lại được nhiều giang hồ biết tên biết mặt, bởi ông ta là một chuyên gia sửa chữa, lắp ráp, “độ”... súng đạn. Sau nhiều lần giúp sửa chữa súng săn, ông Chinh trở thành bạn của bố Bình “kiểm”.

Khoảng năm 1996, không biết tay chuyên gia “xi cờ que” kiếm đâu ra được một khẩu shoot-gun đã cũ và mấy hộp đạn. Muốn lên đạn thì phải tay cầm báng súng, tay cầm ốp nòng thụt mạnh. Sửa chữa xong, khi thử súng, do cụt tay không tự lên đạn được, ông Chinh đã nhờ và hướng dẫn bà vợ của mình làm giúp. Lóng ngóng thế nào, súng đã cướp cò bắn nát ổ bụng người đàn bà xấu số.

Vợ chết, ông Chinh đã bán ngay khẩu súng oan gia khi Bình “kiểm” tới hỏi vào ít lâu sau đó. Hai năm sau (1998), gã lại mò đến chuyên gia Chinh “xi-cờ que” nhờ ông này mua thêm cho một khẩu tiểu liên hiệu PASCAL do Tiệp Khắc sản xuất cùng... nửa thau đạn!

Những mối quan hệ nguy hiểm

Năm 1998, Bình “kiểm” bung ra làm ăn lớn. Gã hùn với nữ quái Kim Anh mở quán Bar Con Két trên đường Lê Lợi, quận I, thu hút khá đông khách chơi hàng quý tộc. Đồng thời, vào cùng thời điểm, cả Bình “kiểm” lẫn Trương Hiền Bảo (Bảo “hoàng tử”), con trai Năm Cam đều mở sòng bạc thu hút đám con bạc giang hồ trên cùng một khu vực đường Trần Bình Trọng, Q.5.

Cậy thế cha, Bảo “hoàng tử” tuy còn ít tuổi vẫn không coi Bình “kiểm” rất dữ dằn ra “cái đinh” gì. Không ít lần, Bảo “hoàng tử” đã đe dọa sẽ “san bằng” sới bạc, cho chủ sòng là Bình “kiểm” đi tù, nếu Bình vẫn tiếp tục cạnh tranh mà không chịu “hùn”, mà thực ra là quy về dưới trướng Trương Hiền Bảo.

Cáu tiết, trong một lần Bảo đến chơi tại Bar Con Két, Bình “kiểm” đã túm tóc đè đầu thằng oắt con xuống mặt bàn và tát hộc máu mũi, khởi đầu cho mối bất hoà lâu năm giữa hai thế lực giang hồ. Năm Cam dù rất giận vẫn không dám trả đũa mạnh tay, bởi ớn kho hàng nóng của Bình.

Kim Anh, người đàn bà lừng danh giang hồ, vừa là nhân tình của Năm Cam lại vừa là chị dâu kiêm “đối tác chiến lược” của Bình "kiểm" tại Bar Con Két. Lo sợ cuộc “huyết hải thâm thù” của người tình thế lực và gã em rể ngông cuồng sẽ đi quá xa, nữ quái Kim Anh đã đứng ra dàn xếp.

Cũng đủ hết, từ mơn trớn vuốt ve đến nước mắt  ngắn dài, nữ quái Sài thành mới tạm “hạ hoả” được cả hai bên. Sau vụ này, khi Bình “kiểm” bị bắt đi cải tạo, Năm Cam đã hỗ trợ tiền bạc để Kim Anh sang lại quán Bar Con Két, thay biển hiệu thành bar Hoàng Hôn nổi đình nổi đám với những vụ ăn chơi trụy lạc gắn chết với tên bà chủ mới của nó.

Trước khi “hiệp định đình chiến” được ký kết, Bình “kiểm” còn cảnh cáo Năm Cam một câu, sau này sẽ trở thành một giai thoại giang hồ: “Anh bắt đầu từ quán Cánh Buồm, rồi lại mở Ra Khơi thì phải mở thêm quán... Tới Bến nữa, nếu không đời anh không yên đâu!”.

