Nhiều trường hợp làm giả hồ sơ, giấy tờ để cấp hộ chiếu

14:18 10/07/2020
Từ đầu năm đến nay, thông qua công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục cấp hộ chiếu cho công dân, Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 4 vụ với hàng chục đối tượng (trong đó có cả các đường dây) làm giả hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu xuất cảnh ra nước ngoài lao động.


Ngày 3/7/2020, Cơ quan CSĐT Công an TP.Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án,  khởi tố bị can đối với đối tượng Nguyễn Thị Huệ (SN 1988, trú tại xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa) về các tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Trước đó, vào ngày 6/6/2020, Bùi Thị Giang (SN 1990, trú tại xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) đến làm thủ tục xin cấp hộ chiếu để đi lao động nước ngoài với căn cước công dân (CCCD) giả mạo mang tên Lê Thị Hoa (SN 1989), có địa chỉ thường trú tại xã Đông Hòa, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Tuy nhiên, hành vi của đối tượng này nhanh chóng bị cán bộ, chiến sĩ Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh Thanh Hóa phát hiện.

Đối tượng Nguyễn Thị Huệ tại cơ quan Công an.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh nhanh chóng bắt giữ Nguyễn Thị Huệ, là đối tượng chính trong đường dây chuyên làm giả hồ sơ, giấy tờ để xin cấp hộ chiếu. 

Qua kiểm tra bước đầu, ngoài thu giữ CCCD giả mang tên Lê Thị Hoa, lực lượng Công an còn thu giữ thêm 2 thẻ CCCD giả mạo công dân ở các huyện Nông Cống, Đông Sơn (Thanh Hóa) cho các đối tượng ở Hà Nội, Thái Bình.

Bước đầu, các đối tượng khai nhận: Bùi Thị Giang vốn đã từng đi lao động ở Liên bang Nga, nhưng do cư trú bất hợp pháp nên bị trục xuất về nước. 

Sau khi về địa phương, thông qua mạng xã hội, đối tượng này đã thuê Nguyễn Thị Huệ làm hồ sơ, CCCD giả mang tên Lê Thị Hoa với giá 35 triệu đồng để làm hộ chiếu quay lại Liên bang Nga tiếp tục lao động bất hợp pháp.

Phòng Quản lý Xuất nhập cảnh phát hiện Bùi Thị Giang (áo đen) dùng CCCD giả mang tên Lê Thị Hoa để làm hộ chiếu.

Vụ việc sau đó được chuyển cho Cơ quan CSĐT Công an TP.Thanh Hóa điều tra làm rõ theo quy định. Quá trình điều tra mở rộng, đến nay Công an TP.Thanh Hóa đã làm rõ chỉ trong một thời gian ngắn Nguyễn Thị Huệ đã làm giả CCCD cho 6 đối tượng khác ở Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Kon Tum để làm hộ chiếu xuất cảnh sang lao động ở nước ngoài trái pháp luật.

Ngoài đường dây liên quan đến Nguyễn Thị Huệ, từ đầu năm đến nay, Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh, Công an tỉnh Thanh Hóa còn phát hiện nhiều trường hợp làm giả hồ sơ, giấy tờ để làm hộ chiếu xuất cảnh sang nước ngoài trái pháp luật, chuyển Cơ quan điều tra điều tra xử lý theo thẩm quyền 2 vụ, tham mưu ra quyết định xử phạt hành chính 2 vụ, 2 đối tượng với tổng số tiền 55 triệu đồng.

Qua công tác điều tra khám phá án có thể nhận thấy: Hầu hết các đối tượng làm giả CCCD (hoặc CMND) để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu là cố ý thay đổi nhân thân nhằm che giấu lý lịch trước đây từng phạm tội, hoặc đã có thời gian lao động ở nước ngoài nhưng hết thời gian hợp đồng, bị phía nước ngoài buộc xuất cảnh về nước và cấm nhập cảnh. Do đó, các đối tượng này tìm cách thay đổi nhân thân để làm hộ chiếu mới xuất cảnh ra nước ngoài lao động trái phép. Ngoài ra, một số người dân do thiếu hiểu biết đã nhờ một số đối tượng xấu làm giúp giấy tờ, đến khi đem ra sử dụng thì mới biết là giả.

Số CCCD giả mà Nguyễn Thị Huệ đã làm để làm thủ tục xin cấp hộ chiếu.

Thủ đoạn của bọn chúng thường là lên mạng xã hội tìm và liên hệ với các đối tượng, đường dây để làm giả CCCD với một nhân thân mới và có địa chỉ thường trú khác nơi cư trú của người được cấp thẻ CCCD để đề nghị cấp hộ chiếu. Như 6 trường hợp mà đối tượng Nguyễn Thị Huệ đã làm đều có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, Thái Bình, Nghệ An, Kon Tum nhưng đã được Huệ phù phép thành 6 người hoàn toàn mới, có địa chỉ thường trú tại nhiều địa phương trong tỉnh Thanh Hóa để đề nghị Phòng Quản lý xuất, nhập cảnh Công an Thanh Hóa cấp hộ chiếu.

Theo quy định tại Điều 341 - Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm..
Đình Hợp

Chỉ trong thời gian ngắn của những ngày cuối năm 2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã đấu tranh, bắt giữ các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến đất đai với số tiền chiếm đoạt lên đến nhiều tỷ đồng/vụ án. Điều đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã từng cảnh báo, nhiều vụ án được đưa ra xét xử nghiêm minh nhưng vẫn không ít người dân “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

Sau khi thoả thuận, thống nhất giá mua bán, các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu người mua đặt cọc tiền từ 3 - 30 triệu đồng (tùy vào giá trị của xe máy, ô tô). Bọn chúng còn giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện xác minh, đề nghị nộp tiền để làm giấy tờ nhưng khi nhận được tiền chúng sẽ khoá máy, chặn liên lạc.

Nằm trong kế hoạch ra quân đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) Tết Nguyên đán Ất Tỵ - 2025, hơn một tuần qua, Công an huyện Tây Hòa, Công an huyện Phú Hòa và Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Phú Yên đã đánh sập 3 đường đánh bạc qua mạng Internet với tổng số tiền hơn 450 tỷ đồng.

Đây là thông tin đáng chú ý được lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết tại buổi họp báo thường kỳ quý 4/2024 của Bộ Tài chính. Theo đó, nhiều vấn đề nóng được lãnh đạo Bộ Tài chính giải đáp theo các câu hỏi của phóng viên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文