Những điểm nổi bật trong phiên tòa sơ thẩm vụ án tại BIDV

09:21 01/11/2020
Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nhận định, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều đã khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ Cơ quan điều tra thu thập trong trong quá trình điều tra. Riêng bị cáo Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) không thành khẩn khai báo, còn quanh co chối tội.


Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty Cổ phần chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) dự kiến diễn ra trong 10 ngày. 

Tuy nhiên, sau 4 ngày xét xử, phiên tòa đã kết thúc phần tranh luận, chuyển sang phần nghị án và dự kiến Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào chiều 2/11. Phiên tòa được rút ngắn thời gian xét xử như vậy là do tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, các luật sư bào chữa chủ yếu tập trung vào các luận cứ, luận điểm nhằm làm tăng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Việc truy tố là có căn cứ, đúng pháp luật

Trong phần luận tội, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa đã nhận định, hầu hết các bị cáo trong vụ án đều đã khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai tại cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ Cơ quan điều tra thu thập trong trong quá trình điều tra. Riêng bị cáo Đinh Văn Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) không thành khẩn khai báo, còn quanh co chối tội.

Cụ thể, bị cáo Đinh Văn Dũng thừa nhận có việc 11 tỷ đồng chuyển vào tài khoản cá nhân của bị cáo như dòng tiền cơ quan điều tra chứng minh và bị cáo sử dụng để góp vốn. Tuy nhiên, bị cáo khai đây không phải tiền bán bò, vì tiền bò do bị cáo Trần Anh Quang (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà, sau thời kỳ của Đinh Văn Dũng) chỉ đạo. Theo bị cáo Đinh Văn Dũng, trong số 11 tỷ đồng này có 6 tỷ đồng là tiền các nhà thầu trích lại vì đã ký được hợp đồng xây lắp, 5 tỷ đồng còn lại là do một số cá nhân cho bị cáo và cho bị cáo vay.

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại BIDV.

Song, căn cứ lời khai của các cá nhân đã khai chuyển tiền cho Đinh Văn Dũng theo sự chỉ đạo của ông Lâm Tăng Khoát (Giám đốc Công ty cổ phần kỹ thuật Hantechco). Tiến hành đối chất giữa Lâm Tăng Khoát và Đinh Văn Dũng, ông Khoát khẳng định đây là tiền bán bò, theo sự chỉ đạo của Đinh Văn Dũng, ông đã chuyển tiền vào tài khoản của Dũng như trên. Ông Khoát khẳng định ông không có tiền cho Dũng vay, càng không có tiền để cho Dũng. Ông Khoát cũng xác nhận chỉ ký Hợp đồng môi giới bán bò với Đinh Văn Dũng và mọi việc đôn đốc bán bò cũng như thu hồi công nợ đều do Đinh Văn Dũng điều hành, chỉ đạo, ông Khoát không biết Trần Anh Quang là ai. 

Lời khai này của ông Khoát phù hợp với lời khai của Trần Anh Quang, phù hợp với lời khai của Hoàng Hải Triều (kế toán Công ty Bình Hà), phù hợp với lời khai của Nguyễn Gia Thiều (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bình Hà) về sự điều hành thu tiền bán bò của Đinh Văn Dũng (từ khi thành lập Công ty đến thời điểm 10/2016) và của Trần Anh Quang (là sau thời điểm 10/2016 khi Quang là Tổng Giám đốc Công ty). 

Đồng thời, căn cứ vào các tài liệu, chứng từ khác... đại diện Viện Kiểm sát khẳng định đủ căn cứ xác định Đinh Văn Dũng đã chiếm đoạt 11 tỷ đồng của BIDV khi chuyển vào tài khoản cá nhân để Dũng thực hiện góp vốn và phải chịu trách nhiệm chung trong việc yêu cầu Hantechco chuyển vào tài khoản của các cá nhân số tiền 23,5 tỷ đồng. Hành vi của Đinh Văn Dũng đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, nên Cáo trạng truy tố bị cáo về tội danh này là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.

Vai trò, động cơ phạm tội của các bị cáo

Do hầu hết các bị cáo trong vụ án đều thừa nhận hành vi phạm tội nên trong phần tranh luận, đa số các luật sư tập trung thời gian để phân tích vai trò, động cơ phạm tội của thân chủ. Trong đó nhấn mạnh hành vi phạm tội của các bị cáo chủ yếu là do chịu sức ép chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV), nhằm đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ, mong Hội đồng xét xử cân nhắc giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Trong phần bào chữa cho bị cáo Đoàn Ánh Sáng (nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV), luật sư Hoàng Văn Dũng cho rằng, bị cáo Đoàn Ánh Sáng ký quyết định thành lập Tổ thẩm định chung; ký phê duyệt trên báo cáo của Tổ thẩm định chung đề xuất cấp tín dụng và một số văn bản khác trong bối cảnh bị ông Trần Bắc Hà thúc ép, chỉ đạo ráo riết, khiến bị cáo Sáng không dám làm trái với chỉ đạo của ông Trần Bắc Hà.