Thấy Năm Cam cũng không dám làm dữ với mình, Bình “kiểm” càng lộng hành hơn, càng lấn sâu hơn trong sự thách thức. Gã đã ngang nhiên gây ra một vụ cố ý gây thương tích và huỷ hoại tài sản, dẫn đến  việc phải nhận một quyết định cưỡng bức cải tạo 2 năm tại Trại Huy Khiêm (Tánh Linh, Bình Thuận).

Nạn nhân của Bình là Nguyễn Văn Rớt, Việt kiều Mỹ về Việt Nam làm ăn, ông chủ một gara ôtô trên đường Trần Hưng Đạo, Quận I. Ngày 22/5/2000, Bình đã xông vào gara đập phá ôtô và đánh Rớt trọng thương vì tay tư sản này dám từ chối sự bảo kê của gã, bởi tự tin mình có sự chống lưng của Năm Cam.

Cũng chính vì giành quyền bảo kê gara này nên Bình “kiểm” cũng suýt tí nữa một mất một còn với Hải “bánh”. Sợ “bọn trẻ” nóng đầu hư hết bột hồ, Năm Cam phải đứng ra dàn xếp, cuộc đụng độ tóe lửa giữa hai thằng đầu bò mới không xảy ra, dù sự hằm hè thì hai bên vẫn giữ nguyên vẹn.

Chỉ khổ thân cho gã Việt kiều, tránh được Bình “kiểm” lại bị Hải “bánh” đe dọa.  Hạ Thị Thu Giang, vợ của Rớt chính là người tình cũ của Hải “bánh” thời còn ở Hà Nội. Bị “lốc ổ” ở Hà Nội và Hải Phòng, Hải “bánh” mò vào TP Hồ Chí Minh.

Tình xưa trỗi dậy, Hạ Giang - tên thường gọi - đã không tiếc tiền... của Rớt, đem lợi nhuận từ gara ô tô của chồng đổ ra cưu mang tên bồ cũ. Có Hải “bánh”, gara của Rớt mới không cần sự bảo kê của Bình “kiểm”.

Hải “bánh” xuất  thân là một thằng bảo kê có hạng, cả những tay “có sừng có mỏ”  trong đám giang hồ Hà Nội, Hải Phòng đều nể mặt đôi phần. Thấy nồi cơm của người tình sắp bị “một thằng vớ vẩn” đá bể, Hải bánh đã vào cuộc, khiến hai con cọp dữ gầm ghè nhau. Bình “kiểm” lên trại, Hải “bánh” cậy công lao, tha hồ bóp nặn tiền bạc của Rớt.

Tay tư sản chịu không nổi, cầu cứu Năm Cam. Đang có những toan tính riêng, Năm Cam không những không “độ thế”  mà còn hù thêm khiến Rớt vã cả mồ hôi: “Thằng đó ngay cả anh nó còn không nể, nói chi chú. Thôi, nó có đòi hỏi gì thì chú nhường nó chút. Một sự nhịn là chín sự lành, lỡ ra...!”. 

Biết không ăn thua, bản thân lại cô thân cô thế, Rớt đành bán xới về Mỹ, bỏ lại Hạ Giang và hai đứa con. Tình xưa nghĩa cũ còn tiếp diễn, nhờ sự giới thiệu của Hạ Giang, lúc này đã trở thành... vợ của ông chủ vũ trường Phi Thuyền Tống Viết Hoà, Hải “bánh” mới trở thành bảo kê của vũ trường này và từ đó bước thẳng vô tù, trở thành “cái lưỡi vàng” mở ra toàn bộ vụ án Năm Cam nổi tiếng..

