Tín dụng đen núp bóng “cửa hàng cầm đồ”

11:07 13/09/2017
Lợi dụng các hình thức kinh doanh hợp pháp để che giấu hoạt động phạm tội như thành lập công ty đòi nợ thuê, công ty thu nợ, kinh doanh cầm đồ, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen đã tiến hành các hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Khi dư luận còn chưa hết bàng hoàng sau vụ siết nợ bằng thủ đoạn đe dọa chặt chân ở Hà Nội, liên quan đến một nhóm đối tượng cầm đồ thì vụ án mạng kinh hoàng xảy ra tại Vĩnh Phúc, nguyên nhân bắt nguồn từ việc vay nặng lãi hay còn gọi là tín dụng đen xảy ra giữa hai nhóm cầm đồ thêm một lần nữa khiến dư luận hoang mang. 

Lợi dụng các hình thức kinh doanh hợp pháp để che giấu hoạt động phạm tội như thành lập công ty đòi nợ thuê, công ty thu nợ, kinh doanh cầm đồ, các băng nhóm tội phạm có tổ chức, hoạt động theo kiểu xã hội đen đã tiến hành các hoạt động cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.    

Bài 1: Con vay tiền, bố mẹ bị uy hiếp đòi nợ

Đó là tình cảnh “dở khóc, dở cười” của không ít bậc sinh thành khi các cô chiêu, cậu ấm trở thành “con nợ” của các chủ hiệu cầm đồ tín dụng đen. Thủ tục vay tiền đơn giản, gọn nhẹ, cần là có ngay khiến không ít nạn nhân trong lúc cần tiền dễ dàng đặt bút ký mà không nghĩ đến hậu quả. 

Các trường hợp này phần lớn liên quan đến cờ bạc, cá độ hoặc các tệ nạn xã hội khác, ngoài số thanh niên choai choai thời gian gần đây còn có một số công chức Nhà nước... 

Khi “lãi mẹ đẻ lãi con” mất khả năng thanh toán, họ và người thân bị các chủ nợ đe dọa, khủng bố về tinh thần, thậm chí bị truy sát, thiệt hại tính mạng. Trong các vụ án này một phần cũng có lỗi từ các nạn nhân, khi họ tự đặt mình cùng người thân vào các tình huống xấu trên.

Lãi mẹ đẻ lãi con

Hơn nửa năm trôi qua nhưng mỗi khi nhớ lại sự việc đã xảy ra, Ngô Văn Thao (21 tuổi, ở Đội 6, xã Liên Phương, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) và những người thân vẫn chưa hết bàng hoàng. Một tiếng động mạnh cũng khiến họ giật mình thảng thốt còn với Thao sự việc này có lẽ sẽ là bài học để đời cho anh ta. 

Theo lời kể của Thao, ngày 23-10-2016 vì cần chi tiêu cá nhân, Thao vay của cửa hiệu cầm đồ Xuân Hiệu 10 triệu đồng, theo thỏa thuận trong 15 ngày phải trả cho hiệu cầm đồ hơn 1 triệu đồng tiền lãi... 

Từ thời điểm đó đến gần một năm sau, Thao cũng không có ý thức trả nợ, trong khi khoản vay thì lãi mẹ đẻ lãi con, ngày một sinh sôi nảy nở. Các đối tượng trong nhóm cầm đồ đã nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin cho Thao đe dọa đòi tiền nhưng Thao chẳng thể xoay xở được nên đành phải trốn chui, trốn lủi. 

Sự việc lên đến đỉnh điểm vào ngày 16-2. Khoảng 12 h cùng ngày khi Thao đang ở tại phòng trọ của bạn gái là Phạm Thị Hà ở TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên thì 3 đối tượng đến. Nghe tiếng gõ cửa, Thao biết bị nhóm của Hiệu đòi nợ nên hồn bay phách lạc, anh ta cùng bạn gái đóng chặt cửa ngồi im trong nhà. 

Thế nhưng, các đối tượng không buông tha. Chúng liều lĩnh đạp cửa phòng, ép Thao về cửa hiệu cầm đồ Xuân Hiệu. Thao không đồng ý thì các đối tượng dùng vũ lực đánh, ép phải về cửa hiệu ở Đội 15, xã Liên Phương, TP Hưng Yên. Tại đây, nhóm đối tượng đánh đập, ép Thao phải trả số tiền đã nợ hoặc gọi điện thoại cho người nhà mang tiền đến trả.

Trong tình huống đó, Thao buộc phải gọi điện cho người chú ruột là Nguyễn Văn Kiên (41 tuổi, trú tại TP Hưng Yên) kể lại sự việc. Sau đó, bố mẹ của Thao cũng tới hiệu cầm đồ song cũng đành lực bất tòng tâm... Sự việc chỉ dừng lại khi người chú ruột do lo sợ Thao bị đánh, buộc phải nộp khoản tiền như yêu cầu của các đối tượng.

Các đối tượng trong băng nhóm cầm đồ được thuê để đòi nợ bị Công an TP Hà Nội phát hiện và bắt giữ.

Không chỉ trực tiếp cho vay, uy hiếp đòi nợ, một số chủ hiệu cầm đồ còn là những kẻ đi đòi nợ thuê với thủ đoạn cực kỳ tinh vi. Sự việc xảy ra tại quận Long Biên (Hà Nội) là một minh chứng cho thấy bộ mặt thật đằng sau những tấm biển cơ sở kinh doanh có điều kiện. 

