Vẫn bài lừa "du học thu nhập cao"

10:06 29/11/2008
Tin vào những viễn cảnh đi du học nhưng lại có việc làm với thu nhập cao 13 triệu đồng/tháng nơi đất khách do Công ty TNHH Tiến Dũng đưa ra, gia đình em Hùng đã vay mượn hơn 70 triệu đồng để được đi Singapore.
>> Du học "giá rẻ" mà vẫn có tiền gửi về nhà

Vào đầu tháng 9/2008, người dân ở thị trấn Đông Hưng được chứng kiến lễ ra mắt khá tưng bừng của một công ty tư vấn du học trên địa bàn. Tuy nhiên sau khi có đơn tố cáo, cơ quan Công an vào cuộc mới phát hiện ra Công ty này có khá nhiều điều "độc đáo".

Công ty này có trụ sở tại tổ 5, thị trấn Đông Hưng (Đông Hưng - Thái Bình) do Bùi Thọ Dũng (22 tuổi) làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty. Ngành, nghề kinh doanh duy nhất là tư vấn du học. Hoạt động trong lĩnh vực tư vấn du học nhưng công ty này không hề có giấy tờ gì với 1 vị giám đốc chỉ mới học hết cấp 3.

Tiếng là công ty nhưng trụ sở đi thuê tạm bợ, hai ba bộ bàn ghế và chỉ có hai người, một nhân viên, một giám đốc.

Trưa 27/11, cùng với một cán bộ điều tra viên Công an huyện Đông Hưng tìm đến trụ sở đơn vị này đang thuê thì chúng tôi đã chứng kiến cảnh "cửa đóng then cài". Những người dân xung quanh cho biết cách đây gần tuần lễ, Công ty này đã tháo biển bảng, thu dọn bàn ghế và trả lại mặt bằng… 

Làm việc với phóng viên Báo CAND, Thượng tá Nguyễn Văn Triệu, Phó Trưởng Công an huyện Đông Hưng, Trung tá Lại Ngọc Luân, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV Công an huyện Đông Hưng cho biết: Trung tuần tháng 11/2008, Công an huyện đã nhận được đơn của em Phạm Xuân Hùng tố cáo hành vi lừa đảo dưới hình thức du học tại Singapore của Công ty TNHH Tiến Dũng.

Nạn nhân này cho biết: Do cả tin vào những viễn cảnh đi du học nhưng lại có việc làm với thu nhập cao 13 triệu đồng/tháng nơi đất khách do Công ty TNHH Tiến Dũng đưa ra, gia đình em đã vay mượn hơn 70 triệu đồng để được đi Singapore. Tuy nhiên sau hơn một tháng cơ cực tại Singapore, Hùng đã phải vay mượn tiền để trở về Việt Nam.

Tại cơ quan Công an, ông Bùi Thọ Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Tiến Dũng chỉ xuất trình được mỗi đăng ký kinh doanh, không hề có các giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động về lĩnh vực này. Đồng thời chẳng có văn bản nào chứng minh sự liên doanh, liên kết với cơ sở đào tạo tại Singapore.

Thực tế là vậy, tuy nhiên khi đi quảng cáo tuyển dụng, vị giám đốc này vẽ ra viễn cảnh "tươi sáng" nơi đất khách, thậm chí còn sử dụng cả những hình ảnh video để mê hoặc khách hàng.

Mặc dù Công ty TNHH Tiến Dũng đã trực tiếp đứng ra thu 70 triệu đồng, ký kết hợp đồng, cam kết với em Phạm Xuân Hùng và gia đình đưa đi du học tại Singapore nhưng tại cơ quan Công an, ông Dũng lại nại rằng mình chỉ làm đại diện cho Công ty TNHH tư vấn du học Ngọc Văn có địa chỉ tại Khoái Châu, Hưng Yên?!

Làm việc với chúng tôi, cơ quan điều tra Công an huyện Đông Hưng cho biết: Hiện Công an huyện đã vào cuộc và đang khẩn trương điều tra, xác minh tất cả những tình tiết liên quan với quan điểm xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.

Nhẹ dạ, cả tin vào những lời quảng cáo "đường mật", gia đình em Phạm Xuân Hùng ở tổ 7, thị trấn Đông Hưng hiện đang gặp khó khăn. Để có được số tiền đó, gia đình em đã phải thế chấp sổ đỏ ngôi nhà, vay mượn khắp nơi với mức lãi suất hai triệu đồng/tháng.

Mẹ em Hùng nghẹn ngào nói với chúng tôi: Tháng trước, chị đã phải bán 4 sào lúa non để trả lãi nợ, còn tháng này chưa biết trông vào đâu. Với số tiền vay hơn 70 triệu, gia đình nông dân này chỉ còn cách bán nhà đi để trả nợ.

Được biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã xảy ra một số vụ việc lừa đảo dưới dạng du học. Điển hình nhất hồi cuối tháng 3/2008, Công an tỉnh Thái Bình đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Bá Hoán, 43 tuổi, trú tại xã Thái Bảo, huyện Gia Bình, Bắc Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Trung Sao về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Với việc thành lập công ty tư vấn du học và dạy nghề ngắn hạn, tuy không có chức năng giới thiệu việc làm, đưa người đi du học và thực tập nghề tại nước ngoài, nhưng Hoán đã mở rộng "chân rết" lừa đảo 200 người tại nhiều địa bàn với số tiền chiếm đoạt hơn 20 tỷ đồng. Trong đó riêng tại Thái Bình đã có 32 trường hợp sập bẫy lừa của Hoán

Xuân Luận - Trần Huy

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

Trước ý kiến cho rằng vì chưa có quy định cụ thể về ngưỡng nợ thuế để áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, điều này khiến cho nhiều doanh nghiệp và cá nhân không thể dự đoán được liệu mình có nằm trong diện bị tạm hoãn hay không, Bộ Tài chính cho biết sẽ cân nhắc để áp dụng.

Trưa ngày 8/11, Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng đồng loạt tiến hành khám xét khẩn cấp trụ sở chính của Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI và Sở giao dịch của Công ty này tại Đà Nẵng để thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến việc huy động hàng ngàn tỷ đồng và các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của doanh nghiệp này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文