Các "ông chủ" đường dây làm giấy tờ giả luôn giấu mặt và dùng giấy tờ giả

11:02 27/08/2020
Sáng 27/8, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, cho biết, liên quan đến đường dây làm giả giấy tờ, con dấu, biển số xe quy mô lớn tại TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai vừa bị triệt phá, sau gần 2 ngày đấu tranh với các đối tượng, Công an đã bước đầu làm rõ thủ đoạn tinh vi của đường dây này.

Các đối tượng cùng tang vật

Đây là chuyên án quy mô được Cục Cảnh sát hình sự xác lập đấu tranh từ khoảng hơn 5 tháng nay.

 Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng 6 – Cục Cảnh sát hình sự phát hiện một đường dây làm giấy tờ giả có quy mô lớn tại TP Hồ Chí Minh, tiêu thụ toàn quốc. 

Thiếu tướng Trần Ngọc Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự đã chỉ đạo Ban chuyên án do Đại tá Lê Ngọc Phương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự làm Trưởng ban, nhanh chóng thu thập tài liệu chứng cứ và khám phá chuyên án.

Tang vật của vụ án.

Qua điều tra mở rộng vụ án đến nay, Cục Cảnh sát hình sự xác định, đường dây này do Nguyễn Trọng Dương (SN 1989, ngụ TP Biên Hòa) cầm đầu, hoạt động từ năm 2017 đến nay. Dương lôi kéo đồng bọn, đầu tư máy móc và thuê thêm người để hoạt động; nguồn cung cấp phôi Dương lấy từ Phạm Văn Phi. 

Sau thời gian hoạt động, đồng bọn của Dương là Trần Đức Toàn (SN 1990, ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thanh Phong (SN 1976, ngụ Vĩnh Long) tách ra làm riêng, mở rộng phạm vi hoạt động.

Thủ đoạn hoạt động của đường dây này rất tinh vi, kín kẽ. Xưởng sản xuất của Dương có nhiều loại máy móc hiện đại, cam kết làm mọi loại giấy tờ theo yêu cầu với độ giống gần như 100%. Dương không nhận đặt hàng trực tiếp mà thông qua nhiều đối tượng trên toàn quốc làm “đại lý”. 

Các đối tượng “đại lý” sẽ quảng bá thông tin trên mạng xã hội rồi “gom đơn” yêu cầu với số lượng nhất định và đặt hàng Dương làm, sau đó bán cho khách hàng với ăn chênh lệch. 

Các nhóm của Toàn và Phong nhận đặt hàng trực tiếp qua mạng, đối với những loại giấy tờ khó thì đặt Dương làm.

Theo một cán bộ tham gia phá án của Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, thời gian thu thập chứng cứ của chuyên án này kéo dài do các đối tượng rất cảnh giác. 

Các “ông chủ” như Dương, Toàn, Phong luôn “giấu mặt”, thường không bao giờ xuất hiện tại xưởng mà thuê các đối tượng quản lý. Các đối tượng quản lý đứng ra thuê nhân viên. Ngoài ra, chúng sử dụng giấy tờ nhân thân giả nên nhiều người làm thuê không biết tên thật của “ông chủ” mình.

Để giao hàng, băng nhóm này đặt các ứng dụng giao hàng, xe ôm công nghệ để giao trong nội thành TP Hồ Chí Minh, mỗi lần lại đặt lấy hàng ở một địa điểm khác nhau. Nếu khách ở xa, nhóm này cũng sẵn sàng đóng gói hàng hóa và “ship cod” qua đường bưu điện. Tinh vi hơn, để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường thuê địa điểm để sản xuất trong một thời gian rồi chuyển, tới mỗi nơi chúng nhanh chóng làm thân và mua chuộc những hộ xung quanh chỉ với một yêu cầu “có người lạ lảng vảng xung quanh thì báo ngay”. Chính những điều này gây rất nhiều khó khăn cho Ban chuyên án trong việc thu thập chứng cứ, nắm rõ hành tung của các đối tượng.

Cán bộ này cho biết thêm, đường dây của Dương đầu tư rất nhiều trang thiết bị, máy móc, có thể nói là hiện đại nhất từ trước đến nay trong các đường dây làm giả bị phát hiện. Mỗi máy làm một công đoạn, sau khi thành phẩm thì dùng máy soi hiển vi để kiểm tra chất lượng và phát hiện lỗi. Đi sâu vào thu thập chứng cứ, cán bộ này cho biết đường dây của Dương rất có uy tín trong lĩnh vực làm giả giấy tờ nên có lượng khách lớn sau thời gian dài hoạt động.

 Khi khám xét các xưởng sản xuất, Ban chuyên án cũng bất ngờ khi phát hiện đủ loại giấy tờ được làm giả như sổ đỏ, chứng minh nhân dân, thẻ nhà báo, giấy phép kinh doanh nhà thuốc, giấy đăng ký kết hôn,...đã thành phẩm và chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Đáng chú ý, số lượng hơn 1.000 con dấu treo, được phân thành từng tỉnh thành, từng bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương. Các đối tượng cũng thường xuyên cập nhật tin tức, lên mạng internet “săn tìm” chữ ký các cán bộ lãnh đạo để sao chép, từ đó làm giả các giấy tờ liên quan.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, chúng bán các giấy tờ có giá từ 300 đến 500 ngàn đồng. Đối với các giấy tờ như bằng cấp chứng chỉ, giấy tờ xe thì bán theo bộ, ví dụ như một bộ giấy tờ xe bao gồm: biển số, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe,…có giá khoảng 10 triệu đồng/bộ.