Nhớ lại sự việc xảy ra, chị Tăng Thị C (29 tuổi, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) vẫn ám ảnh không nguôi. 6 năm trước do cần tiền làm ăn, C vay của Nguyễn Thị Duyên (32 tuổi, trú tại phường Duyên Hải, TP Lào Cai, Lào Cai) một khoản tiền không nhỏ với lãi suất từ 1.000 – 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Đến ngày 23-11-2015, C tiếp tục vay của Duyên 300 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày. 

Vẫn biết khoản vay lãi là cắt cổ nhưng do cần vốn làm ăn và việc tiếp cận khoản vốn ngân hàng không dễ dàng nên chị tặc lưỡi đồng ý... Nhưng rồi mọi sự không đúng với tính toán của C, việc làm ăn không thuận buồm xuôi gió, C không còn khả năng trả nợ Duyên, chị ta cứ khất từ lần này đến lần khác. 

Về phần Duyên, sau nhiều lần đòi nợ C không thành, chị ta yêu cầu bố mẹ C phải trả nợ thay cho con gái... Bố mẹ C cũng bị các đối tượng liên tiếp đe dọa, bắt phải trả tiền. Ngoài chửi bới, đe dọa dùng luật rừng, các đối tượng còn uy hiếp sẽ dùng súng bắn....

Với một bản hợp đồng ủy quyền, Nguyễn Thị Duyên đã thuê Lê Trung Kiên, một chủ cửa hàng cầm đồ ở TP Lào Cai đứng ra đòi nợ thay... Vụ việc rất may đã được cơ quan Công an ngăn chặn, phát hiện kịp thời nên không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.  

Chân dung của những kẻ đội lốt cầm đồ

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Đoàn Minh Thắng, Đội phó Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai cho biết: Đối tượng vay nợ hiện nay có đủ loại thành phần, ngoài số thanh niên choai choai mới lớn, không có công ăn việc làm dính vào các tệ nạn xã hội như cá độ bóng đá, lô đề và các tệ nạn xã hội khác, đáng chú ý còn có một số công chức Nhà nước...

Vì sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự; sợ mất việc rồi bị các đối tượng trả thù, nhiều người âm thầm trả nợ với mức lãi cao ngất. Chính vì thế, họ rơi vào cái bẫy của những kẻ cho vay nặng lãi đội lốt dưới nhiều vỏ bọc, trong đó có cầm đồ. Khi đã rơi vào cái bẫy này, con nợ chẳng có đường nào thoát thân...

Thủ đoạn của các đối tượng này ban đầu thường cho các nạn nhân vay tiền một cách dễ dàng. “Con nợ” chỉ cần có chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu photocopy... đã có thể vay được tiền. Trong tình cảnh đang cần tiền thì đây là một thuận lợi cho những người vay... nhưng họ không biết rằng đã tự mình đặt chân vào cái bẫy do các đối tượng cầm đồ gây ra. Trên thực tế, chúng đã âm thầm tìm hiểu về gia cảnh của các trường hợp này để đánh giá về khả năng trả nợ.

Một thủ đoạn các chủ hiệu cầm đồ hiện nay thường sử dụng là chúng cho các con nợ mượn xe ôtô hoặc tài sản khác đi cầm cố. Người bị hại sau đó lại mang tài sản này đến chính hiệu cầm đồ của bọn chúng. Với 10 triệu đồng, người bị hại chỉ có thể lấy được khoảng 7 triệu đồng. Số tiền còn lại, chúng cắt ngay tiền lãi. 

Trong trường hợp con nợ không có tài sản thế chấp, chúng cho họ vay tiền dưới dạng xin việc. Với thủ đoạn này, các đối tượng dễ dàng ràng buộc nạn nhân vào việc nếu không trả tiền sẽ bị quy kết việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Các trường hợp có tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc nhà cửa, chúng yêu cầu người bị hại phải làm thủ tục mua bán, chuyển nhượng tài sản sang tên. Trong trường hợp nạn nhân không thể thanh toán thì tài sản thế chấp không còn khả năng lấy lại...

Xuân Mai

Cuối năm là thời điểm nhu cầu tuyển dụng việc làm tăng cao, cùng với đó nhu cầu tìm việc làm cũng tăng, nhất là đối với những lao động muốn tìm kiếm việc làm thời vụ để có thêm tiền trang trải dịp Tết. Nắm bắt được tâm lý của người lao động, các đối tượng lừa đảo đã dùng nhiều hình thức tinh vi để lôi kéo, dụ dỗ.

Tính từ đầu năm đến nay, nhờ xử lý quyết liệt, tình hình trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự xã hội trên địa bàn Hà Tĩnh cơ bản được giữ vững ổn định, hoạt động giao thông thông suốt. Không xảy ra ùn tắc, đua xe trái phép, gây mất trật tự công cộng. Thế nhưng, Trưởng phòng CSGT Hà Tĩnh bày tỏ: “Xử lý vi phạm nhiều mà tai nạn vẫn diễn biến phức tạp, chúng tôi còn trăn trở lắm”.

Mặc dù việc vỡ hụi diễn ra ở nhiều nơi đã được cơ quan Công an và báo đài đăng tải thông tin cảnh báo, nhưng không ít người vẫn mất cảnh giác, đặt lòng tin quá mức vào chủ hụi, khiến không ít người rơi vào tình cảnh khó khăn, mất tiền.

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文