Bị cáo buộc nhận hối lộ, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội khai gì?

10:17 20/07/2023

Sáng 20/7, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Hùng (cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương) do có hành vi tội nhận hối lộ số tiền 300 triệu đồng của doanh nghiệp trong vụ in sách giáo khoa giả.

Khai báo tại tòa, bị cáo Trần Hùng cho rằng, thời điểm bị bắt, bị cáo đang là Tổ trưởng Tổ 304 nên có thẩm quyền tiếp nhận thông tin, chỉ đạo các cục nghiệp vụ triển khai các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính.

Theo lời khai của bị cáo Hùng, sáng 8/7/2020, bị cáo trực tiếp nhận nguồn tin từ ông Nguyễn Đăng Quang (Trợ lý Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam) đề nghị kiểm tra đột xuất một kho hàng nghi mua bán sách giáo khoa giả. 

Chủ tọa phiên tòa chất vất: “Theo biên bản xác minh thì Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nói, không có việc báo cáo và không biết gì liên quan đến việc ở Công ty Phú Hưng Phát. Vì sao bị cáo không báo cáo cấp trên?”.

Bị cáo Hùng trả lời không đúng trọng tâm: “Khi anh Nguyễn Đăng Quang đến báo cáo tôi và chỉ một chỗ có dấu hiệu chứa sách giáo khoa giả lớn là anh ấy rất tin tưởng tôi. Với kinh nghiệm 10 năm làm công tác chống hàng giả, tôi hiểu ngay đây là vấn đề nghiêm trọng và phải chọn người tâm huyết để chuyển tin này, vì tất cả phải làm bí mật, nếu để lộ là hỏng ”.

Bị cáo Trần Hùng tại phiên tòa.

Theo lời khai của bị cáo Hùng, sau khi nhận được tin báo, bị cáo chỉ đạo Cục quản lý thị trường Hà Nội cùng Đội Quản lý thị trường số 17 vào cuộc xử lý. Kết quả, hơn 27.000 quyển sách giáo khoa giả được phát hiện tại Công ty Phú Hưng Phát do bị cáo Cao Thị Minh Thuận làm Giám đốc. Bị cáo Hùng khai tiếp, ngay buổi chiều hôm kiểm tra, bị cáo Thuận đã tiếp cận để “xin” nhưng bị cáo từ chối.

Sáng 13/7/2020, bị cáo Hùng được bị cáo Nguyễn Duy Hải (lao động tự do) liên hệ để xin xử lý nhẹ. “Tôi nói với Hải rằng, Thuận cũng gọi rồi, nhưng không xin được. Tôi còn bảo Hải, cứ dặn Thuận có gì khai đấy, đúng theo quy định pháp luật mà làm. Bởi thế, Hải mới là người chạy án, bao che cho Thuận”, bị cáo Hùng khai.

Chủ tọa truy: “Nếu bị cáo không đồng ý thì tại sao ngày 15/7, bị cáo Hải lại mang tiền đến?”. Bị cáo Hùng trả lời: “Hải tự đến chứ tôi không mời. Tại phòng làm việc lúc đó còn có hai người khác, Hải nói, Thuận biếu tổ công tác mấy trăm triệu. Sau khi mắng Hải và hỏi có muốn báo Công an không, thì tôi đuổi Hải ra khỏi phòng làm việc”.

Bị cáo Cao Thị Minh Thuận (giữa) và cáo bị cáo khác tại phiên tòa. 

Bị cáo Hùng cho rằng, suốt 10 năm công tác, không ai buôn bán hàng giả có thể mua chuộc được mình.

Đối chất tại phiên tòa, bị cáo Hải phản bác lời khai của bị cáo Hùng. Bị cáo Hải cho biết, sáng 14/7/2020, Hải gặp bị cáo Hùng cùng hai người khác ở quán cà phê trên phố Nguyễn Xí, Hà Nội. Tại đây, Hải đặt vấn đề với bị cáo Hùng: “Thuận xin bỏ qua vụ việc và sẽ gửi 400 triệu đồng cảm ơn”.

“Lúc đó, bị cáo Hùng cười rất to và vỗ mạnh vào đùi nói, chúng mày đã thấy bọn nhà sách giàu chưa”, bị cáo Hải khẳng định. Cũng theo lời khai của bị cáo Hải, vì bị cáo Hùng đồng ý và hẹn gặp thì bị cáo mới cầm tiền lên tận phòng, chứ không phải tự ý lên.

