Tội phạm ngân hàng: Liều và... ngố
>> Túi tiền tỉ móc dưới yên xe(!?)
Có thể nhìn nhận hai dạng cướp tiền liên quan ngân hàng: đột nhập, cướp tiền ngay tại quầy giao dịch ngân hàng và cướp tiền của khách sau khi rút tiền từ ngân hàng trở về. Trong trường hợp thứ hai, hành vi, thủ đoạn gây án không có gì đặc biệt, đối tượng đi xe máy áp sát, cướp giật túi xách rồi tẩu thoát.
Xét về mặt hành vi, việc thủ phạm tấn công, chiếm đoạt tiền của khách hàng ngay tại vị trí (sảnh, sân, đường phía trước) của trụ sở ngân hàng cho thấy tính chất nguy hiểm, táo bạo của nhóm tội phạm này.
Khác với các tiệm vàng, trụ sở ngân hàng thường được xây dựng với quy mô lớn, hệ thống bảo vệ (phương tiện, lực lượng) chặt chẽ, nhân viên và lượng người giao dịch thường xuyên và vị trí đặt trụ sở cũng gần các trục giao thông, đi lại thuận tiện. Điều này khác biệt với tính chất vụ việc liên quan cướp tiệm vàng khi phần lớn các tiệm vàng thuộc tư nhân, hệ thống bảo vệ, vị trí, quy mô cũng muôn vẻ và chỉ thuần tuý kinh doanh. Vì vậy, việc thủ phạm trắng trợn tấn công, cướp tiền của khách ngay tại trụ sở ngân hàng - nơi được bảo vệ chặt chẽ là hành vi "không giống ai" và cũng thể hiện hai góc độ đặc trưng: táo tợn và... ngớ ngẩn!
Những kẻ tham lam có "lá gan chuột nhắt" thường chỉ "ăn bẩn" ở nơi kín kẽ, nhưng kẻ táo tợn, côn đồ ngang nhiên gây án giữa thanh thiên bạch nhật, tại nơi được bảo vệ khắt khe như vậy, tất yếu chỉ rơi vào hai loại nói trên. Loại thứ nhất, một số đối tượng gây án cướp tiền trước trụ sở ngân hàng vừa qua cho thấy sự hung hãn, hết sức nguy hiểm.
Thường các đối tượng có sự chuẩn bị trong phương thức gây án: kẻ theo dõi, quan sát, kẻ tấn công. Gây án giữa nơi đông người, chúng sử dụng thủ đoạn bịt mặt, tấn công theo toán, dùng súng uy hiếp những người có mặt, nhất là nhân viên bảo vệ. Với sự tính toán kế hoạch từ trước, toán cướp xuất hiện bất ngờ và hành vi gây án, tẩu thoát diễn ra rất nhanh.
Vụ cướp tiền của khách hàng ngay trước cửa phòng giao dịch An Dương Vương, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, toán cướp tấn công ngay khi khách hàng và nhân viên bảo vệ đều đang có mặt tại xe chuyển tiền. Đây là vụ cướp hết sức táo tợn, thủ phạm "qua mặt" lực lượng bảo vệ dù đã được trang bị vũ khí và có phương án phòng ngừa.
Số tiền được nhân viên giao dịch di chuyển từ chi nhánh 505, đường Nguyễn Trãi về Phòng Giao dịch 295 An Dương Vương, khoảng cách chỉ vài km. Tổng số tiền 2,5 tỷ đồng được gói trong túi vải, cho vào thùng kim loại có kích thước 40 cm x 60 cm.
Khách hàng cũng không hề sơ hở khi đã nhờ nhân viên bảo vệ ngân hàng vận chuyển lên ôtô (xe chuyên dụng chở tiền của ngân hàng) để đưa về, đi cùng còn có nhân viên bảo vệ áp tải. Khi chuyển tiền từ xe chuyên dụng để đưa vào Chi nhánh An Dương Vương cũng đều có mặt nhân viên bảo vệ, số tiền vẫn để trong thùng kín.
Như vậy, xét quy trình nhận, chuyển tiền như trên, cả khách hàng và phía ngân hàng không có lỗi, nhân viên bảo vệ cũng không sơ hở. Thế nhưng thủ phạm đã bất ngờ xuất hiện từ phía sau, đeo mặt nạ và sử dụng súng uy hiếp (các viên đạn lép, súng không thể nổ nên đối tượng bỏ chạy).
Điều đặt ra từ vụ cướp bất thành là đối tượng gây án đã có sự chuẩn bị sẵn về vũ khí, địa điểm, phương thức gây án, chúng đã quan sát, nắm rõ quy luật hoạt động và theo dõi kỹ diễn biến, tính toán, lựa chọn thời điểm ra tay. Khi viên đạn bị lép, không nổ, hắn cũng đã tính cả nước rút rất nhanh.
Quy định tại trụ sở rất nhiều điều, khoản nhưng không có cảnh báo khách hàng việc bảo vệ tiền sau khi giao dịch.
