Cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận thức được sai phạm, xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân

17:38 16/01/2025

Trình bày tại tòa, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận thức được việc làm của mình đối với Nguyễn Cao Trí liên quan đến Dự án Đại Ninh và nhận tiền, nhận quà là sai phạm. Bị cáo Dũng xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Chiều 16/1, phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tiếp tục phần thẩm vấn. Được ngồi khai báo, bị cáo Mai Tiến Dũng cho biết, bị cáo quen bị cáo Nguyễn Cao Trí (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giáo dục Văn Lang, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh) từ cuối năm 2019 trong một chuyến tháp tùng lãnh đạo đi nước ngoài. Từ năm 2020, Trí đến Văn phòng Chính phủ nhiều lần vì đang tham gia hoạt động hỗ trợ máy thở.

“Tháng 10/2020, Trí nhờ tôi chuyển giúp đơn thì tôi trả rằng, tôi đang họp. Anh em thư ký nói, Trí muốn gặp nên tôi xuống. Sau đó, tôi có nói không phụ trách xử lý nhưng vẫn chuyển đơn, vì một ngày tôi thường chuyển từ 50 đến 70 cái đơn”, bị cáo Dũng trình bày.

“Khi đó Trí có nói, Thư ký, trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ bảo cứ chuyển đi. Nhưng tôi nói với bị cáo Trần Bích Ngọc (cựu Vụ trưởng Vụ I, Văn phòng Chính phủ) kiểm tra lại xem không thì anh em mình ăn đòn đấy”, bị cáo Dũng khai.

Cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận thức được sai phạm, xin lỗi Đảng, Nhà nước và Nhân dân  -0
Bị cáo Mai Tiến Dũng. 

Bị cáo Dũng khai, lần tiếp theo bị cáo và bị cáo Trí gặp nhau vào tháng 1/2021 và cùng ăn sáng tại Nhà khách Hùng Vương. Trí nói, mua dự án Đại Ninh và nhờ bị cáo giúp đỡ.

“Lúc đó, tôi mới biết và thấy ngại. Trí bảo tôi giúp đỡ chỗ nọ, chỗ kia, nhưng tôi chỉ ờ ờ chứ không tác động ai cả”, bị cáo Dũng kể lại. Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Bị cáo có nhận tiền từ bị cáo Trí?”. Bị cáo Dũng thừa nhận: “Trí cho tôi 200 triệu đồng, tôi để ở đấy chứ chưa dùng vào việc gì”. Ngoài nhận của bị cáo Trí 200 triệu đồng, bị cáo Dũng cũng thừa nhận đã được bị cáo Trí trả giúp 380 triệu đồng khi mua quà tặng nhân dịp 75 năm ngày truyền thống Văn phòng Chính phủ.

“Tôi hoàn toàn nhận thức hành vi của mình là sai, nhưng tôi không thỏa thuận hay mặc cả việc nhận tiền của Trí. Tôi xin nhận lỗi trước lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhận lỗi trước nhân dân”, bị cáo Dũng trình bày.

Bị cáo Dũng mong Hội đồng xét xử xem xét bối cảnh khi phạm tội, vì Chính phủ luôn kiến tạo, hành động để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. “Xin tòa xem quá trình gần 50 năm công tác, tôi đi thiếu sinh quân từ năm 14 tuổi, đến nay chưa bị kỷ luật gì cả. Bản thân tôi yếu lắm, mong Hội đồng xét xử cho tôi được hưởng khoan hồng”, bị cáo Dũng kết thúc phần trình bày.

Bị cáo Trần Bích Ngọc. 

Khai báo trước tòa, bị cáo Trần Bích Ngọc (cựu Vụ trưởng Vụ I, Văn phòng Chính phủ) cho biết, bị cáo quen bị cáo Trí từ năm 2019 khi Trí khiếu kiện một vụ việc khác. Về Dự án Đại Ninh, Văn phòng Chính phủ nhận tất cả 7 đơn kiến nghị và đã chuyển 3 đơn sang Thanh tra Chính phủ nhưng không được trả lời.

Lần nhận đơn thứ 7, bị cáo Ngọc làm phiếu trình Phó Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, Phó Thủ tướng Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ giải quyết.

Chủ tọa hỏi: “Tại sao phải làm phiếu trình thông qua Phó Thủ tướng Chính phủ?”. Ngọc trả lời, thông thường một năm, Văn phòng Chính phủ nhận khoảng 20.000 đơn các loại, sau đó phân loại theo thẩm quyền rồi chuyển đi.

“Lần thứ 7 có đơn kiến nghị liên quan đến Dự án Đại Ninh, bị cáo trình Phó Thủ tướng Chính phủ và cựu Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ đạo. Lý do, vì Thông tư 07 về giải quyết khiếu nại tố cáo có quy định, nếu đơn thư không được giải quyết, phải trình cấp trên xem xét, xử lý”, bị cáo Ngọc giải thích.

Bị cáo Trần Đức Quận.

Theo bị cáo Ngọc, các đơn của doanh nghiệp kiến nghị kết luận của Thanh tra Chính phủ nên lúc đó, bị cáo nghĩ chuyển cho Phó Thủ tướng chính phủ là đúng. Đến nay, bị cáo đã nhận thức được sai lầm của mình.

