Một năm, bắt giữ gần 4.000 đối tượng cướp, trộm cắp xe máy

08:42 12/10/2006

Theo C14, tại nhiều địa phương trọng điểm, đã xuất hiện các băng nhóm tội phạm dùng súng chặn đường bắn chết nạn nhân cướp các loại xe máy đắt tiền.

Ngày 10/10, thông tin từ Cục CSĐT tội phạm về TTXH (C14) cho biết, một năm (kể từ sau ngày 7/10/2005) thực hiện Kế hoạch số 2752 về phòng ngừa và trấn áp tội phạm cướp, trộm cắp xe máy trên địa bàn toàn quốc, lực lượng Công an các tỉnh, thành phố đã bắt giữ gần 4.000 đối tượng tội phạm có liên quan đến xe máy.

Cũng trong thời gian nói trên, cả nước đã xảy ra 13.446 vụ án trộm cắp và cướp xe máy, trong đó có 54 vụ giết nạn nhân cướp xe máy, 593 vụ cướp xe máy và hơn 12.000 vụ trộm cắp, tiêu thụ xe máy gian. Theo tính toán sơ bộ với mức giá tối thiểu, số lượng xe máy bị mất trong thời gian qua có giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Nguy hiểm nhất trong loại tội phạm này là hành vi giết cướp xe máy, xảy ra nhiều tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh (7 vụ), Hà Nội, Hải Phòng, Hà Tây, Thái Nguyên (mỗi nơi 4 vụ), Nam Định, Bắc Ninh (mỗi nơi 3 vụ), Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Yên Bái, Thanh Hoá, Bắc Giang, Bình Dương...

Thủ đoạn của bọn tội phạm thường là đóng giả khách thuê xe ôm với giá cao, điều nạn nhân đến nơi thuận lợi rồi dùng hung khí như dao, lê, dây dù giết chết nạn nhân cướp xe và tài sản hoặc phục sẵn ở những nơi hẻo lánh, bám sát nạn nhân để khi điều kiện thuận lợi sẽ ra tay hạ sát.

Theo C14, tại nhiều địa phương trọng điểm nói trên đã xuất hiện các băng nhóm tội phạm dùng súng chặn đường bắn chết nạn nhân cướp các loại xe máy đắt tiền. Điển hình có thể kể tới băng nhóm 4 đối tượng cướp dùng súng vừa bị Công an TP Hồ Chí Minh bắt giữ, thu hồi 1 khẩu K59 và một cơ số đạn dược gây án.

Loại tội phạm cướp xe máy cũng xảy ra nhiều ở các địa bàn trọng điểm là các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu... Thủ đoạn phục sẵn, chặn đường nạn nhân để thực hiện hành vi cũng chiếm đa số trong loại tội phạm này, địa bàn hay xảy ra là nơi công cộng vắng người và các địa bàn giao thông.

Riêng về loại tội phạm trộm cắp, tiêu thụ xe máy, Hà Nội là địa phương xảy ra nhiều nhất với hơn 2.200 vụ, TP Hồ Chí Minh đứng thứ hai với 1.481 vụ; tiếp theo là Đồng Nai (913 vụ), Hà Tây (613 vụ), Bình Dương (363 vụ), Nghệ An (315 vụ), Thái Nguyên (295 vụ), Quảng Ninh, Thanh Hoá (mỗi nơi hơn 280 vụ) v.v…

Với loại tội phạm này, địa bàn xảy ra nhiều nhất lại chính là nơi công cộng với gần 70% số vụ, đối tượng thường dùng vam chữ T, chìa khoá vạn năng để phá khoá, sau đó mang sang địa bàn khác tiêu thụ. Đặc biệt, đã hình thành những đường dây vận chuyển, buôn bán xe máy gian về các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo hoặc sang cả các nước láng giềng như Lào, Campuchia để tiêu thụ.

