Nhiều sai phạm tại công trình thủy lợi Đắk Ngo
Không chỉ sai phạm trong thiết kế, chọn vị trí thi công mà trong công tác nghiệm thu, thanh toán, các đơn vị này đã thông đồng, lập nên nhiều phiếu thanh toán khống để rút tiền ngân sách Nhà nước.
Chiều 15-3, Thượng tá Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Minh Vũ (41 tuổi, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Tuy Đức) để điều tra, làm rõ các sai phạm gây thiệt hại ngân sách nhiều tỷ đồng tại dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Đắk Ngo.
Liên quan đến vụ việc, Cơ quan CSĐT cũng khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Thảo (34 tuổi, Phó giám đốc Công ty Thành Đạt Tây Nguyên - đơn vị thi công công trình thủy lợi Đắk Ngo) để điều tra hành vi “Vi phạm quy định về đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng”.
Nhiều hạng mục của công trình đang thi công dang dở nhưng đã được Ban quản lý quyết toán để rút tiền ngân sách Nhà nước |
Như Báo CAND đã thông tin, Dự án đầu tư xây dựng công trình Thủy lợi Đắk Ngo được phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 808/QĐ-UBND ngày 16-6-2011 của UBND tỉnh Đắk Nông với số vốn lên đến hơn 100 tỷ đồng, thời gian thi công từ 2012 - 2016. Mục tiêu của dự án là cung cấp nước tưới tiêu cho 200ha cà phê và hơn 250ha lúa trong tương lai gần đối với những hộ dân di cư tự do tại Tiểu khu 1541 của xã Đắk Ngo, huyện Tuy Đức.
Theo đó, công trình do Ban Quản lý các dự án huyện Tuy Đức đại diện làm chủ đầu tư; đơn vị thi công thuộc liên danh Công ty TNHH MTV Xây dựng và Thương mại Thành Đạt Tây Nguyên (đóng tại xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức) và Công ty TNHH Trí Việt Đắk Nông (đóng tại thị xã Gia Nghĩa). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, từ khâu thiết kế cho đến thi công các hạng mục, các đơn vị liên quan đã để xảy ra hàng loạt sai phạm, gây thiệt hại số tiền lên đến hơn 7,4 tỷ đồng.
Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước Khu vực XII mới đây cho thấy, mục tiêu của dự án là cung cấp nước tưới cho hơn 250ha lúa, 200ha cà phê nhưng qua kiểm tra tại hiện trường thì khu vực đất sản xuất chủ yếu là đất trồng cao su, điều, cà phê và chỉ có vỏn vẹn 5ha lúa nước đã được người dân đưa vào sản xuất ổn định từ lâu. Số diện tích còn lại đang được các hộ dân trồng điều, cà phê và khoảng 20ha đất trống, đồi trọc, có độ dốc lớn không thể canh tác…
Một hạng mục thi dang dở bị bỏ hoang |
Ngoài ra, trong công tác nghiệm thu, thanh toán, các đơn vị này đã thông đồng, lập nên nhiều phiếu thanh toán khống để rút tiền ngân sách Nhà nước.
Điển hình như tại kênh dẫn nước N2 có giá trị thi công là hơn 3,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế hạng mục này chưa được giải phóng mặt bằng, chưa được thi công nhưng chủ đầu tư đã thanh toán cho nhà thầu thi công số tiền này. Ngoài ra, đơn vị tư vấn giám sát chỉ mới thực hiện ký biên bản nghiệm thu xác nhận khối lượng hoàn thành của 2 lần thanh toán có giá trị là 6,2 tỷ đồng nhưng trên thực tế, chủ đầu tư đã thực hiện thanh toán 4 lần cho đơn vị thi công với giá trị 15,5 tỷ đồng (lệch 9,3 tỷ đồng)…