Ngày 11/12/2001, không lâu sau khi  Năm Cam bị bắt, Bình “kiểm” đã từ Trại Huy Khiêm điện thoại cho một đàn em tên là Mai Phúc Hậu (Hậu “lé”) ngụ ở phường 2, quận 5, chỉ đạo tên này mang khẩu PASCAL với 98 viên đạn lên trại cho gã. Sau đó, Bình đã đem súng đạn nộp lại cho Ban giám thị Trại, với lời giải thích: Năm Cam và tập đoàn tội ác đã bị phá, mối đe doạ từ phía giang hồ chấm dứt, Bình không cần súng đạn nữa! Cử chỉ vờ vịt này của Bình đã giúp hắn được giảm án trước thời hạn 4 tháng.

Ra trại cuối tháng 1/2002, đến 6/1/2003, Bình Kiểm lại vào tù lần nữa vì tội gây rối. Một người anh rể của Bình, từ Quảng Ninh vào miền Nam thăm em. Xa mặt cách lòng, ông anh rể chẳng biết gì về “vị thế giang hồ”, trót “mạo phạm” thằng em mấy câu kẻ cả. Như thế là... láo, Bình lập tức xông vào... đá cho anh rể bể đôi quai hàm, sau đó xách gói ra toà!

Có thể nói chắc rằng, nhà tù, trại cải tạo chỉ có tác dụng trừng phạt chứ không có mấy tác dụng giáo dục đối với loại tội phạm từ trong máu như Bình “kiểm”. Thực chất, Bình “kiểm” chưa bao giờ có ý định hoàn lương.

Ngay trong thời gian ngồi trại Huy Khiêm, Bình cũng đã rất tích cực trong việc chiêu nạp tay chân và làm mưa làm gió nhưng không hiểu sao vẫn không bị phát hiện. Việc tha trước thời hạn của Bình thời điểm này cũng là một dấu hỏi lớn, bởi lẽ ra lúc đó tên hung thần này phải bị kỷ luật nặng vì đánh người thành thương ngay trong trại.

Trong giang hồ, Bình “kiểm” dữ dằn hơn nhưng số má thì vẫn thua Tài Ba-đô một bậc. Bình đi cải tạo, có tin là ở ngoài TP HCM, Tài Ba-đô đã bắt bồ với vợ Bình là Ngọc Lan (em ruột quái nữ Kim Anh). Ít lâu sau, vì tội gây rối trật tự công cộng, Tài Ba-đô cũng phải lên trại Huy Khiêm ngồi chung với Bình “kiểm”. Máu ghen bốc lên đầu, Bình đã gây sự và đánh cho Tài Ba-đô một trận phải chuyển chỗ nằm sang... bệnh viện!

Phi vụ táo tợn

Trai tứ chiếng khổ vì gái giang hồ, Bình “kiểm” cũng giống y như các đối thủ, chết bầm chết dập vì một chữ tình. Dù là một thằng cô hồn, Bình cũng là một kẻ rất thương vợ thương con và cực kỳ ghen. Khi hắn đang ngồi trại Huy Khiêm thì Ngọc Lan đem cầm ngôi nhà ở số 279 Nguyễn Trọng Tuyển, Phú Nhuận và ôm hai đứa con ra nước ngoài sinh sống, quên luôn cả Bình “kiểm” lẫn Tài Ba-đô. 

Cho rằng vợ mình bị một tay Việt kiều nào đó quyến rũ, Bình “kiểm” sau khi ra trại đã nhiều lần tuyên bố sẽ tìm đường ra nước ngoài để xử tên Việt kiều đã cuỗm mất Ngọc Lan. Bình muốn làm một vụ thật đậm để có tiền vừa đi tìm lại vợ con, vừa tìm cơ hội trừng trị tình địch!

Ngày 6/1/2004, Bình “kiểm” được trả tự do. Hắn mở nhà hàng mang tên vợ là Ngọc Lan ở số 7 Lê Ngô Cát, quận 3. Tai ác thay, đây chính là quán Cánh Buồm cũ của Năm Cam đã xanh cỏ, sau đó lại là của Tống Viết Hoà!

Bình "kiểm" bị dẫn giải về cơ quan điều tra.

