Làm giả giấy khám sức khỏe đăng bán trên mạng
- Triệt phá đường dây làm giả giấy khám sức khỏe, giấy ra viện… để hưởng bảo hiểm y tế
- U60 mua bán giấy khám sức khỏe giả
- Khám phá ổ nhóm làm giả giấy khám sức khỏe
Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm vừa khởi tố đối tượng Phạm Sơn Tùng (29 tuổi, trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội) về hành vi làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ của cơ quan, tổ chức.
Khoảng 11h30' ngày 21-5, tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đang làm nhiệm vụ tại khu vực trước cổng trường Đại học Tài nguyên Môi trường, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội phát hiện nam thanh niên đang cầm trên tay một số giấy tờ tài liệu có biểu hiện nghi vấn.
Tiến hành kiểm tra hành chính, tổ công tác phát hiện thanh niên này đang cầm 7 tờ giấy khám sức khỏe chưa có thông tin người khám nhưng đã có kết luận và đóng dấu đỏ của bệnh viện. Ngoài ra, kiểm tra bên trong chiếc túi anh ta mang theo có 3 tờ giấy khám sức khỏe tương tự.
Đấu tranh nóng, thanh niên này khai làm nghề “shipper” (người giao hàng) tên là Phạm Ngọc Đức (26 tuổi, trú tại phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), và số giấy khám sức khỏe “khống” trên là của một người tên “Tuấn Anh” ở Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội) thuê Đức chuyển cho khách mua.
Tại cơ quan Công an, Đức khai nhận, khoảng giữa tháng 5-2018, Đức vào mạng Facebook cần tuyển shipper, rồi liên hệ theo số điện thoại đăng trên mạng để tìm việc thì được một người đàn ông nghe máy và hẹn đến khu vực ngã ba Văn Điển (Ngọc Hồi, Thanh Trì) để nhận hàng đi giao.
Đối tượng Phạm Sơn Tùng tại cơ quan Công an. |
Tại đây, người đàn ông này đã đưa cho Đức 4 tờ giấy khám sức khỏe khổ A3 đi giao cho khách. Đức trả tiền ứng trước giấy và nhận tiền công giao với giá từ 20.000 đồng - 40.000 đồng/đơn hàng.
Về nhân thân người đàn ông thuê đi ship “hàng”, Đức không biết người này là ai, làm gì, chỉ thấy khách nhận giấy nói tên người đàn ông là Tuấn Anh và tên rao trên mạng xã hội cũng là Tuấn Anh và không biết bất cứ một thông tin gì khác về người đàn ông này.
Đức cũng khai sau lần giao giấy khám sức khỏe đầu tiên trót lọt, sau đó, cứ mỗi lần cần giao giấy khám sức khỏe cho khách, người đàn ông này đều liên hệ với Đức.
Có một lần, khi đến nhận giấy khám sức khỏe đi giao cho khách, Đức có hỏi Tuấn Anh là có tự làm những giấy khám sức khỏe này không thì anh ta cho biết mình tự làm được. Tổng cộng Đức đã đi “ship” giấy khám sức khỏe cho Tuấn Anh khoảng 3-4 lần, với tổng số giấy khám là khoảng 20 tờ. Số tiền công giao giấy Đức nhận được khoảng 300.000 đồng.
Trên các tờ giấy khám sức khỏe Đức đã giao cho khách đều có chung đặc điểm, thông tin về người khám vẫn để trống, nhưng đã ghi nội dung kết quả khám, chữ ký các bác sỹ khám và dấu đỏ Bệnh viện E và Bệnh viện Giao thông Vận tải.
Từ lời khai của Đức, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm đã xác định người đàn ông tên “Tuấn Anh” chính là Phạm Sơn Tùng (29 tuổi, trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Qua đấu tranh, Phạm Sơn Tùng khai nhận, đầu tháng 4-2018, Tùng lên mạng và thấy một trang Facebook có đăng bán giấy khám sức khỏe. Thấy nhiều người vào bình luận đặt mua nên Tùng nảy ý định mua về bán lại cho những người có nhu cầu để kiếm lời.
Tùng liền liên hệ với người tên Chiến (chủ trang Facebook bán giấy khám sức khỏe, hiện chưa rõ lai lịch) nói trên đặt vấn đề và được Chiến hẹn gặp tại khu vực phố Quang Trung để nói chuyện cụ thể. Hai bên thống nhất, mỗi khi có khách đặt mua giấy khám sức khỏe, Tùng sẽ điện thoại, gửi thông tin để nhờ Chiến.
Theo đó, giá một tờ giấy chứng nhận sức khỏe khổ A4, Tùng rao bán trên mạng 50.000 đồng/tờ thì Chiến được hưởng 30.000 đồng; giấy khám sức khỏe khổ A3 (không ảnh) Tùng rao bán 90.000 đồng thì phải trả cho Chiến 60.000 đồng; đối với giấy khám sức khỏe khổ A3 (có ảnh) Tùng rao bán với giá 140.000 đồng, Tùng phải trả cho Chiến 100.000 đồng.
Thỏa thuận xong, Tùng lập Facebook, Zalo ảo bằng sim rác và đăng bán. Khi có khách liên hệ đặt mua, Tùng gửi thông tin cho Chiến. Làm xong, Chiến đưa cho “shipper” mang đi giao cho Tùng.
Tùng khai, 2 tuần đầu, thấy nhiều giấy khám sức khỏe của Chiến bị mờ, phai nên Tùng có hỏi Chiến và được biết giấy khám đó là giả, do Chiến tự làm. Tuy nhiên, do thấy nhiều người có nhu cầu mua, dễ kiếm tiền nên Tùng vẫn tiếp tục bán dù biết đó là giấy khám sức khỏe giả.
Một thời gian sau, để không phải phụ thuộc hoàn toàn vào “nguồn cung” từ Chiến, Tùng đã được Chiến bán cho một USB và hướng dẫn cách tự làm giả giấy khám sức khỏe bằng máy vi tính với nhiều mẫu dấu của các bệnh viện và in màu ra khi khách đặt có nhu cầu.
Sau khi tự làm được, Tùng dùng tên giả Tuấn Anh để đăng giấy bán giấy khám sức khỏe giả trên mạng, và đăng tin tìm “shipper” chuyên giao giấy cho khách và Phạm Ngọc Đức đã nhận làm việc này cho Tùng. Khách hàng chủ yếu là sinh viên, những người đang có nhu cầu làm hồ sơ xin việc.
Phạm Sơn Tùng khai nhận, sau khi được Chiến chuyển giao “công nghệ” làm giấy tờ giả, Tùng đã tự làm và bán được khoảng 20 tờ giấy chứng nhận sức khỏe giả khổ A4, 100 tờ giấy khám sức khỏe loại khổ A3, 80 tờ giấy khám sức khỏe loại khổ giấy A3 có ảnh, và khoảng 20 tờ giấy nhập viện, ra viện.
Tổng số tiền lãi Tùng thu được từ việc làm bất chính này khoảng 25 triệu đồng. Mỗi tờ giấy khám sức khỏe sau khi in ra, Tùng đều tự viết nội dung, ký tên các bác sỹ và đóng dấu giả của Bệnh viện E hoặc Bệnh viện Giao thông Vận tải trước khi đưa cho shipper đi giao cho khách.