Ngăn chặn nạn mua bán người - giải cứu những phận đời cùng cực

Chung tay hành động, lấy nạn nhân là trung tâm - Bài cuối

08:56 11/10/2021

Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người vẫn hết sức nóng bỏng, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng Công an, còn cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân…

Đã có rất nhiều đường dây mua bán người bị bóc gỡ, nhiều đối tượng đã bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Cũng có nhiều nạn nhân đã được lực lượng Công an giải cứu trở về, cuộc đời họ đã được hồi sinh, sang trang mới như chúng tôi đã đề cập. Tuy nhiên, do lợi nhuận từ việc mua bán người, nhiều đường dây phạm tội vẫn âm thầm hoạt động và có những phương thức, thủ đoạn biến tướng khác hơn, tinh vi hơn. Từng ngày, từng giờ, những cái bẫy người vẫn đang giăng ra với những người nhẹ dạ, cả tin… Vì thế, cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người vẫn hết sức nóng bỏng, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng Công an, còn cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân…

Tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác của người dân

Một trong những biện pháp cần tiếp tục đẩy mạnh, đó là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách liên quan đến hoạt động mua bán người. Tuy nhiên, nội dung, hình thức tuyên truyền phải phong phú, đa dạng, phù hợp với nhận thức của đa số những người sẽ trở thành mục tiêu nhắm tới của bọn mua bán người. Theo thống kê, từ năm 2019 đến quý 1/2021, tại địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 150 vụ lừa bán hơn 200 nạn nhân ra nước ngoài. Tuy nhiên, 97% trong số các nạn nhân này có trình độ văn hóa thấp, có đến 26% nạn nhân không biết chữ, họ tập trung ở các vùng sâu, vùng xa, giáp biên giới, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc gặp những éo le về tình cảm, thiếu hiểu biết xã hội, thiếu kỹ năng sống và rất nhẹ dạ, cả tin…

Tổ chức xét xử phiên tòa lưu động về vụ án phạm tội mua bán người tại vùng cao để nâng cao cảnh giác cho người dân và góp phần răn đe tội phạm. 

Theo Đại tá Đoàn Thế Vinh, Trưởng Phòng 5 Cục Cảnh sát hình sự, phải đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7. Một trong các biện pháp tuyên truyền thiết thực mà Đại tá Đoàn Thế Vinh đưa ra, là phải tập huấn nâng cao năng lực cho mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên tại địa phương, bởi họ chính là cánh tay nối dài của lực lượng Công an trong việc tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn mới của bọn mua bán người đến từng bản làng, người dân, đặc biệt là những người cả đời chưa bước chân ra khỏi bản, chưa biết đến cái chữ, đến điện sáng, ti vi để tiếp cận các phương thức truyền thông hiện đại hơn. Từ đó giúp người dân nâng cao cảnh giác và cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động của các đối tượng có khả năng, điều kiện phạm tội mua bán người cho lực lượng Công an.

Đã có nhiều tổ chức đoàn thể ở các địa phương tích cực hỗ trợ các nạn nhân trở về, như Hội Phụ nữ Lào Cai đã xây dựng mô hình "Điểm sáng biên giới" tại các xã biên giới, duy trì mô hình Câu lạc bộ "Bạn giúp bạn" tại các địa bàn trọng điểm buôn bán phụ nữ, đồng thời quan tâm giúp đỡ các nạn nhân việc làm để hòa nhập cộng đồng… Tuy nhiên, các hoạt động, mô hình trợ giúp nói trên vẫn còn chưa phủ rộng ở nhiều nơi, nhiều tỉnh. Trong thời gian tới, cùng với những nỗ lực của lực lượng Công an trong đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, rất cần sự chung tay của các tổ chức, đoàn thể trong công tác trợ giúp, hỗ trợ cho các nạn nhân của tội phạm mua bán người trở về, để họ không phải mặc cảm với quãng đời tăm tối của mình, để họ được hướng tới một cuộc sống ổn định, có tương lai hơn.

Luôn coi nạn nhân là trung tâm

Vẫn còn nạn nhân bị lừa bán, vẫn còn tồn tại những đường dây mua bán người thì lực lượng Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát hình sự nói riêng vẫn đau đáu sứ mệnh của mình. Các đơn vị phải tiếp tục tập trung lực lượng, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh quyết liệt với tội phạm mua bán người, nâng cao hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án mua bán người.

Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng 7 Cục Cảnh sát hình sự, trong điều tra vụ án mua bán người, phải luôn coi nạn nhân là trung tâm. Nếu nạn nhân chưa được giải cứu thì việc xác minh, giải cứu nạn nhân phải được coi trọng hàng đầu. Để việc giải cứu thành công thì phải thực hiện các biện pháp bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nan nhân và người thân của họ, tiến hành khai thác tối đa các thông tin do nạn nhân cung cấp. Chính vì thế, trong rất nhiều cuộc giải cứu các nạn nhân bị bán ra nước ngoài, lực lượng Công an cũng đã phải trải qua những phút giây cân não cực kỳ căng thẳng. Mọi hành động giải cứu phải tiến hành hết sức thận trọng, đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối cho nạn nhân. Bởi các anh biết rằng, chỉ một sơ sẩy thôi, khi các cô bị bọn buôn người phát giác ý đồ chạy trốn, thì có lẽ, số phận họ càng trở nên nghiệt ngã hơn…

Khi có tin tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người, lực lượng Công an phải tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời. Tăng cường công tác nắm tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm liên quan đến tội phạm mua bán người.

Lực lượng Công an cấp cơ sở cần tiếp tục duy trì, đẩy mạnh quan hệ phối hợp với Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu để ngăn chặn tình trạng tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam, góp phần ngăn chặn tội phạm mua bán người.