Trong những câu chuyện của một số khách hàng thuộc giới doanh nhân có máu mặt, cái tên tỷ phú Trầm Bê được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và lọt vào tai Bình “kiểm”. Tuy không giữ một chức danh cụ thể, nhưng ông Trầm Bê vẫn được nhắc đến như chủ nhân ông thật sự, người nắm phần lớn cổ phần trong Khu Công nghiệp Tân Tạo, Bệnh viện Triều An, Ngân hàng Á Châu...

Là một thằng giang hồ chịu đọc báo, Bình “kiểm” biết tài sản của tỷ phú Trầm Bê thuộc hàng “top” trong bảng tổng sắp của cả nước.  Trầm Trọng Ngân, con trai ông Trầm Bê cũng là một  doanh nhân nổi tiếng. Tài sản kếch xù của người cha chính là sự bảo đảm khiến người con chắc suất trong việc bị Bình “kiểm” lựa chọn làm “con mồi” của vụ bắt cóc tống tiền thế kỷ.

Nghỉ kinh doanh từ tháng 11/2005, Bình dồn hết tâm trí vào việc thực hiện ý đồ. Rủ theo tên đàn em Nguyễn Bùi Hữu Dư, sinh năm 1977, ngụ ấp Hải Linh, phường Kim Liên, thị xã Bà Rịa, Vũng Tàu, Bình đã bỏ ra nhiều buổi “ngồi đồng” ở một quán cà phê trên đường Tên Lửa ở phường An Lạc, Bình Tân để theo dõi anh Ngân.

Hắn khôn ngoan không lộ diện, chỉ vẽ đường cho Dư dùng xe máy bám theo để nắm lộ trình, thói quen của Ngân. Ban ngày, Ngân thường đi xe hơi kiểu thể thao hai cửa đến Công ty trên Xa lộ Đại Hàn. 4h chiều, sau khi về nhà tắm rửa, anh ta sẽ đi xe máy hiệu @ đến nhà bạn gái ở khu tái định cư An Lạc và ở lại đó đến khoảng 20h đêm sẽ quay về.

Tay doanh nhân trẻ còn có thói quen là hễ lên xe - bất kể xe hơi hay xe máy - là phóng rất nhanh, nhưng lịch trình thì gần như là bất di bất dịch.

Để thực hiện, ngoài Dư, Bình “kiểm” quyết định lôi kéo thêm Đoàn Anh Tuấn, sinh năm 1979, ngụ ở Bến Cát, Bình Dương; Bùi Hồng Linh, sinh năm 1977 ở P12, Gò Vấp  và Thiều Thiên Dương, tự Dương “cao”, sinh năm 1970, nhà ở  ấp 1, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh nhập cuộc.

Theo chỉ đạo của Bình, Nguyễn Bùi Hữu Dư đã mua thêm một khẩu K54 cùng 60 viên đạn. Thấy “hoả lực” chưa đủ mạnh, Bình lại điện thoại cho Phạm Văn Bình, tức Bình “thổ”, sinh năm 1974, ngụ tại phường Phú Nguyễn, TX Bà Rịa - Vũng Tàu lệnh tìm mua thêm vũ khí.

Giống hệt 4 tên Dư, Dương, Linh, Tuấn, Bình “thổ” cũng là đàn em của Bình “kiểm” khi còn ngồi chung trại Huy Khiêm. Thấy Bình “thổ” tứ cố vô thân hầu như không hề có thăm nuôi, Bình “kiểm” đã bỏ tiền mua đường sữa đãi ngộ tên này, thậm chí còn chiêu nạp và “trả lương” cho Bình “thổ” mỗi tháng một triệu đồng, biến Bình “thổ” thành mộ thứ “âm binh” để sai khiến về sau. Quả nhiên, Bình “thổ” tỏ ra đắc lực, đã lùng mua được cho Bình “kiểm” một khẩu AR 15 và 298 viên đạn.

