Bác kháng cáo, tuyên y án tử hình bị cáo Trương Mỹ Lan
Bị cáo Trương Mỹ Lan tham gia nhiều hành vi phạm tội, một lúc phạm nhiều tội, xâm phạm nghiêm trọng tới hoạt động tài chính ngân hàng. Cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án tử hình là đúng người, đúng tội, tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo này.
Ngày 3/12, sau gần 1 tháng xét xử và nghị án kéo dài, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã đưa ra phán quyết đối với bị cáo Trương Mỹ Lan ( Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 47 đồng phạm trong vụ án Trương Mỹ Lan – Vạn Tịnh Phát, giai đoạn 1 có kháng cáo. HĐXX phúc thẩm đã tuyên y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trương Mỹ Lan bị TAND TP Hồ Chí Minh tuyên án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ” và 18 năm tù “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”.
HĐXX phúc thẩm TAND TP Hồ Chí Minh xác định, trong suốt 10 năm thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) với vai trò là cổ đông lớn, chiếm 91,5% cổ phần và có quyền hạn cao nhất tại SCB, bị cáo Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay, thực hiện hành vi phạm pháp, rút tiền từ SCB phục vụ cho mục đích cá nhân, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân hàng này. Tính đến tháng 10/2022, nhóm bị cáo Lan và Vạn Thịnh Phát còn 1.284 khoản vay, dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi, số tiền thiệt hại của vụ án và bị cáo Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.
Theo HĐXX phúc thẩm, hành vi phạm tội của bị cáo Lan xuyên suốt, kéo dài và có tác động nghiêm trọng đối với SCB cũng như nền kinh tế quốc gia. Bản án sơ thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt bị cáo mức án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 20 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, tổng hợp hình phạt là tử hình là đúng pháp luật.
Hành vi của bị cáo Lan đặc biệt nghiêm trọng, hậu quả của các hành vi mà bị cáo Lan gây ra là quá lớn, chưa từng có trong lịch sử tố tụng, chưa biết khi nào mới có thể khắc phục…
Đối với kháng cáo của bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX cho rằng không có căn cứ giảm án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan.
Tại tòa bị cáo Lan nói đồng ý dùng các tài sản để khắc phục hậu quả nhưng tổng tài sản đưa vào chưa đủ để giảm nhẹ hình phạt tử hình về tội “Tham ô tài sản”.
Theo HĐXX, sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo Lan tiếp tục khắc phục hậu quả, căn cứ Bộ Luật Hình sự hiện nay, người bị kết án tử hình về tội "Tham ô tài sản", nếu chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản, hợp tác tích cực hoặc lập công lớn, sẽ được giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống chung thân.
Như vậy, nếu tính theo tỉ lệ 3/4 thì bị cáo Lan phải phải nộp ít nhất hơn 200 ngàn tỷ đồng thì mới có căn cứ xem xét giảm nhẹ hình phạt về tội “Tham ô tài sản”.
HĐXX phúc thẩm cũng ghi nhận sự chuyển biến tích cực về nhận thức, không kêu oan, thừa nhận sai phạm, đưa tài sản vào khắc phục hậu quả. Đây là những tình tiết mới nên cần ghi nhận giảm nhẹ cho bà chủ Vạn Thịnh Phát về tội “Vi phạm quy định cho vay trong các tổ chức tín dụng”.
Từ những nhận định trên, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên y án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, 20 năm tù về tội “Đưa hối lộ”, 16 năm tù về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng”. Tổng hợp hình phạt bị cáo Trương Mỹ Lan phải chấp hành là tử hình.
Ngoài ra HĐXX cho rằng không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và tuyên y án chung thân đối với bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng thanh tra giám sát ngân hàng II - cục II, thuộc Ngân hàng Nhà nước; Trưởng đoàn thanh tra SCB) về tội “Nhận hối lộ”. Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB)… về một trong các tội danh các tội “Tham ô tài sản”, chỉ giảm nhẹ hình phạt về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của tổ chức tín dụng” của bị cáo Văn, bị cáo Dũng…