Còn những ai “nhúng chàm” trong vụ “chuyến bay giải cứu”?
Ngoài 54 bị cáo hầu tòa trong giai đoạn 1, cơ quan tố tụng tiếp tục làm rõ về hành vi nhận tiền của nhiều cán bộ, lãnh đạo sai phạm liên quan đến quân đội được tách hồ sơ cho Bộ Quốc phòng tiếp tục làm rõ và giải quyết theo quy định của pháp luật.
Sáng 11/7, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ “chuyến bay giải cứu”. 54 bị cáo bị truy tố về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Bộ Ngoại giao và một số tỉnh, thành phố.
Trong số này, có 25 bị cáo được cơ quan tố tụng xác định đã nhận hối lộ gần 167 tỷ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây thiệt hại trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra, 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đưa hối lộ tổng số tiền trên 226 tỷ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ tổng số tiền hơn 74 tỷ đồng và lừa đảo chiếm đoạt tài sản 24,5 tỷ đồng.
Tuy nhiên vụ án chưa dừng lại ở đây, bởi còn nhiều người và nhiều tình tiết có dấu hiệu sai phạm liên quan “chuyến bay giải cứu” chưa được làm rõ.
Trước đó, các hành vi liên quan đến những cá nhân thuộc quân đội đã được Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an chuyển hồ sơ sang Bộ Quốc phòng để xử lý theo thẩm quyền. Về các chuyến bay giải cứu, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm bố trí cơ sở cách ly y tế đối với những công dân cách ly tại cơ sở quân đội; đồng thời tiếp nhận, đề xuất, xem xét, cho ý kiến phê duyệt kế hoạch tổ chức các chuyến bay giải cứu theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.
Đối với bị cáo Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ), bị cáo Linh được xác định có hành vi nhận hối lộ hơn 4,2 tỷ đồng. Quá trình điều tra, bị cáo Linh khai, đã đưa một phần số tiền này cho người khác. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ lời khai này ở giai đoạn hai của vụ án.
Đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hải (cựu Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ) cùng cấp dưới là bị cáo Nguyễn Tiến Thân được cơ quan tố tụng xác định, đã nhận hối lộ hơn 3,4 tỷ đồng và 10.000 USD. Bị cáo Nguyễn Tiến Thân chủ động khai đã nhận tiền của một số doanh nghiệp khác và sự việc này cũng đang được tiếp tục được điều tra ở giai đoạn hai của vụ án.
Đối với Bộ Ngoại giao, ngoài các bị cáo đang hầu tòa, cơ quan điều tra xác định, còn một số người khác được nhận “tiền bồi dưỡng” khi tổ chức các chuyến bay đưa người về nước trong dịch COVID-19 nên cũng được tiếp tục làm rõ.
Tại Hải Dương, bị cáo Bùi Huy Hoàng (cựu chuyên viên Bộ Y tế) khai, từng đưa 650 triệu đồng cho bà Lê Thị Phượng, Phó trưởng Phòng thuộc UBND tỉnh Hải Dương. Cơ quan tố tụng cho biết, chưa có đủ căn cứ xác định bà Lê Thị Phượng có nhận tiền hay không nên tiếp tục điều tra, làm rõ.
Một người khác bị xác định có hành vi môi giới hối lộ trong vụ án này, nhưng đang bỏ trốn là Trần Thị Hà Liên (lao động tự do). Bà Liên được xác định giúp đưa tiền cho bị cáo Vũ Sỹ Cường (cựu cán bộ tham mưu Cục Quản lý Xuất nhập cảnh). Hành vi này sẽ được làm rõ khi bà Liên đầu thú hoặc bị bắt...