Xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm

13:54 30/07/2018
Ngày 30-7, tại trụ sở Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội, Tòa án Quân sự Quân khu 7 tổ chức phiên tòa sơ thẩm, xét xử công khai vụ án Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”), cựu thượng tá quân đội, cựu phó Tổng giám đốc Công ty Thái Sơn cùng các đồng phạm về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và tội “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức”.

Trong vụ án này, bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị truy tố và đưa ra xét xử về 2 tội danh: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015 và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, theo quy định tại điểm b khoản 2, Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.

3 đồng phạm khác cùng bị đưa ra xét xử về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm: Trần Xuân Sơn (32 tuổi, nguyên Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương của Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng); Trần Văn Lâm (41 tuổi, nguyên Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần đầu tư Thái Sơn, Bộ Quốc phòng); Bùi Văn Tiệp (61 tuổi, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân, đã nghỉ hưu).

Riêng Phùng Danh Thắm bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 1 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999. Phùng Danh Thắm, 53 tuổi, trước khi phạm tội là Đại tá, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.

Hội đồng xét xử

Đúng 7h30, phiên tòa chính thức khai mạc. Chủ tọa phiên tòa là Thượng tá Nguyễn Hồng Phong, thẩm phán. Kiểm sát hoạt động xét xử, giữ quyền công tố, đại diện Viện Kiểm sát quân sự Trung ương tham dự phiên tòa.

Sau phần thủ tục tại tòa, đại điện Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố đọc bản cáo trạng luận tội nêu rõ: Do biết Tổng Công ty (TCT) Thái Sơn có chủ trương mở rộng thị trường phát triển sản xuất kinh doanh, khoảng tháng 7-2009, ông Hệ (lúc này là Phó Trưởng phòng kinh doanh TCT Thái Sơn), đã đề nghị thành lập pháp nhân mới là doanh nghiệp cổ phần do TCT Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn thành lập, theo mô hình công ty mẹ, con.

Ngày 5-8-2005, TCT Thái Sơn có quyết định về việc đầu tư góp vốn, ông Hệ là người đại diện cổ đông quản lý 21% cổ phần vốn điều lệ. Ngày 19/9/2009, Sở KH - ÐT TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho pháp nhân mới là Công ty cổ phần Phát triển đầu tư (CPPTÐT) Thái Sơn (tháng 9-2011 đổi tên thành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P), Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch Hội đồng quản trị, vốn điều lệ 20 tỷ đồng, TCT Thái Sơn góp 51% vốn. Từ tháng 3-2013 đến khi bị bắt, ông Hệ là người đại diện theo pháp luật và là tổng giám đốc công ty.

Ðến tháng 11-2012, TCT Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần nhưng đến tháng 8/2013 mới ký được hợp đồng chuyển nhượng vốn cho người quen của ông Hệ với giá 0 đồng; Tổng Công ty Thái Sơn không thu được bất kỳ khoàn tiền nào. Ðến tháng 10-2017, TCT Thái Sơn chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại cho một cá nhân thu được 1,2 tỷ đồng.

Mặc dù với danh nghĩa là công ty con của TCT Thái Sơn, nhưng thực chất vốn kinh doanh của Công ty CPPTÐT Thái Sơn là của tư nhân, mọi hoạt động đều theo quản lý, điều hành trực tiếp của ông Hệ. Ngay cả khi Tổng Công ty Thái Sơn đã rút 31% vốn điều lệ (chỉ còn là công ty liên kết) nhưng vẫn lấy danh nghĩa là doanh nghiệp quân dội để hoạt động kinh doanh và đã có nhiều hành vi vi phạm pháp luật.

Bị cáo Đinh Ngọc Hệ tại phiên tòa.

Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ

Từ năm 2011 đến 2016, lợi dụng danh nghĩa là người đại diện phần vốn góp của TCT Thái Sơn và chức vụ chủ tịch hội đồng quản trị, đại diện theo pháp luật, ông Hệ báo cáo không trung thực về hoạt động của Công ty CPPTÐT Thái Sơn, thông qua ban tổng giám đốc TCT Thái Sơn, ông Hệ đề nghị cho mua bằng vốn tự có và đăng ký sử dụng xe ô tô biển số quân sự, biển số xanh 80A, trong đó có nhiều xe có giá trị lớn.