Trước bục khai báo, bị cáo Trần Đức Quận (cựu Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng) cho biết, quen biết bị cáo Trí từ năm 2020 và có nhận của Trí 5 lần với tổng số tiền hơn 2 tỷ đồng.

Bị cáo Quận bị cáo buộc với vai trò là Bí thư Tỉnh ủy đã nhận tiền của bị cáo Trí để thực hiện công việc theo yêu cầu của Trí. Sau khi nhận tiền, bị cáo Quận đã chỉ đạo cán bộ dưới quyền thực hiện các thủ tục, qua đó giúp Công ty Sài Gòn Đại Ninh được gia hạn, giãn tiến độ triển khai thực hiện Dự án Đại Ninh trái quy định của pháp luật. 

Theo lời khai của bị cáo Quận, Dự án Đại Ninh là dự án lớn, nằm trong nghị quyết của tỉnh Lâm Đồng nhưng qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa thể đi vào thực hiện. “Bị cáo đã đôn đốc UBND tỉnh Lâm Đồng các công việc liên quan đến Dự án Đại Ninh cũng như các dự án khác của tỉnh. Bị cáo không đòi hỏi gì từ Trí, nhưng sau mỗi buổi làm việc, Trí đều đến chào hỏi, đưa tiền cảm ơn và nhờ giúp đỡ, tạo điều kiện cho Công ty Sài Gòn Đại Ninh trong quá trình thực hiện dự án”, bị cáo Quận khai.

Bị cáo Quận thừa nhận, việc bị cáo nhận tiền của doanh nghiệp là sai và mong Hội đồng xét xử xem xét, tạo điều kiện để bị cáo sớm được trở về với gia đình.

Bị cáo Trần Văn Hiệp. 

Đến lượt mình khai báo, bị cáo Trần Văn Hiệp (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) cũng thừa nhận, sau khi nhận chỉ đạo từ bị cáo Quận, bị cáo đã 7 lần nhận của Trí tổng số tiền 4,2 tỷ đồng để thực hiện công việc theo đề nghị của Trí.

Bị cáo Hiệp bị cáo buộc đã chỉ đạo cấp dưới giúp Công ty Sài Gòn Đại Ninh thực hiện các thủ tục thay đổi Kết luận 929 của Thanh tra Chính phủ không thu hồi, mà còn gia hạn thực hiện Dự án Đại Ninh trái quy định của pháp luật.

Bị cáo Hiệp khai, sau khi nhận 4,2 tỷ đồng từ bị cáo Trí, bị cáo không dùng số tiền này để tiêu xài, mua sắm cá nhân mà mang đi làm từ thiện. “Tôi không vòi vĩnh và đã ba lần từ chối, bảo Trí mang tiền đó đi làm từ thiện, nhưng Trí nói việc làm công tác xã hội Trí đã thực hiện rồi. Cuối cùng, tôi vẫn nhận tiền và đây là sai lầm của tôi”, bị cáo Hiệp khai.

Trình bày về việc làm trái pháp luật, bị cáo Hiệp tự nhận thấy, đây là vết trượt ngã cuối đời của mình và vô cùng ân hận. Bị cáo đã tác động gia đình nộp lại 4,2 tỷ đồng và mong Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình.

Sáng mai (17/1), phiên tòa tiếp tục.

Nguyễn Hưng

Chất lỏng nhìn giống như bùn đất trào ra khu vực ngõ 7 Giang Văn Minh, Kim Mã, Hà Nội là phụ gia đào hầm phun lên mặt đất trong quá trình khoan hầm bằng máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) tại đoạn tuyến đi ngầm của Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội. Chiều 21/2,  Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nôi (MRB) đã chính thức thông tin về nguyên nhân và các biện pháp xử lý hiện tượng này.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, ngày 27/2, TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trương Huy San (tức "Osin Huy Duc"), SN 1961, trú tại phường 14, quận 3, TP Hồ Chí Minh về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 331 BLHS. 

Với thủ đoạn làm quen, kết bạn qua mạng xã hội để gạ gẫm “chat” nhạy cảm rồi bí mật ghi lại màn hình; sau đó dùng hình ảnh, video này để tống tiền nạn nhân. Chiêu trò này không mới, nhưng lại rộ lên trong thời gian gần đây tại nhiều địa phương, và vẫn có không ít người sập bẫy, không chỉ mất tiền mà còn bị khủng bố về tinh thần.

Các cặp đấu vòng 1/8 Champions league mùa 2024/2025 đã được xác định trong lễ bốc thăm được Liên đoàn Bóng đá châu Âu tổ chức vào tối 21/2 (giờ Việt Nam). Theo đó cuộc đọ sức được mong chờ nhất là giữa Real và Atletico.

Liên quan đến những sai phạm tại Công ty CP Cao su Đắk Lắk, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định truy tìm ông Nguyễn Quang Đức, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP thương mại du lịch Bản Đôn.

Ngày 21/2, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy Đồng Nai đã thông báo về kết quả kỳ họp thứ 47, trong đó đề nghị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật về mặt đảng đối với Dương Văn Đông, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở GTVT Đồng Nai và Nguyễn Thị Mộng Thu, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở LĐ - TB và XH Đồng Nai…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.