Lần ra tay thứ nhất diễn ra vào cuối tháng 11/2005, ngay giữa ban ngày, Bình trực tiếp tham gia và chỉ huy. Gã ra chợ Dân Sinh mua dây trói, băng keo chuẩn bị sẵn và giao khẩu rulô nòng ngắn cho Dương, còn mình thì giắt khẩu shoot-gun vào bụng. Kế hoạch là bốn tên Bình, Dư, Dương, Tuấn sẽ chở nhau trên hai xe máy sẽ bám xe hơi anh Ngân.

Tên Linh giả làm người đạp ba gác đón lõng, sẵn sàng húc cản đường buộc nạn nhân phải giảm tốc độ, sau đó ủi thẳng vào đầu xe nạn nhân. Khi anh Ngân mở cửa bước xuống giải quyết vụ tai nạn, bốn tên sẽ ập tới dùng súng buộc nạn nhân lên xe, có hai tên không chế, trong khi tên Linh bỏ xe ba gác để cầm lái chiếc xe bị cướp chạy thẳng về điểm hẹn. Hai tên còn lại sẽ đi xe máy mở đường và cản địa. Tuy nhiên, hôm đó, nạn nhân không đến Công ty nên kế hoạch bất thành.

Đêm 4/12, chúng đổi chiến thuật, định “cất hàng” lần thứ hai vào ban đêm. Trận chung kết bóng đá Việt Nam - Thái Lan vừa kết thúc, cả bọn đã tập trung đủ mặt tại siêu thị Metro An Phú. Linh thuê sẵn một chiếc xe du lịch với giá 600 ngàn đồng. Bình “kiểm” giao toàn quyền chỉ huy cho Dư, còn bản thân không lộ diện, chỉ dùng điện thoại chỉ đạo từ xa. Hắn bảo Dư: “Mày được quyền tuỳ cơ ứng biến. Tao coi sao rồi. Tháng này, sao của thằng Ngân rất sáng còn sao mạng tao thì mờ tịt. Có tao đi là xui xẻo lắm”.

Theo dự định, chờ anh Ngân đến khúc cua đường số 7, nạn nhân giảm tốc độ để ngoặt cua, Linh sẽ dùng xe hơi ép xe máy anh Ngân và ra tay. Không may, theo thói quen, nạn nhân đã phóng xe rất nhanh nên tên Linh không bắt kịp, cả bọn lại phải bỏ cuộc.

Lần thứ ba, vẫn thực hiện đúng phương án cũ, những tên bắt cóc đã thành công. Vụ bắt cóc xảy ra vào khoảng 20h đêm 5/1/2005, tại khu vực cạnh khu tái định cư, phường An Lạc A.  Xe hơi của Linh vừa ép xe máy của anh Ngân vào lề, ba tên đồng bọn đã phóng tới.

Dương chĩa nòng rulô vào đầu nạn nhân khống chế, Dư kẹp cổ Ngân tống thẳng vào xe. Dương và Tuấn bịt mắt bịt miệng nạn nhân đưa về điểm hẹn ở đầu cầu Kinh Tẻ, quận 7, nơi Bình đang chờ sẵn. Dư ở lại điều khiển chiếc xe máy hiệu @ của nạn nhân, đưa ra đường Tên Lửa vứt bỏ nhằm tránh bị phát hiện. Sau đó, hắn gọi xe ôm chạy về cầu Kinh Tẻ nhập cùng đồng bọn.

Thấy Dư về không, tiếc chiếc xe @ đắt tiền, Bình “kiểm” định chửi. Dư vặc lại: “Anh đã bảo cho tôi tuỳ cơ ứng biến, thấy lấy xe không tiện thì tôi vứt, chửi cái gì”. Nghe vậy, Bình bèn thôi. Sợ đi qua Cầu Ông Lãnh người đông dễ bị phát hiện, Bình ra lệnh cho Linh đánh xe ngược lại, vượt cầu Calmette, theo đường Bến Chương Dương vắng người, qua Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh vòng ra xa lộ Hà Nội trực chỉ hướng Vũng Tàu.

Bình “kiểm” nại cớ không đi được xe hơi nên một mình một xe máy chạy trước làm nhiệm vụ dẫn đường. Thực chất, tên tội phạm cáo già đã tính sẵn, chủ động đi riêng để dễ tháo chạy nếu không may cả bọn bị Công an phát hiện và truy đuổi.