Khi được miễn nhiều tỷ đồng tiền thuế trước bạ và cho đăng ký xe, ông Hệ chỉ đạo Trần Văn Lâm ký các hợp đồng thế chấp các ô tô cho các tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh vay tiền. Hành vi cho thuê, cho mượn, thế chấp xe này của ông Hệ cũng dẫn đến đơn thư tố cáo, ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội. Hành vi của Đinh Ngọc Hệ đã vi phạn quy định của Nhà nước, Chính Phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về quản lý, sử dụng xe công, có đủ yếu tố cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hành trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Trần Văn Lâm
Bị cáo Trần Xuân Sơn

Quá trình điều tra, Đinh Ngọc Hệ không thành khẩn khai báo, không thừa nhận hành vi vi phạm, cho rằng là doanh nghiệp thì việc cho thuê, thế chấp xe biển quân sự, biển số xanh 80 A là hoạt động kinh doanh bình thường, không vi phạm pháp luật, không vi phạm pháp luật, là ngoại giao, đông thời đổ lỗi cho ban điều hành cấp dưới, bản thân Hệ không biết. Quá trình điều tra đã thu thập được các chứng cứ xác định Đinh Ngọc Hệ là người ký tờ trình đề nghị mua xe bằng vốn tự có, là người ký quyết định, chỉ đạo việc thế chấp, cho thuê xe, giao xe cho các đối tượng ngoài xã hội sử dụng trái quy định.

Việc hợp thức kinh doanh xăng kém chất lượng:

Cuối năm 2012, Công ty CPPTÐT Thái Sơn Bộ Q.P ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà (Công ty Hải Hà).

Do Công ty Hải Hà không xin được giấy phép kinh doanh, ông Hệ ký quyết định thành lập chi nhánh Công ty CPPTÐT Thái Sơn tại Bình Dương, bổ nhiệm ông Trần Xuân Sơn làm giám đốc chi nhánh. Thực chất việc lập chi nhánh này là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Công ty Hải Hà.

Sau khi được cấp phép, Công ty Hải Hà đầu tư, mở cửa hàng xăng dầu Thái Sơn. Ngày 23-6-2014, đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Dương lập biên bản xử lý cửa hàng này vì có hơn 20.000 lít xăng tồn kho không đạt tiêu chuẩn.

Ông Hệ chỉ đạo ông Trần Văn Lâm làm văn bản giả mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng chủ yếu phục vụ kinh tế; quốc phòng ngành gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương; gọi điện cho ông Bùi Văn Tiệp (lúc đó là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân) để trao đổi, ký hợp đồng giả, nhận số xăng kém chất lượng trên là của Sư đoàn 367, không phải xăng kinh doanh để trốn tránh xử phạt; Chi cục quản lý thị trường tỉnh Bình Dương tin tưởng nên không truy xuất đến cùng và đã không xử phạt.

Mặc dù ông Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội, tuy nhiên căn cứ tài liệu thu thập được qua điều tra, phù hợp lời khai của các bị can khác… đủ cơ sở xác định ông Hệ là người quyết định, chỉ đạo sử dụng xe để thế chấp, cho thuê, giao xe cho một số đối tượng sử dụng trái quy định mà không phải nộp thuế trước bạ trên 3,1 tỷ đồng, hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng. Lợi dụng danh nghĩa câu kết làm giả hợp đồng gửi xăng, hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, tránh bị xử phạt, gây thất thu ngân sách trên 1,4 tỷ đồng.

Quang cảnh phiên xét xử.

Hành vi sử dụng giấy tờ tài liệu giả của cơ quan, tổ chức:

Năm 2000, ông Hệ mua của một đối tượng không rõ lai lịch 1 bằng đại học. Trong quá trình công tác, ông Hệ đã nhiều lần sử dụng bằng giả này và các giấy tờ, tài liệu giả để khai hồ sơ đảng viên, hồ sơ cán bộ, để được nâng lương, bổ nhiệm; phiên, phong quân hàm.

Về các đồng phạm trong vụ án, đại diện Viện Kiểm sát quân sự nhận định: Theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ, ngày 17-7-2014, bị cáo Trần Văn Lâm, với tư cách là Tổng Giám đốc điều hành Công ty CPPTĐT Thái Sơn Bộ Q.P, ký công văn gửi tỉnh Bình Dương mạo nhận là doanh nghiệp quân đội làm kinh tế đi đối với nhiệm vụ quốc phòng; đồng thời cấu kết với Bùi Văn Tiệp, Trần Xuân Sơn làm giả hợp đồng; gửi giữ xăng dầu và các chứng từ nhằm hợp thức số xăng kém chất lượng bị kiểm tra là của Sư đoàn 367 gửi để không bị xử phạt, gây thất thu ngân sách 1,4 tỷ đồng.