Theo cáo trạng, sau khi phát hiện 27.300 quyển sách giáo khoa giả, bị cáo Thuận và bị cáo Hải nhờ bị cáo Hùng bỏ qua với điều kiện, sẽ chi 400 triệu đồng. Sau cuộc trao đổi với bị cáo Hải, bị cáo Hùng hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc sách từ “sách in giả” thành “sách do người khác mang đến ký gửi”. Tiếp nhận ý kiến của bị cáo Hùng, bị cáo Hải thông qua một người khác trao đổi lại với bị cáo Thuận.

Sáng 15/7/2020, bị cáo Hải cầm 300 triệu đồng của bị cáo Thuận đựng trong túi nilon màu đen đến phòng làm việc bị cáo Hùng. Tại đây, bị cáo Hải gọi điện thoại cho bị cáo Thuận để nói chuyện trực tiếp với bị cáo Hùng và nghe hướng dẫn.

Do trong phòng bị cáo Hùng còn có hai người khác nên bị cáo Hải cầm túi tiền ra về. Chiều hôm sau, bị cáo Hải cầm 300 triệu đồng quay lại phòng làm việc đưa cho bị cáo Hùng.

Ngoài việc hướng dẫn bị cáo Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách giả, bị cáo Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo bị cáo Lê Việt Phương (Đội phó Quản lý thị trường 17) “tạo điều kiện giúp đỡ Thuận theo hướng xử lý hành chính”. Căn cứ kết quả thực nghiệm, nội dung dữ liệu trích xuất từ điện thoại, đủ cơ sở chứng minh bị cáo Hùng đã nhận 300 triệu đồng của bị cáo Thuận thông qua Hải.

Bị cáo Hùng bị xét xử về tội nhận hối lộ. Bị cáo Hải bị xét xử về tội môi giới hối lộ. Bị cáo Lê Việt Phương cùng hai cấp dưới Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương bị xét xử về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bị cáo Thuận cùng 30 bị cáo khác trong vụ án này bị xét xử về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Nguyễn Hưng

Lễ hội vật cầu nước (hay vật cầu bùn) được tổ chức 4 năm 1 lần tại làng Vân (Vân Hà, Việt Yên, Bắc Giang) từ ngày 12-15/4 Âm lịch. Bộ Văn hoá Thể thao &Du lịch đã trao bằng công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2022.

Vụ cháy xảy ra tại nhà cho thuê trọ cao 9 tầng, địa chỉ số 269 phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Khu vực xảy ra cháy ở trong trục kỹ thuật điện thông tầng từ tầng 5 đến tầng 9 của công trình, nên đã phát sinh nhiều khói, khí độc hại.

Vào dịp nghỉ cuối tuần, dòng người đổ về TP Hải Phòng đông nườm nượp, du khách hào hứng vừa trải nghiệm “foodtour Hải Phòng”, vừa chụp ảnh “check in”, đặc biệt dưới sắc màu rực cháy của hoa phượng đỏ tháng 5.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, thời gian qua, một số chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở sử dụng tên dự án, tên các khu vực trong dự án không đúng tên đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định để thực hiện quảng cáo, rao bán bất động sản không đảm bảo quy định pháp luật.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7. So với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011, dự thảo luật có nhiều thay đổi, trong đó có nội dung về hỗ trợ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân.

Trong chuyến công tác thu thập tư liệu, hiện vật cho Bảo tàng truyền thống của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, tôi có dịp về thăm đồng chí Ngô Văn Núi – nguyên chiến sĩ Trung đoàn 600 – Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, một trong số những cán bộ chiến sĩ vinh dự được bảo vệ Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc giai đoạn kháng chiến chống Pháp cho đến khi Người qua đời. Ở tuổi 94, mặc dù sức khỏe không được tốt, đi lại khó khăn, nhưng người lính cận vệ năm xưa vẫn minh mẫn lạ thường khi kể về những kỷ niệm của ông với Bác Hồ trong suốt 15 năm được may mắn, vinh dự bảo vệ Người.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) Trịnh Xuân An cho biết, thực chất, khoản 8, Điều 8 Luật hiện hành (Luật Giao thông đường bộ năm 2008) đã cấm tuyệt đối: "cấm điều khiển ô tô, xe máy chuyên dùng mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Việc này vừa có cơ sở pháp lý, vừa có cơ sở lý luận, khoa học.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文