Luật sư Dũng cũng cho rằng, trong một số hồ sơ pháp lý của doanh nghiệp và dự án, bị cáo Đoàn Ánh Sáng đã có sự cảnh báo những khiếm khuyết, những hạn chế, thể hiện sự thận trọng cần thiết. Bị cáo Đoàn Ánh Sáng cũng có những nỗ lực nhằm ngăn chặn thiệt hại và khắc phục hậu quả trước khi vụ án bị khởi tố. Từ những luận cứ trên, Luật sư Hoàng Văn Dũng cho rằng, bị cáo Đoàn Ánh Sáng chỉ làm theo chức trách, nhiệm vụ được phân công mà không có động cơ nào khác.

Bào chữa cho bị cáo Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành), luật sư Nguyễn Hồng Bách cho rằng, bị cáo Chính tham gia hạn chế, mờ nhạt trong giai đoạn thẩm định hồ sơ đề xuất cấp hạn mức cho Công ty Trung Dũng. Theo luật sư Hồng Bách, đối với hoạt động giải ngân, hồ sơ thẩm định và duyệt hồ sơ vay đều được các cán bộ chuyên môn chuẩn bị, soạn thảo, lập báo cáo đề xuất giải ngân và ký thẩm định. Hành vi phê duyệt của bị cáo Ngô Duy Chính là bước cuối cùng ở giai đoạn thẩm định hồ sơ; sau đó, chuyển sang Phòng quản lý rủi ro thẩm tra, soát xét trước khi tiến hành giải ngân. Do vậy, theo luật sư Bách, hành vi của bị cáo Ngô Duy Chính chỉ bao gồm và giới hạn trong giai đoạn của Phòng quan hệ khách hàng.

Luật sư Bách cũng đưa ra một số luận điểm chứng minh bị cáo Ngô Duy Chính thực hiện hành vi dưới sức ép của cấp trên, nằm ngoài ý chí của bị cáo và không tư lợi cá nhân. Từ đó, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét một cách nhân văn để cho rằng đây chỉ là tai nạn rủi ro trong quá trình làm việc.

Luật sư Huỳnh Phương Nam bào chữa cho bị cáo Nguyễn Xuân Giáp (nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) đã đưa những lời khai của một số bị cáo khác để chứng minh trong hoạt động giải ngân 700 tỷ đồng cho Công ty Trung Dũng, bị cáo Nguyễn Xuân Giáp bị áp lực từ ông Trần Bắc Hà và buộc phải thực hiện mặc dù biết là không đúng với quy định của BIDV.

Về việc đề xuất phê duyệt phát hành L/C của Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại và du lịch Trung Dũng, luật sư cho rằng bị cáo Nguyễn Xuân Giáp và một số bị cáo khác đã có ý kiến về việc không chấp nhận phát hành L/C theo đề nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi nhận được văn bản có bút phê của ông Trần Bắc Hà, các bị cáo của BIDV chi nhánh Hà Thành buộc phải thực hiện dù đều nhận thức được rằng đây là khoản vay mang tính rủi ro cao.

Phương án thu hồi nợ

Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BIDV tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho biết, sau khi vụ án bị khởi tố, Công ty Bình Hà có yêu cầu được tổ chức lại hoạt động và đã có phương án hợp tác kinh doanh để khôi phục lại dự án. Yêu cầu này của doanh nghiệp đã được cơ quan điều tra chấp thuận, tạo điều kiện. Hiện, Công ty Bình Hà đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới.

Theo luật sư Thiệp, doanh nghiệp Bình Hà và nhóm nhà đầu tư mới DoHoldings đã và đang thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo hợp đồng hợp này, nhóm đối tác sẽ trả tiền hàng năm cho công ty, để doanh nghiệp trả nợ ngân hàng. Theo tính toán, Công ty Bình Hà sẽ trả hết toàn bộ nợ gốc cho BIDV trong vòng 8 năm. Việc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Bình Hà được đặt dưới sự giám sát của BIDV và ngân hàng có quyền xử lý tài sản bảo đảm (toàn bộ tài sản của Công ty Bình Hà hiện nay đã thế chấp) để thu hồi nợ vay.

Nói về số tiền thất thoát tại Công ty Trung Dũng, luật sư Nguyễn Huy Thiệp nêu quan điểm, doanh nghiệp này thiết lập quan hệ tín dụng tại BIDV chi nhánh Hà Thành từ năm 2007, tính đến cuối năm 2011 được đánh giá xếp hạng tín dụng loại A. Từ năm 2012 - 2014 là giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế, lạm phát tăng cao, ngành thép bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái, Công ty Trung Dũng cũng bị ảnh hưởng. Khi phát hiện Công ty Trung Dũng có dấu hiệu không trả được nợ, BIDV đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro, xử lý tài sản bảo đảm được hơn 358 tỷ đồng. Đến hết tháng 12-2019, dư nợ của doanh nghiệp này tại BIDV chi nhánh Hà Thành là hơn 967 tỷ đồng. BIDV đã thực hiện trích 100% dự phòng rủi ro.

