Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết được đề nghị giảm án từ 13 đến 14 năm tù

10:47 19/06/2025

Đại diện viện kiểm sát nhận thấy, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã khắc phục hoàn toàn hậu quả trong vụ án và còn nộp thừa 22 tỷ đồng, ngoài ra Quyết đang bị bệnh nặng nên cần giảm án tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và chuyển từ hình phạt tù sang phạt tiền về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. 

Sang ngày xét xử phúc thẩm thứ ba (19/6) đối với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tạo Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan, sáng 19/6, đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án phúc thẩm với 50 bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, toàn bộ hậu quả vụ án đã được khắc phục; một số bị cáo không bị buộc nộp tiền khắc phục nhưng vẫn tự nguyện nộp, do đó khi xét giảm án cho bị cáo chủ mưu thì cũng có căn cứ xem xét, giảm án cho các bị cáo đồng phạm và cả những người liên quan đến vụ án.

Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết được đề nghị giảm từ 21 năm tù xuống 14 năm tù  -0
Đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo sáng 19/6. 

Sau khi phân tích, đánh giá toàn diện vụ án, đồng thời áp dụng các tình tiết giảm nhẹ, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Quyết từ 7-8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và phạt 4 tỷ đồng về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Quyết 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”, tổng hợp hình phạt cả hai tội danh là 21 năm tù. 

Như vậy, đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị giảm án cho bị cáo Quyết từ 13 - 14 năm tù.

Hai em gái của bị cáo Quyết là Trịnh Thị Minh Huế (cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC) và Trịnh Thị Thúy Nga (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS) cũng được đại diện Viện kiểm sát ghi nhận có nhiều tình tiết giảm nhẹ.

Theo đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chuyển hình phạt tù sang phạt tiền đối với bị cáo Huế và bị cáo Nga về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và đề nghị giảm hình phạt tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. 

Các bị cáo tại phiên tòa. 

Trong đó, bị cáo Huế bị đề nghị phạt 3,5 tỷ đồng về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và 4 năm 6 tháng tù đến 5 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt Huế là 14 năm tù về hai tội danh trên. 

Bị cáo Nga cũng được đại diện Viện kiểm sát đề nghị chuyển án phạt tù sang phạt tiền 3,5 tỷ đồng về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và 3 năm 6 tháng tù đến 4 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt Nga 8 năm tù về hai tội danh trên.

47 bị cáo khác tùy theo mức độ phạm tội cũng được đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt khi lượng hình.

Bản án phúc thẩm xác định, từ khi Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Tập đoàn FLC và xây dựng hệ sinh thái 82 công ty, trong đó có Công ty Faros được mua lại năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Sau đó, Quyết và đồng phạm dùng thủ đoạn gian dối, khống vốn lên 4.300 tỷ đồng, đưa lên sàn giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE).

Hội đồng xét xử đánh giá, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi cổ phiếu ROS của Công ty Faros đã được hơn 25.000 nhà đầu tư bỏ tiền mua, tổng giá trị hơn 3.620 tỷ đồng.

Ngoài ra, 430 triệu cổ phiếu đã phát hành theo vốn điều lệ 4.300 tỷ đồng của Công ty Faros, trong đó giá trị nâng khống là 3.102 tỷ đồng. Như vậy mỗi cổ phiếu ROS được niêm yết phát hành có 72,15% nâng khống, mệnh giá cổ phiếu ROS được chào bán trên thị trường khi đó là 10.000 đồng. Do đó trên mỗi cổ phiếu, các bị cáo đã nâng khống 7.215 đồng.

Tính đến ngày ROS bị hủy niêm yết trên sàn HoSE, 5/9/2022, 63.075 nhà đầu tư (không bao gồm các bị cáo) đang giữ tổng cộng hơn 567 triệu cổ phiếu ROS. Trước ngày diễn ra phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Quyết và gia đình đã nộp toàn bộ số tiền để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, gia đình bị cáo Quyết còn nộp thừa 22 tỷ đồng với mong muốn số tiền này sẽ được viện kiểm sát và tòa án xem xét, chuyển từ hình phạt tù sang phạt tiền đối với tội “Thao túng thị trường chứng khoán”.

Trước phiên phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã nhận được hơn 5.000 đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Quyết từ bị hại và nhân viên Tập đoàn FLC cùng một số hiệp hội và địa phương.

Từ sau hôm tuyên án phiên tòa sơ thẩm ngày 5/8/2024, Quyết không xuất hiện tại tòa do mắc nhiều bệnh lý về hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao, cần điều trị lâu dài.

Nguyễn Hưng

Quá trình thanh tra phát hiện việc đấu giá 21 lô đất tại huyện Long Hồ (cũ), nay là phường Thanh Đức (tỉnh Vĩnh Long) đã để xảy ra sai phạm, thiếu sót và làm hạn chế cá nhân tham gia đấu giá, ảnh hưởng đến nhà đầu tư trong thực hiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến dự án nhà ở.

Chiều muộn ngày 9/7, trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Phạm Bạch Đằng, Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (TP Hà Nội) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc cô giáo bạo hành bé gái là học sinh một trường mầm non và Công an phường đã có báo cáo cụ thể. Hiện nay, bé gái đang được cơ quan chức năng đưa đi giám định thương tích.

Trả lời câu hỏi của một sinh viên về việc hiện đang học tại trường Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam và muốn thi thêm vào một trong các trường của lực lượng CAND để tham gia học một lúc song song 2 trường, Bộ Công an cho biết, theo quy định của Bộ, thí sinh không được đăng ký học song song hai bằng đại học trong thời gian theo học tại các cơ sở đào tạo ngoài lực lượng CAND.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.