Cục Cảnh sát hình sự đánh giá, với thời gian và quy mô hoạt động của đường dây này, ước tính hàng chục ngàn giấy tờ giả đã được tiêu thụ, dẫn đến những hậu quả khôn lường cho xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan nhà nước. Bởi lẽ, nhiều đối tượng xấu mua bằng giả để hoạt động hợp pháp, khi họ không có chuyên môn như thực tế sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động trong đời sống xã hội.

Như Báo CAND đã đưa tin, chiều tối 25/8, Phòng 6 - Cục Cảnh sát hình sự phối hợp với Phân Viện khoa học hình sự tại TP Hồ Chí Minh, Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2 và các phòng nghiệp vụ liên quan đồng loạt khám xét 8 địa điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai; bắt quả tang các đối tượng trong đường dây chuyên làm giả giấy tờ, con dấu, biển số xe, bằng cấp các loại.

Tại căn nhà ở phường Phước Tân, TP Biên Hòa, Công an bắt quả tang hai đối tượng Dương và Đạt đang sản xuất nhiều loại giấy tờ giả. Công an thu giữ tại chỗ hàng nghìn tang vật gồm: bằng lái xe, biển số xe các loại; chứng minh nhân dân, thẻ căn cước; bằng đại học, bằng ngoại ngữ; giấy đăng kiểm, thẻ nhà báo...

Công an cũng thu giữ 50 loại máy móc các loại phục vụ cho việc làm giả như: máy in màu, máy dập biển số xe, máy sơn biển số, máy ép thủy lực ép biển số xe, máy dập con dấu chìm...,con dấu các loại và hàng nghìn phôi giấy tờ giả. Cùng thời điểm, các tổ công tác khác cũng ập vào các địa điểm còn lại, tổng cộng đã áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 18 đối tượng liên quan đưa về trụ sở Bộ Công an khu vực phía Nam để đấu tranh làm rõ.

Cùng thời điểm, tại một căn hộ giáp ranh huyện Bình Chánh và quận Bình Tân của TP Hồ Chí Minh, Công an cũng bắt giữ các đối tượng khác trong đường dây, thu giữ hàng trăm các loại giấy tờ, biển số xe giả chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Tổng cộng gần 20 đối tượng liên quan đã bị bắt giữ.

Đức Mừng

Bé gái 7 tuổi ở Yên Bái bị suy thận mạn giai đoạn cuối, nằm thoi thóp trên giường bệnh và chỉ có ghép thận mới cứu sống được cháu. Bà nội đã quyết định hiến thận cứu cháu gái.

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 do Tổng cục Thống kê tổ chức sáng 29/6,  bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế – xã hội quý II/2024 của nước ta đạt được kết quả tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn.

Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt vụ lừa đảo trên không gian mạng chiếm đoạt nhiều tỷ đồng xảy ra trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Đối tượng dùng nhiều độc chiêu khiến người dân sập bẫy, đến khi nạn nhân bị chúng chặn điện thoại, đẩy ra khỏi nhóm trò chuyện trên Zalo, Facebook và bị mất tiền trong tài khoản ngân hàng... thì mới biết mình bị lừa đảo.

Trong 4 tiếng đồng hồ cắm chốt làm nhiệm vụ, tổ công tác của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Hà Nội) đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm "kịch khung". Có trường hợp tài xế là công nhân xây dựng dính vi phạm sau khi "giải khát" cùng đồng nghiệp nhân công trình vừa đổ mái xong.

Kết quả giám định xác định cả tuyến Dự án Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi  dài 140 km, có tổng 550 điểm ổ gà, bong tróc hư hỏng được phát hiện, sửa chữa, vừa đưa vào sử dụng đã bị hằn lõm vệt bánh xe, gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỉ đồng. Bị tuyên buộc bồi thường 460 tỉ đồng, 5 nhà thầu thực hiện gói thi công kháng cáo, với lập luận và lý lẽ đổ lỗi vòng quanh, các nhà thầu đưa quan điểm nhằm thoái thác trách nhiệm bồi thường. Cơ quan tố tụng cho rằng Trách nhiệm thuộc về các nhà thầu.

Anh T.H.P. (SN 1982, ngụ xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu), kể lại: Vào ngày 12/6, có người điện thoại đến giới thiệu là Công an quận 12, TP Hồ Chí Minh, thông báo với P. cần cập nhật lại một số thông tin về CCCD vì bị sai. Đồng thời, đối tượng yêu cầu P. gọi điện đến số điện thoại 0971.597.407 gặp cán bộ Công an Quận 12 tên Tuấn để được hướng dẫn...

Ngày 28/6, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, sau 10 ngày ra quân rà soát, tuần tra và phối hợp giải quyết, xử lý các trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn, người sinh sống nơi công cộng không nơi cư trú ổn định và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã đưa 90 người vào trung tâm bảo trợ xã hội.

Sáng 28/6 (theo giờ Việt Nam), hai ứng cử viên tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 là ông Joe Biden của đảng Dân chủ và ông Donald Trump đến từ đảng Cộng hòa đã có những màn “đấu khẩu nảy lửa” trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên. Đây là cuộc tranh luận đầu tiên kể từ cuộc bầu cử năm 2000 giữa hai ứng cử viên này và được đánh giá là cuộc tranh luận tổng thống kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah gia tăng, các tàu tấn công và vận tải đổ bộ của hải quân Mỹ đang được điều động đến gần Israel và Lebanon, sẵn sàng cho các nhiệm vụ quan trọng khi xung đột lan rộng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文