Khoảng 23h đêm, xe của chúng tấp vào nhà nghỉ Hồng Phúc, một khu nhà trọ gồm nhiều bungalow riêng biệt ở xã Phước Thuận, Xuyên Mộc. Trong thời gian trốn lệnh truy nã, Bình “kiểm” thường chui rúc ở khu vực cư xá Lữ Gia, quận 11 nên quen biết với chủ của khu nhà nghỉ Hồng Phúc, nơi sau này hắn thường xuyên thuê phòng.

Vì thế, vào đến nơi, cả bọn không cần xuống xe, không xuất trình giấy tờ nhưng cũng không ai hỏi han gì. Một mình Bình vào lấy chìa khoá và hướng dẫn chiếc xe chở nạn nhân đánh đuôi vào tận cửa, kè nạn nhân vào phòng không hề bị ai phát hiện. Trầm Trọng Ngân bị trói chặt vào giường, miệng bị dán băng keo  nên không thể kêu cứu.

Theo lệnh của Bình, Linh đã quay về TP HCM trả xe, sau đó đón xe đò quay lại nhập bọn cùng băng nhóm. Trong vòng 30 phút giữa đêm 5/12, nhóm tội phạm đã 8 lần gọi vào điện thoại cho gia đình nạn nhân đòi “Không báo Công an. Chuẩn bị 10 triệu USD tiền chuộc. Chỉ toàn tiền 100 USD.  Nếu không đáp ứng, con trai ông bà sẽ bị bắn”. Việc gọi điện, Bình “kiểm” cũng không tự làm mà giao cho đàn em. Hắn sợ bị người nhà nạn nhân nhận diện giọng nói!

Ban đầu gia đình nạn nhân không tin việc con trai họ bị bắt cóc, đòi gặp bằng được anh Trầm Trọng Ngân. Nạn nhân chỉ kịp thông báo vắn tắt: “Con bị bắt cóc, bị trói, bị bịt miệng...”, Bình đã giật điện thoại lại ngay. Gia đình ông Trầm Bê cho biết không thể lo nổi số tiền chuộc quá lớn, xin bớt xuống một nửa (5 triệu USD).

Câu trả lời của những tên bắt cóc là: “Vậy thì chuẩn bị nhận xác nó đi là vừa”. Sợ hãi, gia đình nạn nhân đồng ý giá tiền chuộc, nhưng xin khất vài ba ngày để lo, bởi số tiền mặt quá lớn. Bình “kiểm” và cả bọn đồng ý và tắt luôn điện thoại nữa. Hí hửng, chúng yên tâm chờ đợi và bắt đầu mơ đến những cuộc chơi bời trác táng với số tiền khổng lồ.

Kết cục bất ngờ

Ngay sau khi nhận được tin báo, Phòng CSĐT tội phạm hình sự Công an TP Hồ Chí Minh đã tung ngay trinh sát xuống địa bàn để nắm tình hình đồng thời báo cáo ngay với BGĐ Công an Thành phố để xin ý kiến. Theo sự chỉ đạo của BGĐ, trực tiếp là Đại tá Phan Anh Minh, toàn bộ quân số của đội 3 (Đội chống tội phạm có tổ chức), PC14 đã được tung ngay vào cuộc, kết hợp với Công an Bình Tân rà soát mọi mối thông tin, quyết tìm ra tung tích và giải cứu con tin an toàn trước khi những tên bắt cóc có hành vi manh động.

Diễn tiến vụ việc nhanh chóng được dựng lại. Với chi tiết bọn bắt cóc sử dụng xe du lịch, lãnh đạo PC14 nhận định: đây là một vụ bắt cóc có tổ chức, có chuẩn bị rất kỹ lưỡng với sự tham gia của nhiều tên tội phạm. Chiếc xe sử dụng trong vụ bắt cóc chắc chắn phải là xe thuê. Do đó, một loạt địa chỉ cho xe thuê du lịch đã được các trinh sát rà soát ngay trong đêm.