Hành vi của Trần Văn Lâm có đủ yếu tố cầu thành tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với vai trò là người thực hiện tội phạm theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ.

Bùi Văn Tiệp do có mối quan hệ với ông Hệ từ trước, nên khi được nhờ, đã ký, đóng dấu vào hợp đồng gửi xăng dầu được làm giả nói trên và tài liệu liên quan để tránh bị xử phạt, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước hơn 1.4 tỷ đồng. Ông Tiệp bị quy trách nhiệm đồng phạm với ông Hệ với vai trò người thực hành và chịu trách nhiệm sau ông Hệ, ông Lâm trong vụ án.

Hành vi của Bùi Văn Tiệp có đủ yếu tố cầu thành tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với vai trò là người thực hiện tội phạm theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ

Bị cáo Trần Xuân Sơn thực chất là cán bộ của Công ty Hải Hà được ông Hệ ký bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh Bình Dương của Công ty CPPTÐT Thái Sơn Bộ Q.P. Trần Xuân Sơn đã cùng Trần Văn Lâm hợp thức hồ sơ về số xăng kém chất lượng bằng cách ký hợp đồng giả, chứng từ xuất nhập kho giả; ký công văn gửi các cơ quan chức năng mạo nhận chi nhánh Công ty CPPTĐT Thái Sơn Bộ Q.P tại Bình Dương là đơn vị làm kinh tế đi đôi với nhiệm vụ quốc phòng để tránh bị xử phạt, gây thất thu cho ngân sách Nhà nước hơn 1.4 tỷ đồng; xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng, ảnh hưởng uy tín của quân đội.

Hành vi của Trần Xuân Sơn có đủ yếu tố cầu thành tội: “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” với vai trò là người thực hiện tội phạm theo chỉ đạo của Đinh Ngọc Hệ.

Bị cáo Phùng Danh Thắm

Đối với bị cáo Phùng Danh Thắm, sau khi Tổng công ty Thái Sơn được Bộ Quốc phòng phê duyệt công ty mẹ, công ty con, trên cơ sở đề nghị của Đinh Ngọc Hệ và các cơ quan chức năng của Tổng Công ty, bị can Phùng Danh Thắm đã ký quyết định góp vốn thành lập Công ty CPPTĐT Thái Sơn Bộ Q.P... 

Phùng Danh Thắm đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát các hoạt động của Công ty CPPTÐT Thái Sơn Bộ Q.P và ông Hệ, không phát hiện ông Hệ sử dụng nhiều ô tô thế chấp sai quy định, không phát hiện sai phạm trong vụ việc xăng dầu kém chất lượng…

Nhiều tình tiết giảm nhẹ

Theo cáo trạng, trong vụ án này ông Hệ đã tự nguyện đề nghị gia đình nộp 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả liên quan đến sai phạm. Ông Hệ được tặng nhiều huân, huy chương; Ðối với ông Trần Văn Lâm, Bùi Văn Hiệp, Trần Xuân Sơn và Phùng Danh Thắm, trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, những bị can này đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải.

Ðể khắc phục hậu quả, ông Lâm tự nguyện nộp 10 triệu đồng, ông Tiệp nộp 250 triệu đồng, ông Sơn nộp 500 triệu đồng và ông Thắm nộp 20 triệu đồng... cho cơ quan điều tra.

Bị cáo Bùi Văn Tiệp

Kiến nghị xử lý cán bộ tỉnh Bình Dương

Theo cáo trạng, một số cán bộ đội kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương, không truy xuất nguồn gốc xăng kém chất lượng, chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ được giao dẫn đến không phát hiện hành vi vi phạm.

Nguyên nhân một phần có ý kiến bút phê của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nên không đủ yếu tố xử lý hình sự. Tuy nhiên VKS kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương xứ lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về công chức, viên chức.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra đến hết ngày 31-7; Trong phiên tiếp theo, Tòa sẽ tiếp tục phần tranh tụng./.

X.Mai

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lào Cai ngày 21/11 cho biết vừa hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án lừa đảo môi giới hôn nhân với người nước ngoài… Đây chỉ là một trong những vụ án được Công an tỉnh Lào Cai điều tra, phát hiện trong thời gian qua. Theo Công an tỉnh Lào Cai, từ khi Chính phủ áp dụng chính sách cấp visa điện tử (Evisa) cho người nước ngoài, số người Trung Quốc dùng thị thực Evisa nhập cảnh Việt Nam tăng lên. Một số đã khai mục đích du lịch hoặc làm việc để sang Việt Nam tìm vợ… Từ các vụ án được phát hiện đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文