Nhận “cám ơn” hàng trăm triệu đồng sau khi nâng điểm cho mỗi thí sinh
Sáng ngày xét xử thứ hai, HĐXX tập trung thẩm vấn các bị cáo về hành vi đưa, nhận thông tin để nâng điểm cho các thí sinh tham gia kỳ thi này.
Đáng chú ý là lời khai của bị cáo Trần Xuân Yến (cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) khẳng định “Cựu Giám đốc đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La Hoàng Tiến Đức đã đưa cho bị cáo một tờ danh sách nhờ nâng điểm cho các thí sinh.
Nhưng do tờ giấy này bị bẩn nên bị cáo đã đánh máy lại một tờ danh sách khác có nội dung giống như tờ danh sách đã nhận, đồng thời bổ sung thêm thông tin của 3 thí sinh để nhờ xem điểm” .
Bị cáo Trần Xuân Yến. |
Trước Trả lời HĐXX, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu Chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) khai, tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bị cáo được phân công là Ủy viên Hội đồng thi, Ủy viên Ban vận chuyển bàn giao đề thi, Ủy viên Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm. Khi thực hiện nhiệm vụ được giao, bị cáo trực tiếp thỏa thuận, nhận danh sách thí sinh và thông qua bị cáo Trần Xuân Yến và nhiều bị cáo khác trong vụ án này để thực hiện việc rút bài, sửa nâng điểm các môn thi trắc nghiệm.
“Ngày 30/6/2018, anh Yến (bị cáo Yến- PV) đưa cho bị cáo 1 tờ giấy trước mặt mọi người và bảo, cầm lấy tờ công văn này. Trong tờ giấy anh Yến đưa ghi danh sách họ tên thí sinh, số báo danh của thí sinh, địa điểm thi, mã đề thi, số điểm cần nâng. Khi không còn ai, anh Yến ghé vào tai bị cáo nói, sửa theo số điểm ghi trong đấy”, bị cáo Nga khai.
Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga |
HĐXX hỏi Nga“Bị cáo có biết nếu làm theo chỉ đạo đó là vi phạm pháp luật không?”. Nga phân trần, lý do nhận lời là vì nể nang, phụ thuộc vào mối quan hệ cấp trên và cấp dưới.
HĐXX yêu cầu bị cáo Trần Xuân Yến đối chất lời khai của bị cáo Nga, bị cáo Yến thừa nhận, có đưa cho bị cáo Nga 3 tờ danh sách nhưng chỉ nhờ xem điểm, chứ không nhờ nâng điểm. Về lời khai những thông tin trong tờ như bị cáo Nga trình bày, bị cáo Yến cho rằng “Do sự việc xảy ra đã lâu nên bị cáo không nhớ rõ”.
Tuy nhiên bị cáo Yến nhớ rõ một cho tiết, trong 3 tờ danh sách bị cáo đưa cho bị cáo Nga, có 1 tờ danh sách của cựu Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La Hoàng Tiến Đức. Trả lời HĐXX về lý do có thông tin những thí sinh này và về số điểm ghi cần nâng ở bên cạnh, bị cáo Yến cho biết “Đây là số điểm các thí sinh tự chấm, được phụ huynh thí sinh thông tin lại cho bị cáo”. Trước khi dừng lợi, bị cáo Yến phủ nhận lời khai của bị cáo Nga về việc mình nhờ nâng điểm.
Kết quả điều tra xác định, với vai trò Tổ trưởng xử lý bài thi trắc nghiệm tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, bị cáo Yến có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong tổ theo quy chế. Bị cáo phải chịu trách nhiệm về kết quả chấm thi trắc nghiệm của tổ.
Nhưng bị cáo Yến đã làm trái với nhiệm vụ được giao, nhận thông tin của 13 thí sinh sau đó chuyển cho cấp dưới để sửa bài thi nâng điểm, bị cáo không trực tiếp sửa bài thi nhưng đã không chỉ đạo “quét” bài thi xong phải niêm phong lại ngay để tạo điều kiện cho cấp dưới dễ dàng thực hiện việc rút, sửa bài thi nâng điểm.
