Tiếp tục xảy ra phá rừng quy mô lớn ở Chà Và

09:08 09/09/2018
Trong khi dư luận chưa kịp lắng xuống sau nhiều vụ phá rừng xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thời gian gần đây thì hiện nay, cơ quan chức năng lại phát hiện thêm 1 vụ phá rừng quy mô lớn ở xã Chà Vàl, huyện miền núi Nam Giang…

Từ TP Tam Kỳ, chúng tôi vượt quãng đường dài hơn 120km lên huyện miền núi Nam Giang. Đến thôn Tà Ul, xã Chà Vàl, từ QL14D rẽ trái men theo con đường mòn dẫn sâu vào rừng do xe cơ giới mở ra, đi chừng 1km, trước mắt chúng tôi là hiện trường vụ phá rừng xảy ra ở tiểu khu 341, xã Chà Vàl. 

Những khúc gỗ tròn, dài có đường kính gần 1m nằm ngổn ngang mà những kẻ tàn sát rừng chưa kịp đưa đi tiêu thụ; nhựa trên những gốc cây ứa ra, cho thấy, những cây gỗ này mới bị chặt hạ chỉ trong vài hôm trở lại đây. 

Tại hiện trường còn có cả chiếc xe tải (xe Reo) mà các đối tượng dùng để vận chuyển gỗ. Theo thông tin chúng tôi có được thì đến thời điểm này, cơ quan chức năng xác định có khoảng 50 cây gỗ rừng tự nhiên đã bị đốn hạ, với khối lượng gỗ lên đến hàng trăm mét khối. 

Một góc hiện trường vụ phá rừng tại Tiểu khu 341, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam.

Sau khi nắm được tin báo về vụ phá rừng quy mô lớn này, Công an tỉnh Quảng Nam đã khẩn trương chỉ đạo các lực lượng có mặt tại hiện trường để phối hợp với lực lượng Kiểm lâm kiểm đếm, xác minh chủng loại gỗ và điều tra xử lý vi phạm…

Trao đổi với chúng tôi, ông Hiên Dơnh, Bí thư Đảng ủy xã Chà Vàl, cho biết rằng, ông cũng mới nhận được thông tin về vụ phá rừng và hiện lực lượng Công an tỉnh Quảng Nam vẫn đang điều tra, làm rõ. 

Theo ông Dơnh thì vụ phá rừng xảy ra trên đất đã cấp “bìa đỏ” cho một vị Phó Chủ tịch HĐND xã Chà Vàl. Một doanh nghiệp hợp đồng với vị lãnh đạo này để thu mua cây gỗ vườn được phép khai thác, nhưng thực tế đã khai thác gỗ tự nhiên rồi vận chuyển về điểm tập kết tại xã Tà Pơ, huyện Nam Giang…

Để tìm hiểu rõ hơn về vụ phá rừng ở tiểu khu 341, xã Chà Vàl, sáng 7-9, chúng tôi tìm đến Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, liên hệ công tác. Và mặc dù là trong giờ làm việc, song lãnh đạo Ban không có ở cơ quan. 

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung, trả lời, ông đang đi họp lớp dưới đồng bằng. Về vụ phá rừng, ông Phước khẳng định số cây rừng bị đốn hạ nằm trên đất do địa phương quản lý và đã cấp “bìa đỏ” cho người dân, chứ không nằm trên đất lâm nghiệp do đơn vị ông quản lý. Tuy vậy, ông vẫn cử cán bộ đơn vị tham gia đoàn điều tra, xác minh của Công an tỉnh Quảng Nam. 

Ông Phước cho rằng, Kiểm lâm địa bàn xã Chà Vàl đã tham mưu cho Chủ tịch UBND xã này ký giấy cho doanh nghiệp khai thác một số loại gỗ như gạo, mít nài, xoài… Tuy nhiên, thực tế Kiểm lâm nhận định loại gỗ đã bị đốn hạ không nằm trong danh sách gỗ xin khai thác và hiện cơ quan chức năng đang kiểm định loại gỗ để phục vụ công tác điều tra. 

Trước câu hỏi sau khi đốn hạ cây rừng, các đối tượng vận chuyển gỗ về điểm tập kết tại xã Tà Pơ, vì sao Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung không phát hiện, xử lý vì từ điểm khai thác đến điểm tập kết chỉ có một độc đạo là tuyến QL14D?

Ông Phước phân trần, hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Bung không có trạm chốt chặn để phát hiện xử lý hành vi vận chuyển gỗ lậu. Trên tuyến QL14D đoạn từ Chà Vàl về xã Tà Pơ giờ chỉ có Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khe Vinh thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Thanh. 

Ông Phước khẳng định, do Kiểm lâm địa bàn và xã, thôn đã “hợp thức hóa giấy tờ” nên mới dẫn đến việc doanh nghiệp ngang nhiên triệt hạ hàng chục cây gỗ rừng tự nhiên(?!)…

Thời gian qua, huyện Nam Giang là một trong số địa bàn “nóng” về khai thác gỗ lậu của tỉnh Quảng Nam. Nhiều vụ phá rừng quy mô lớn đã bị phát hiện, xử lý, trong đó có vụ phá rừng xảy ra tại tiểu khu 335 thuộc rừng phòng hộ Nam Sông Bung với khối lượng gỗ bị đốn hạ lên đến 235m3. Nhiều cán bộ xã Chà Vàl và cán bộ quản lý rừng, cán bộ Kiểm lâm đã bị xử lý kỷ luật vì để xảy ra các vụ phá rừng, song tình trạng phá rừng ở địa phương này chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”…

NGỌC THI

Ngày 15/7, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên tòa xét xử 87 bị cáo liên quan đến sai phạm tại Công ty CP đầu tư kinh doanh Lộc Phúc có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Các bị cáo đã lập dự án bất động sản (BĐS) “ma” lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều khách hàng. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài trong 20 ngày…

Chiều 15/7, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng là quản lý và nhân viên Phòng khám Đa khoa Quốc tế Đà Nẵng về hành vi “Lừa dối khách hàng”, quy định tại khoản 2 Điều 198 BLHS. Trong số đó, Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam đối với 4 bị can; ra lệnh cấm đi khởi nơi cư trú 3 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ sai phạm của phòng khám.

Liên quan đến vụ tai nạn giao thông xảy ra vào hồi 16h46', ngày 13/7 tại Km 32+100, Quốc lộ 46A, thuộc khối Ba Hà, xã Vạn An, tỉnh Nghệ An, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ hình sự để phục vụ công tác điều tra đối với Trần Hữu Ba (SN 1988), trú tại xã Vạn An, tỉnh Nghệ An.

Phạm Đình Tuấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội (nay là xã Chương Mỹ) đã chỉ đạo anh trai và nhân viên mua cồn công nghiệp 99% (có hàm lượng Methanol cao) để pha chế, sản xuất thành phẩm cồn y tế, sau đó dán nhãn mác giả và phân phối ra thị trường, tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Sáng 15/7, tại Hà Nội, Cục Đào tạo đã tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Thượng tướng, PGS.TS Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.