Tình người trong phiên xử

Tại phiên tòa, với tư cách đại diện bị hại, bà Nguyễn Thị Phương (Giám đốc Ban Pháp chế BIDV) cho rằng, các bị cáo là cựu cán bộ của BIDV chỉ là những người làm công ăn lương, làm theo chức trách, nhiệm vụ, không vì động cơ, mục đích tư lợi và cũng không được hưởng lợi gì. Do vậy, đại diện BIDV đã đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm hình phạt cho 8 cán bộ ngân hàng.

Nói lời sau cùng tại phiên tòa, bên cạnh việc xin giảm nhẹ mức án cho mình, nhiều bị cáo cũng đã dành thời gian để xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo khác. Bị cáo Ngô Duy Chính (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Thành) trình bày: Quá trình trong trại tạm giam, làm việc với cơ quan điều tra, nhận cáo trạng, quá trình xét xử, bị cáo nhận thức rõ tội trạng của mình, thấy hối tiếc, ân hận khi để xảy ra các sai phạm. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét toàn diện, có tính đến yếu tố khách quan trong hành vi phạm tội của bị cáo và các bị cáo khác nguyên là cán bộ của BIDV, để từ đó cho bị cáo và các đồng nghiệp cũ được giảm nhẹ hình phạt, hưởng lượng khoan hồng.

Bị cáo Kiều Đình Hòa (nguyên Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh), bị cáo Trần Anh Quang đã bày tỏ mong muốn xin Hội đồng xét xử cho bị cáo Lê Thị Vân Anh (nguyên Trưởng phòng Khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) được hưởng mức án thấp nhất có thể. Thời gian qua, bị cáo Vân Anh đã hợp tác tích cực cùng cơ quan điều tra trong việc truy vết dòng tiền của các hành vi phạm tội, là nhân tố tích cực giúp cơ quan chức năng làm rõ bản chất phức tạp của vụ án, thu hồi cho BIDV với số tiền lên đến 207 tỷ đồng. Hiện, bị cáo Vân Anh đang tiếp tục phối hợp với cơ quan điều tra làm rõ vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Bình Hà.

Đối với nhóm bị cáo bị truy tố tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” đều đã gửi lời xin lỗi đến Ngân hàng BIDV vì đã gây thiệt hại cho ngân hàng này. Các bị cáo gửi lời xin lỗi chân thành vì việc làm sai trái của các bị cáo khiến các cán bộ Ngân hàng BIDV bị liên lụy.

Mức án tới đây Hội đồng xét xử sẽ tuyên phạt các bị cáo là hình thức để giáo dục, răn đe, cải tạo các bị cáo. Nhưng sự thành khẩn, ăn năn hối lỗi, nhận thức rõ sai phạm của từng bị cáo trong phiên tòa này chính là tự cải tạo chính mình thiết thực, hiệu quả nhất, để các bị cáo tự sửa chữa sai lầm, trở thành công dân tốt cho xã hội.

Kim Anh

Lực lượng phòng vệ dân sự Lebanon ngày 23/11 cho biết một cuộc không kích dữ dội ở trung tâm Beirut đã khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, làm rung chuyển thủ đô khi Israel tấn công nhóm vũ trang Hezbollah.

Thời gian gần đây, một số người tham gia giao thông ở TP Hồ Chí Minh có hành vi sử dụng vũ lực, côn đồ hung hãn sau khi xảy ra va chạm giao thông, thậm chí gây án mạng. Từ những ứng xử thiếu văn hóa như trên đã dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, hệ lụy lâu dài cho bản thân họ, gia đình và xã hội.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, sáng nay (23/11), lực lượng cứu nạn cứu hộ (CNCH) đã tìm thấy được 2 thi thể trên sông.

Thanh tra Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 2414/TB-TTCP thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011-2021 tại Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học năm 2025, trong đó có nhiều điểm mới về xét tuyển sớm như quy định các trường đại học không được dành quá 20% chỉ tiêu để xét tuyển sớm, riêng xét học bạ phải dùng điểm cả năm lớp 12 thay vì dùng điểm 3-5 kỳ như hiện nay.

Ngày 23/11, Công an thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hoá thông tin, đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Vũ Minh Dương (SN 2006), trú tại xã Hoạt Giang, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá để điều tra tội “Chống người thi hành công vụ”.

Ngày 23/11, Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết đã phê chuẩn Quyết định khởi tố vụ án “Điều khiền phương tiện hàng hải vi phạm quy định về hàng hải của Nước CHXHCN Việt Nam” của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu để tiến hành điều tra theo quy định pháp luật. Đồng thời, các cơ chức năng, đại lý hàng hải được chủ tàu ủy quyền, công ty bảo hiểm cũng đang phối hợp chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cứu hộ, bảo đảm môi trường và khắc phục hậu quả vụ tai nạn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文