Chỉ vài tiếng đồng hồ sau, trinh sát đã nắm gọn trong tay bản hợp đồng thuê xe của Bùi Hồng Linh với thời gian sử dụng trùng khớp với thời gian diễn tiến của vụ bắt cóc. Linh từng ngồi trại Huy Khiêm, cùng thời gian với Bình “kiểm”, một kẻ mà anh em đội 3, PC 14 đã nhẵn mặt.

Trước khi vụ bắt cóc xảy ra, một số nhân chứng đã kịp ghi nhận sự có mặt của Bình “kiểm” tại khu vực gần chỗ bắt cóc. Sự trùng hợp này đã khiến cái tên Bình “kiểm” được liệt vào danh sách nghi can. Chi tiết này đã đưa đến quyết định sưu tra lại toàn bộ danh sách các đối tượng hiềm nghi có quan hệ quen biết với Bình “kiểm”, đặc biệt là những đối tượng từng cải tạo tại trại Huy Khiêm thời điểm 1999-2000. Sau này, khi vụ án đã được khám phá, quả thật các đối tượng tham gia đều không hề nằm ngoài danh sách được lập.

Lãnh đạo PC 14 nhận định: chắc chắn bọn bắt cóc sẽ đưa nạn nhân ra một vùng hẻo lánh nhưng không quá xa thành phố để khống chế trong thời gian thương lượng chuyện tiền chuộc. Rất có thể, nơi giấu nạn nhân sẽ thuộc địa bàn Đồng Nai  hoặc Bà Rịa - Vũng Tàu.

Công an TP HCM đã chính xác ngay từ những phán đoán đầu tiên, nhưng việc giải cứu con tin và bắt giữ đối tượng, họ lại không nhanh bằng một tốp Công an xã  xã Phước Thuận, Xuyên Mộc. Khoảng 1h45 phút sáng 7/12/2005, Công an xã này đã phát hiện ra việc một nhóm thanh niên có dấu hiệu khả nghi đang nghỉ tại nhà trọ Hồng Phúc.

Chiếc xe đưa họ đến đã biến mất, trong khi đám khách trọ vẫn còn ở lại trong một bungalow của khu nhà nghỉ. Phối hợp với lực lượng bộ đội Biên phòng Đồn 429, Công an xã đã tiến hành kiểm tra hành chính khu nhà nghỉ Hồng Phúc và phát hiện được anh Trầm Trọng Ngân bị trói, miệng bị bịt giẻ đang nằm trên giường.

Vừa nhác thấy bóng tổ kiểm tra, một thanh niên đã lao vụt ra, bỏ chạy. Một phát đạn hơi cay bắn thẳng vào mặt đã khiến hắn lảo đảo rơi tõm xuống ao và bị bắt giữ. Thật không ngờ, hắn chính là Bình “kiểm”! Ba tên Đoàn Anh Tuấn, Bùi Hồng Linh và Nguyễn Bùi Hữu Dư cũng không kịp có bất kỳ hành động chống cự nào, lần lượt tra tay vào còng.

Khám xét hai căn phòng chúng thuê, Công an thu được một khẩu K54, hai hộp tiếp đạn 14 viên, một khẩu ru lô nòng ngắn 14 viên đạn, một khẩu shoot-gun với 30 viên đạn cùng 6 triệu đồng, 2 cuộn băng keo, dây trói...

Tại trụ sở Công an huyện Xuyên Mộc, tiến hành khai thác nhanh, các đối tượng thừa nhận chúng đã tham gia vụ bắt cóc tống tiền anh Trầm Trọng Ngân theo sự sắp đặt và chỉ huy của Bình “kiểm” với đầy đủ chi tiết.

Ngoài 4 tên đã bị bắt, chúng khai còn có sự tham gia của Thiều Thiên Dương. 1h chiều cùng ngày, Dương “cao” được đưa về trại giam để hội tụ cùng băng nhóm

Nguyễn Thanh Trúc - CSTC số 4

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文