Trong thời gian 1 năm qua, lực lượng Công an cả nước đã ra quân thực hiện nhiều đợt cao điểm đấu tranh với loại tội phạm cướp và trộm cắp, tiêu thụ xe máy. Nhiều chuyên án lớn đã được xác lập như chuyên án về đấu tranh chống tội phạm cướp xe máy tại Hà Nội và 6 tỉnh phụ cận, lực lượng Công an đã làm rõ 69 vụ việc, bắt giữ 78 đối tượng.

Qua xác định hơn 500 địa bàn trọng điểm, Công an nhiều địa phương đã triệt phá nhiều đường dây, ổ nhóm lớn như vụ Công an Hà Tĩnh bắt 10 đối tượng gây ra 25 vụ trộm cắp xe máy tại 5 tỉnh Bắc miền Trung; Công an Bình Dương bắt 11 đối tượng trong ổ nhóm gây ra 17 vụ trộm cắp xe máy tại thị xã Thủ Dầu Một; Công an Long An phá chuyên án bắt 7 đối tượng gây 59 vụ, 62 xe máy trên địa bàn.

Đáng kể, Công an Tây Ninh đã triệt phá đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe máy sang Campuchia với 7 đối tượng từ giữa năm 2005 lại nay đã vận chuyển trót lọt hơn 200 xe máy gian bán ra nước ngoài... Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng theo như đánh giá của Cục C14 - Bộ Công an thì tội phạm cướp và trộm cắp xe máy vẫn diễn biến phức tạp, tỷ lệ điều tra khám phá án với loại tội phạm này chỉ đạt thấp (40%), công tác điều tra theo tố tụng chưa được chú ý nên số vụ việc chưa được xử lý còn nhiều.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch trong thời gian tới, C14 cho rằng, lực lượng nghiệp vụ Công an các địa phương cần đưa nội dung đấu tranh với loại tội phạm này vào chương trình công tác thực hiện Mệnh lệnh tấn công tội phạm của Bộ Công an, tập trung lực lượng điều tra, khởi tố các vụ việc liên quan đến xe máy và nâng cao tỷ lệ điều tra loại án này lên trên mức 65%. Có như vậy, loại tội phạm này mới có thể giảm được và góp phần ổn định đời sống nhân dân, tránh thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

Nguyên Chi

Chiều 4/5, thông tin từ Tổng Công ty quản lý Cảng hàng không cho biết, nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) và triển khai các hoạt động của năm du lịch quốc gia, lượng hành khách đi/đến Điện Biên đã tăng mạnh trong những ngày vừa qua, có ngày khách qua Cảng hàng không Điện Biên tăng gấp 5 lần so với ngày thường.

Ngày 4/5, thông tin từ Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn các xã: Lộc Thái, Lộc Hưng và thị trấn Lộc Ninh vừa có 4 nạn nhân cùng 4 con chó khác bị một con chó dại cắn bị thương, gây xôn xao dư luận.

Thời gian gần đây, qua công tác nắm tình hình, lực lượng Công an phát hiện tình trạng một số đối tượng lừa đảo đã lập các nhóm chat (group), giả danh các “chuyên gia” dụ dỗ nhà đầu tư tham gia hội nhóm kín trên mạng xã hội, cài đặt website, app, gửi tiền đầu tư chứng khoán. Khi nạn nhân không còn khả năng gửi thêm tiền hoặc phát giác, nghi ngờ, các đối tượng khóa tài khoản, chiếm đoạt số tiền của bị hại. Về vấn đề này, Trung tướng Tô Ân Xô, Người phát ngôn Bộ Công an đã có những thông tin khuyến cáo đối với người dân và nhà đầu tư.

Sau nhiều tháng trời nắng như đổ lửa, trong ngày 3 và 4/5, tại một số quận huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có những cơn mưa giải nhiệt. Tuy nhiên, do mưa nhỏ, lượng nước ít kèm theo dông lốc nên đã xảy ra một số sự cố…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文