Triệt phá đường dây lừa hơn 100 cô gái bán vào động mại dâm trá hình

09:53 18/05/2019
Ngày 17-5, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 5 đối tượng trong đường dây lừa các thiếu nữ bán vào các động mại dâm núp bóng quan cà phê, karaoke, massage kích dục. Từ cuối năm 2018 đến nay có hơn 100 cô gái bị lừa bán với giá từ 3-10 triệu đồng/người.


Ngày 6-5, bà P (ngụ quận 7, TP Hồ Chí Minh) đến Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), Công an TP Hồ Chí Minh trình báo, con bà là Th (SN 1995) bị chủ tiệm massage Trường Phát (số 23/4C, Nguyễn Ảnh Thủ, Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) bắt giữ trái pháp luật để yêu cầu bà đưa 8 triệu đồng chuộc con về. Ban Chỉ huy Phòng CSHS giao nhiệm vụ cho Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm (Đội 3) điều tra xác minh vụ việc. 

Trong khi cơ quan điều tra đang vào cuộc thì chủ quán, quản lý tiệm massage hối thúc bà P mang tiền chuộc con vì Th không chịu massage kích dục cho khách. Lo sợ con mình bị làm hại, một ngày sau, bà P mang 8 triệu đồng đến cơ sở massage để chuộc con. 

Khi quản lý của quán là Mai Ngọc Lượng (SN 1995; quê quán Thừa Thiên Huế) vừa nhận 8 triệu đồng từ tay bà P thì bị các trinh sát Đội 3 bắt quả tang. Lúc này chủ tiệm massage là Trịnh Đức Hùng (SN 1978; quê quán Ninh Bình) cũng có mặt tại đây nên cả hai cùng 7 nhân viên (trong đó có nạn nhân Th) được mời về trụ sở Công an làm việc. Hùng và Lượng thừa nhận đã mua em Th 8 triệu đồng từ các đối tượng môi giới có tên là Nam, Huy, Hoàng, Long…

5 đối tượng bị bắt tạm giam.

Từ sự chỉ đạo của Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng CSHS, lực lượng phối hợp gồm Đội 3, Đội 8, Đội 9 tiến hành mời các đối tượng Trung, Chiến, Oanh và Tú đến làm việc. 

Trung, Chiến, Oanh khai làm theo chỉ đạo của các đối tượng khác với nhiệm vụ tạo tài khoản facebook, zalo hoặc đăng thông tin trên các trang mạng để tuyển nhân viên làm việc cho các nhà hàng, karaoke, massage với mức lương khá cáo. Khi các cô gái liên hệ qua điện thoại thì các đối tượng này sẽ giới thiệu gặp đối tượng tên Nam (tên thật là Đỗ Văn Tuấn, SN 1992, quê quán Thanh Hóa) ở một địa điểm nằm trên đường Hoàng Kế Viêm, phường 12, Tân Bình. Tuấn bị bắt ngay sau đó và đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Tuấn khai, khi gặp các nạn nhân, y “nổ” làm lương mỗi tháng từ 10-50 triệu đồng nhưng công việc hết sức nhẹ nhàng nên nhiều cô gái đã dễ dàng gật đầu đồng ý. “Cá cắn câu”, Tuấn cùng Phan Phước Thiện (SN 1994; quê Quảng Nam) và Nguyễn Huy Hoàng (SN 1998; ngụ TP. Hồ Chí Minh) chụp ảnh các cô gái cùng thông tin về chiều cao, cân nặng rồi gửi qua zalo cho các chủ cơ sở hoạt động mại dâm, kích dục trá hình. 

Sau khi “chốt” giá bán, các đối tượng thuê xe Grab của Tú (đỗ trước quán cà phê đối diện nơi ở của Đỗ Văn Tuấn) chở các cô gái đến điểm hẹn. Sau khi bán cho chủ cơ sở thì các nạn nhân bị thu giữ giấy tờ và làm một giấy mượn nợ bằng với số tiền mà chủ cơ sở bỏ ra mua.

Biết Tuấn bị bắt, Thiện và Hoàng trốn về tỉnh Bình Định. Các tổ công tác lên đường đến Bình Định để phối hợp truy bắt nhưng Thiện và Hoàng đã nhanh chân rời khỏi địa bàn này. Ngày 13-5-2019, một nguồn tin cho hay hai đối tượng đã trốn ra Hà Nội, tổ công tác tiếp tục phối hợp cùng Công an Hà Nội bắt giữ Thiện và Hoàng tại phường Trung Liệt, quận Thanh Xuân. Hai đối tượng nhanh chóng được di lý về TP Hồ Chí Minh để phục vụ công tác điều tra.

