Cảnh báo lừa đảo từ dịch vụ “chuyển tiền nhanh, rút tiền mặt”
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xuất hiện tình trạng một số cá nhân, cửa hàng tự ý mở dịch vụ chuyển, rút tiền, nhất là tại các địa bàn nông thôn. Các cửa hàng này đa số là tự phát và chưa được cấp phép hoạt động, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người cung cấp và sử dụng dịch vụ này.
Cầm tiền mặt trên tay, chúng tôi đến cửa hàng có treo bảng dịch vụ “chuyển tiền nhanh, rút tiền mặt” ở TP Cao Lãnh để nhờ chuyển vào tài khoản. Rất nhanh chóng, nhân viên tại cửa hàng sử dụng tài khoản Internet Banking của cá nhân để chuyển vào tài khoản yêu cầu.
Giao dịch này được thực hiện không có biên lai hay hóa đơn chứng từ nào. Việc thu phí do cửa hàng ấn định. Với giao dịch như vậy, khi có tranh chấp xảy ra sẽ khó có thể giải quyết. Chưa kể đến những trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể xảy ra khi giao dịch với dịch vụ này.
Mới đây, trên địa bàn huyện Lai Vung đã xảy ra một trường hợp lừa đảo. Hai thanh niên lạ mặt đã đến tiệm điện thoại di động của ông Đ.V.T. để nhờ chuyển khoản số tiền 2,5 triệu đồng. Ông T. chuyển khoản xong, hai đối tượng nhanh chóng lên xe tẩu thoát. Công an đã nhanh chóng bắt giữ được 2 đối tượng nói trên.
Trên trang mạng xã hội, một người dùng trên địa bàn TP Cao Lãnh, Đồng Tháp có cung cấp dịch vụ chuyển rút tiền tự phát cũng mới đăng tải thông tin có đối tượng dự định lừa đảo. Thủ đoạn là đối tượng tạo tài khoản ảo giả danh người thân cho rằng đã nhận được 200 triệu đồng tiền mặt và yêu cầu chuyển khoản 200 triệu đồng vào tài khoản khác, để lấy phí 200.000 đồng.
Trung tá Văng Tấn Sang, Đội trưởng, Phòng An ninh kinh tế cho biết: “Hoạt động này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Phí dịch vụ thì không theo quy định của pháp luật, khả năng mất an toàn rất cao. Các đối tượng sẽ lợi dụng và dịch vụ này để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cũng như là lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đây cũng là điều kiện để các đối tượng mua bán hàng cấm, vật cấm”.
Công an toàn tỉnh Đồng Tháp đã có nhiều đợt đến các cơ sở kinh doanh tự phát dịch vụ này để tuyên truyền, nhắc nhở, cho làm cam kết thực hiện theo các quy định của pháp luật. Nhiều cửa hàng đã tháo dỡ bảng, không tiếp tục thực hiện các dịch vụ sai quy định này.
Một chủ cửa hàng có dịch vụ rút tiền mặt tự phát tại huyện Thanh Bình chia sẻ: “Đa số người làm xa ở các tỉnh Bình Dương, TP Hồ Chí Minh hay có nhu cầu chuyển tiền. Tuy nhiên shọ chuyển chỉ vài triệu đồng, còn 10 triệu trở lên thì ra ngân hành chuyển. Mình thấy người ta làm thì mở kiếm tiền cà phê, còn không đủ điều kiện, không đúng pháp luật thì nghỉ luôn”.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp cũng vừa có văn bản đề nghị Công an tỉnh, các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thông tin và Truyền thông; Kế hoạch và Đầu tư; Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Cục Thuế; UBND cấp huyện phối hợp rà soát các điểm hoạt động dịch vụ “chuyển tiền nhanh, rút tiền mặt” trên địa bàn.
Nhiều điểm dịch vụ chuyển tiền trái phép đã chấm dứt hoạt động, tuy nhiên vẫn còn một số điểm duy trì.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã có chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động tại các điểm kinh doanh chưa được cấp phép. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Đồng Tháp đề nghị lãnh đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện tiếp tục tăng cường các biện pháp thông tin, tuyên truyền và vận động chấm dứt ngay hoạt động chuyển tiền trái phép này.