Để giảm thiểu nguy cơ trở thành nạn nhân của các đường dây mua bán người, tại các địa phương, lực lượng Công an tham mưu cho các các cấp chính quyền có chủ trương, chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giảm các nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm mua bán người, như: hỗ trợ các khoản tín dụng lãi suất thấp cho các hộ gia đình khó khăn để phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, cải thiện đời sống; đào tạo kỹ năng, dạy nghề để bảo đảm việc làm ổn định, khôi phục các làng nghề truyền thống…

Đồng thời tích cực trợ giúp xã hội đối với các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; gắn việc giáo dục kiến thức văn hóa cho học sinh với việc giáo dục các kỹ năng sống để trẻ tự bảo vệ mình trước các nguy cơ bị xâm hại. Bên cạnh đó, cần xây dựng làng, xã, phường, khu dân cư văn hóa, không có tệ nạn xã hội; tăng cường sự tham gia của người dân, coi đây là biện pháp có tính nền tảng, bền vững trong phòng ngừa tội phạm mua bán người.

Hợp tác quốc tế, chung tay hành động

Hằng năm, trong khuôn khổ hợp tác về Sáng kiến phối hợp cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông về phòng, chống mua bán người (gọi tắt là Tiến trình COMMIT), Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức các đoàn đại biểu tham dự các diễn đàn, hội nghị, cuộc họp thường niên cấp vùng. Đồng thời, tham mưu Chính phủ đàm phán, ký kết Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người; triển khai thực hiện Tiến trình Bali về phòng, chống đưa người di cư trái phép, mua bán người và tội phạm xuyên quốc gia, Kế hoạch hành động Bohol về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2017-2020…

Bộ Công an cũng đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước láng giềng Campuchia, Lào, Thái Lan và Trung Quốc phòng, chống mua bán người. Tích cực tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký kết Bản Ghi nhớ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh về hợp tác phòng, chống mua bán người; tổ chức ký kết, triển khai Biên bản Ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Nhập cư - bảo vệ biên giới Australia về ngăn chặn nạn đưa người di cư trái phép…

Các địa phương biên giới đất liền đã duy trì giao ban, gặp gỡ, thiết lập đường dây nóng, chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt đối tượng phạm tội; giải cứu, tiếp nhận nạn nhân và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng của 25 tỉnh giáp biên với Campuchia, Lào, Trung Quốc tổ chức gần 500 cuộc giao ban 3 cấp, hơn 2.000 cuộc hội đàm, trao đổi gần 4.000 thông tin liên quan đến phòng, chống mua bán người.

Thời gian tới, dự báo tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp. Đây là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, vì vậy, để có thể triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống loại tội phạm này, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19, Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và trên thế giới cần chung tay giúp đỡ nhau, cũng như cần sự hỗ trợ tích cực về kỹ thuật và nguồn lực của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ có liên quan.

Đại tá Tô Cao Lanh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự, đề xuất tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế phòng, chống mua bán người theo hướng: "Duy trì cơ chế giao ban, có thể qua hình thức trực tuyến, thiết lập đường dây nóng trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng của Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam với các cơ quan hữu quan của các nước, nhất là với Campuchia, Lào, Trung Quốc. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức Interpol và Aseanpol về trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội và giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị mua bán".

Đại tá Tô Cao Lanh cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục là thành viên tích cực của các diễn đàn quốc tế, diễn đàn đa phương trong khu vực, thực hiện có hiệu quả các Hiệp định song phương đã ký với Campuchia, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Bản Ghi nhớ với Vương quốc Anh về phòng, chống mua bán người; đàm phán và ký kết các thỏa thuận quốc tế với Malaysia và Myanmar…                             

Từ năm 2015 đến năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện gần 1.300 vụ, gần 1.700 đối tượng, lừa bán gần 3.000 nạn nhân. Riêng trong các đợt tổ chức triển khai cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người từ năm 2016 đến năm 2020, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá gần 350 vụ, bắt gần 550 đối tượng mua bán người.

T. Hòa

Là người nước ngoài duy nhất đoạt giải trong cuộc thi "Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài" năm 2024 do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động, Lanny Phetnion đã gắn bó với tiếng Việt hơn 10 năm. Hành trình đến với ngôn ngữ này bắt đầu khi Lanny Phetnion nhận được học bổng theo học Khoa Tiếng Việt, Đại học Quốc gia Lào. Cũng từ đây, tiếng Việt đã trở thành bệ đỡ giúp cô gái miền Bắc Lào gặt hái không ít thành công. 

Quen đối tượng có thể làm giả giấy tờ trong ngành Công an, Quân đội, Đàm Đình Phú đã đăng bài trên mạng xã hội nhận làm thủ tục vay tiền đối với khách đang nợ xấu. Sau khi có khách đặt hàng, Phú sẽ yêu cầu cung cấp hình ảnh chân dung để làm giả các loại giấy tờ rồi liên hệ nhân viên ngân hàng làm thủ tục vay tiền, mục đích chiếm đoạt tiền vay.

Luật Công chứng (sửa đổi) quy định công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của Mỹ. Tuy nhiên, mới đây, Tổng thống đắc cử Donald Trump tiếp tục tuyên bố sẽ áp thuế bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cho đến khi nước này ngăn chặn "lượng lớn ma túy, nhất là fentanyl, đang được chuyển vào Mỹ".

Viện KSND tối cao vừa ban hành cáo trạng truy tố cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và 16 bị can khác về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Từ kết quả điều tra những dấu hiệu bất thường tại một số gói thầu thi công xây dựng công trình trên địa bàn TP Nha Trang do Ban Quản lý Dịch vụ Công ích TP Nha Trang làm chủ đầu tư, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, đồng thời bắt tạm giam hai cán bộ nhà nước và hai giám đốc doanh nghiệp.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文