Ba đối tượng chủ chốt trong đường dây này tiếp tục khai ra hàng loạt các đối tượng giúp sức khác vốn là anh em ruột, bà con gần với chúng. Về số lượng nạn nhân bị lừa, các đối tượng không nhớ hết nhưng áng chừng khoảng trên dưới 100 phụ nữ. Gần đây nhất chúng đã lừa gần 20 cô gái để bán cho 6 cơ sở hoạt động tệ nạn. 

Tiến hành kiểm tra các điểm kinh doanh này, Phòng CSHS Công an TP Hồ Chí Minh đã giải thoát cho 13 người bị bán vào đây. Hầu hết các cô gái có quê quán ở các tỉnh miền Trung và miền Tây Nam Bộ, có hoàn cảnh gia đình khó khăn muốn đi làm để phụ giúp ba mẹ nhưng bị sập bẫy bọn bất lương. 

“Chủ quán cho bảo vệ nam canh giữ chúng em như ở tù. Ăn uống khắc khổ nhưng có ngày tụi em phải tiếp khách (bán dâm) đến 18 lần nên cuộc sống như địa ngục. Những lúc bệnh hoạn hoặc không tiếp khách nổi thì chủ quán đánh đập, dùng dao đe dọa, chích roi điện. Dù không chịu đựng được nhưng do không có điều kiện để cầu cứu vì chủ quán không cho sử dụng điện thoại, không cho đi ra ngoài…nên tụi em đành chấp nhận chờ ngày trả xong nợ để về nhà”-Em L, quê Long An kể lại.

Cũng theo các nạn nhân, theo thỏa thuận, nếu các cô trả lại đủ tiền mà chủ quán bỏ ra mua thì có thể rời đi. Tuy nhiên, chủ các cơ sở luôn đề ra quy định hà khắc để phạt tiền các nhân viên nên nhiều cô “làm quần quật” suốt 4 tháng ròng (cho đến lúc được giải thoát) vẫn chưa trả được đồng nào vì bị phạt gần hết thu nhập. “ Em rất biết ơn các anh, các chú Công an đã giải thoát cho mình, chứ nếu không thì chẳng biết đến bao giờ mới thoát khỏi “động quỷ” đó”- Em Tr, 20 tuổi, quê ở Kiên Giang nghẹn ngào.

Ngoài ra, một số cô gái khi được đưa đến nơi làm việc nhưng không chấp nhận làm còn bị một số đối tượng khống chế cướp tài sản rồi đẩy xuống xe. “Cho nên, để tránh những cạm bẫy này, lao động khi xin việc làm cần liên hệ trực tiếp đến các công ty có tuyển dụng hoặc đến các trung tâm giải quyết việc làm có uy tính. Tuyệt đối không nghe theo lời “cò”, nhất là các đối tượng môi giới trên mạng”-Trung tá Mai Thống Nhất, Đội trưởng Đội 3 đưa ra khuyến cáo. 

Cũng theo Trung tá Nhất, có tất cả 47 người liên quan đến đường dây này bị cơ quan điều tra bắt giữ và mời làm việc. Sau khi củng cố hồ sơ, có 5 đối tượng bị bắt tạm giam về hành vi “bắt giữ người trái pháp luật” và “cưỡng đoạt tài sản”, gồm: Trịnh Đức Hùng, Mai Ngọc Lượng, Đỗ Văn Tuấn, Phan Phước Thiện và Nguyễn Huy Hoàng. Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng và truy bắt tiếp các đối tượng có liên quan.

Mã Hải

Từ kết luận của Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho thấy, nhiều đơn vị được giao quản lý tài sản công ở khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh xem tài sản nhà nước như của riêng mình. Tự tiện cho thuê khi chưa có đề án và cũng tự tiện sử dụng tiền cho thuê tài sản như thể của riêng đơn vị mình...

Bệnh sởi đã có vaccine phòng ngừa và mấy năm qua chỉ rải rác người mắc. Nhưng năm 2024, bệnh sởi bùng phát ở nhiều địa phương trên cả nước, chuyển hướng mắc nhiều ở nhóm trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng và người lớn. Nhiều người lớn chủ quan không nghĩ mình mắc sởi, đến khi nặng mới nhập viện. 

Qua 5 năm thực hiện Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ về phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan "tín dụng đen", với sự quan tâm, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đấu tranh, xử lý quyết liệt của các cơ quan chức năng, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã có những chuyển biến rõ rệt so với trước khi ban hành chỉ thị.

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文