Tái diễn thủ đoạn giả danh Công an để lừa đảo
- Mất tiền tỷ khi "làm việc" qua điện thoại với kẻ giả danh Công an
- Lại xuất hiện trò gọi điện giả danh Công an để lừa đảo
- Giả danh Bệnh viện Trung ương Huế sản xuất, bán thuốc điều trị bệnh
Cụ thể là một số trường hợp sau:
Chị Chử Thị C, trú tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, hiện công tác tại một cơ sở y tế tại TP Hà Nội. Trong đơn, chị C cho biết vào trung tuần tháng 3/2020, chị nhận được một cuộc điện thoại gọi đến số máy bàn nhà riêng của chị. Người gọi tự xưng là nhân viên bưu điện, đòi chị C phải trả hơn 12 triệu đồng, là tiền "nợ thẻ tín dụng"...
Chị C rất bất ngờ về nội dung cuộc gọi trên, bởi chị không có thẻ tín dụng. Nhân viên bưu điện giải thích, nếu vậy, chị C đã bị lừa nên cần trình báo sự việc với Công an.
Chị C tưởng thật giữ máy để nhân viên bưu điện kết nối cuộc gọi tới một người tự xưng là Công an. Người tự xưng là "Công an" nói với chị C: "Có thể, nhóm đối tượng đang lừa chị liên quan đến một đường dây rửa tiền. Để chứng minh mình không liên quan, chị cần kê khai tài khoản ngân hàng, tất toán hết sổ tiết kiệm và gửi vào một tài khoản theo yêu cầu".
Chị C đã răm rắp làm theo yêu cầu của bọn chúng, rút toàn bộ số tiền 800 triệu đồng để gửi vào một tài khoản cá nhân, đăng ký tại một ngân hàng có chi nhánh tại quận 5, TP Hồ Chí Minh.
Sau khi chuyển tiền xong, chị C nhận được thông báo là "không có tội" và đáng ra sẽ được chuyển trả lại tiền như chúng đã cam kết. Nhưng khi liên lạc lại với kẻ tự xưng là "Công an" thì không liên lạc được và cũng không nhận lại được tiền. Chị C đã gọi điện đến ngân hàng mà đối tượng lừa đảo có đăng ký tài khoản thì được biết số tiền chuyển đến đã bị rút hết.
Chị Nguyễn Minh Y, trú tại quận Ba Đình, TP Hà Nội cho biết, chị nhận được một cuộc điện thoại, người gọi tự xưng là "Cảnh sát hình sự Đà Nẵng". Người này cho biết chị Y liên quan đến một đối tượng lừa đảo đang chiếm dụng hơn 3 tỷ đồng của ngân hàng.
Vị "cảnh sát" này thông báo đã có lệnh bắt tạm giam đối với chị Y. Để tránh rơi vào vòng lao lý thì phải chấp nhận để cơ quan "Công an" thanh tra tài khoản trực tuyến bằng cách chuyển tiền vào một tài khoản theo yêu cầu, chị Y đã làm theo, chuyển 380 triệu đồng.
Sau đó, đối tượng "cảnh sát" lại yêu cầu chị Y mở một tài khoản online mang tên chị để chuyển tiền 3 cuốn sổ tiết kiệm vào tài khoản đó, trị giá hơn 1,8 tỷ đồng. Ngày tiếp theo, chị tiếp tục chuyển 80 triệu đồng vào tài khoản này...
Ít ngày sau, đối tượng tự xưng "cảnh sát" thông báo đã thanh tra xong, có thể ra rút tiền về. Nhưng khi kiểm tra tài khoản, số tiền chỉ còn gần 700 nghìn đồng...
Những thủ đoạn nêu trên không mới, Báo CAND đã nhiều lần phản ánh về các trường hợp bị lừa đảo như trên; đồng thời có khuyến nghị với người dân là: Cơ quan Công an không bao giờ làm việc qua điện thoại; không bao giờ yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Nếu người dân có liên quan đến pháp luật sẽ được mời đến trực tiếp làm việc tại trụ sở cơ quan công an. Vì vậy, người dân không nên tin và nghe theo những kẻ mạo danh qua điện thoại hoặc mạng xã hội.