Khi có đoàn kiểm tra, bị cáo Yến chỉ đạo bị cáo Nga che giấu hành vi phạm tội bằng cách xóa dữ liệu trên máy tính.
Bị cáo Đặng Hữu Thuỷ. |
Trả lời thẩm vấn HĐXX, bị cáo Nguyễn Thanh Nhàn (cựu Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La khảo thí) khẳng định, những gì bị cáo Nga đã khai về hành vi câu kết, nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La là đúng sự thật. “Tại kỳ thi THPT quốc gia 2018, bị cáo có nhận thông tin của 4 thí sinh gồm: họ tên, số báo danh, số phòng thi và tổng số điểm cần được nâng) do một người bạn cũ nhờ bị cáo nâng điểm hộ.
Thông tin của 4 thí sinh này sau đó bị cáo viết vào tờ giấy A4 rồi đưa nhờ bị cáo Nga nâng điểm”, bị cáo Nhàn khai. Cũng theo lời khai của bị cáo Nhàn, vì bị cáo từng là bạn cũ với người nhà thí sinh và vì nể nang nên bị cáo đã nhận thông tin của 4 thí sinh mà người bạn chuyển cho mình. Việc bị cáo giúp đỡ bạn không vì trục lợi.
Bị cáo Nguyễn Ngọc Hà (cựu Trưởng phòng Giáo dục THPT, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) khai, do làm việc cùng cơ quan với bị cáo Trần Xuân Yến nên bị cáo đã lên phòng làm việc của bị cáo Yến đưa thông tin 4 thí sinh để nhờ xem trước kết quả bài thi, trong đó có 1 thí sinh là con gái của ông bị cáo Hà.
“Bị cáo có ghi thông tin của thí sinh vào 2 tờ giấy gồm họ tên, số báo danh, tổng điểm dự kiến các cháu tự chấm, ghi ra như vậy để biết và gửi nhờ anh Yến xem điểm trước”, bị cáo Hà nói. Tiếp đó, bị cáo Đặng Hữu Thủy (cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu) có một số lời khai khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.
Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn. |
Theo lời khai của bị cáo Thuỷ, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La, bị cáo đã nhận thông tin của nhiều phụ huynh nhờ nâng điểm ba môn cho con họ để có thể đỗ vào các trường đại học có thương hiệu lớn như: Đại học Y, Đại học Công an, Đại học Kinh tế Quốc dân...
“Sau khi nhận được chỉ đạo, bị cáo cùng một số bị cáo khác trực tiếp can thiệp, tẩy xóa bài thi để nâng điểm cho 44 thí sinh, trong đó có bốn thí sinh đã đủ điểm đỗ đại học”, bị cáo Thuỷ khai.
Cũng theo lời khai của bị cáo Thuỷ “Dù các phụ huynh chỉ nhờ... xem điểm hộ, nhưng mỗi phụ huynh lại cảm ơn bị cáo cả trăm triệu đồng. Sau đó, bị cáo đã trả lại toàn bộ số tiền trên cho gia đình các thí sinh”. Tuy nhiên tại cơ quan điều tra, các phụ huynh được bị cáo Thuỷ nêu tên đều phủ nhận việc đưa tiền cho bị cáo Thủy.
Bị cáo Hoàng Thị Thành (cựu Chủ tịch Hội nông dân huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) khai, bị cáo nhờ bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT tinh Sơn La) nâng điểm cho con trai với giá 440 triệu đồng. Bị cáo vì lo cho con nên thoả thuận với chị Sọn để nâng điểm cho con trai, và kết quả con bị cáo được nâng điểm.
Còn theo chấm thẩm định thì bị cáo chỉ nhớ là bị giảm điểm còn giảm bao nhiêu thì không nhớ”, bị cáo Thành khai. Trả lời HĐXX, nhiều bị cáo từng là cấp dưới của cựu Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La Trần Xuân Yến đều thừa nhận, việc họ buộc phải nâng điểm cho nhiều thí sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 ở Sơn La là do bị ép buộc, chứ bản thân họ không được hưởng lợi gì.