Một số vụ án diễn ra ngay trước sảnh, cửa ngân hàng. Nhưng cũng có vụ đối tượng đột nhập vào phía trong trụ sở, định ra tay cuỗm két sắt ngân hàng. Nếu nghe qua, nhiều người cho rằng hành vi cướp là táo tợn nhưng kỳ thực, hành động xông vào ngân hàng hòng... cạy két sắt cho thấy kẻ liều lĩnh, tham lam trước tiền nhà băng có trí tuệ ngớ ngẩn! Cạy két sắt ngân hàng để ẵm tiền là điều không thể.
Vụ "đầu trộm, đuôi cướp" xảy ra ở Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Chi nhánh Châu Đốc (An Giang) hơn một năm trước cho thấy kẻ phạm tội tham lam lại hành động lố bịch. Chung Hữu Khoa ban đầu thực hiện hành vi trộm cắp khi đeo mặt nạ đen, mặc cả "cây" đen, mang theo búa tạ, cạy cửa đột nhập vào Chi nhánh Ngân hàng ở Châu Đốc lúc 2h sáng.
Tuy nhiên, khi nhân viên bảo vệ Lê Viết Luận phát hiện, thủ phạm đã dùng dao nhọn tấn công, sau dùng búa tạ đập phá két sắt nhưng không thành công vì tất cả két sắt đều không thể cạy phá bằng búa tạ hay bất kỳ vật dụng nào hắn có.
Vụ việc bị phát giác, Chung Hữu Khoa thoát thân từ nóc nhà nhưng không thoát. Khi gây án, Khoa mới 18 tuổi. Hành vi đột nhập ngân hàng, mang búa tạ cạy phá là táo tợn. Nhưng kẻ phạm tội lộ rõ sự ngớ ngẩn khi đi trộm, cướp tiền như... đi bổ củi!
Trong vụ việc này, Chi nhánh ngân hàng cũng có thêm bài học về công tác bảo vệ khi hệ thống cửa tỏ ra sơ sài, để kẻ gian đột nhập bằng phương thức đơn giản. Lực lượng bảo vệ cũng quá mỏng, chỉ có 1 người ngủ lại.
Một số vụ thủ phạm xông vào sảnh ngân hàng, cướp, cướp giật tiền của khách hàng khi đến gửi hoặc rút cũng cho thấy tính khôi hài của hành vi.
Vụ tên Phạm Ngọc Hiệp giữa ban ngày cướp giật túi tiền của chị Nguyễn Thị Cúc ngay tại sảnh Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội) dù táo tợn nhưng cho thấy Hiệp như kẻ cướp trứng gà nhà quê ra phố.
Khác với đối tượng đeo mặt nạ đột nhập, Hiệp vào vai khách hàng, quan sát rồi bất ngờ giật túi. Vũ khí mang theo là con dao nhọn, chỉ có kẻ ngố mới dám làm liều bởi bất kỳ ai quan sát vị trí ngân hàng cũng đều biết rằng, mọi hành vi gây án sẽ không thể thoát trước hàng rào kiểm soát, bảo vệ, lại ngay sát phố nườm nượp người.
Trớ trêu không kém là vụ tên Lê Hữu Phước gây án ngay tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh). Khẩu súng Phước gây án là súng... nhựa, kẻ liều và ngố cũng bịt mặt, hăm dọa "bắt chết" khi cướp túi tiền trên tay chị Thuý. Hành động của hắn không qua mặt nhân viên vệ sĩ, việc thủ phạm bị tước súng giả ngay trên tay là điều hiển nhiên.
Ngoài những vụ đối tượng gây án ngay tại trụ sở ngân hàng, phần lớn các vụ cướp tiền, đối tượng thường lợi dụng sự sơ hở của khách hàng sau khi nhận tiền như mang túi, treo túi trước xe máy.
Các vụ cướp giật túi tiền, những kẻ gây án đều cùng thủ đoạn: Hai tên đi trên xe máy, theo dõi và áp sát, tên ngồi sau giật túi, tên cầm lái phóng bạt mạng bỏ chạy (vụ Nguyễn Trung Kiên gây án bị Phòng PC 14, Công an Hà Nội bắt ngày 21/2, Kiên gây ra ít nhất 3 vụ cướp giật tiền trên đường phố).
Thủ đoạn này cũng tương tự các vụ cướp giật thông thường khác của các ổ, nhóm gây án trên đường phố.
Tại Hà Nội, Phòng CP 14 là đơn vị chịu trách nhiệm thường xuyên hướng dẫn Công an các quận, huyện, phường, xã và lực lượng nghiệp vụ khác việc bảo vệ, phòng chống tội phạm cướp, cướp giật. Cơ quan này cũng hướng dẫn, kiểm tra việc mua bán, nhận, gửi tiền, ngoại tệ tại các ngân hàng, quỹ tiết kiệm.
Với nỗ lực của các lực lượng, những năm qua đã điều tra, khám phá hàng loạt vụ cướp, cướp giật liên quan hoạt động chuyển tiền từ ngân hàng của khách hàng, nhiều vụ đối tượng bị bắt ngay tại nơi gây án