Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận bị đề nghị mức án từ 5 đến 6 năm tù

09:57 12/05/2023

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Hai từ 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trước đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai bị Viện KSND tối cao truy tố về tội danh trên theo khoản 3, Điều 219 với khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù. 

Sáng 12/5, TAND TP Hà Nội tiếp tục điều hành phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai và đồng phạm trong vụ “bán rẻ” 9,2 ha đất tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 45 tỷ đồng. Sang ngày làm việc thứ ba, chủ tọa phiên tòa thông báo kết thúc phần thẩm vấn. Trước khi chuyển sang phần tranh luận, chủ tọa phiên tòa đề đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa nêu quan điểm giải quyết vụ án.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Ngọc Hai từ 5-6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Trước đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai bị Viện KSND tối cao truy tố về tội danh trên theo khoản 3, Điều 219 với khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù. Lý giải về việc bị cáo Nguyễn Ngọc Hai được áp dụng tình tiết giảm nhẹ dưới khung hình phạt, đại diện Viện kiểm sát nêu quan điểm, vụ án gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính chặt chẽ của quy định quản lý đất đai.

Từ trái qua: Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai; cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận Lương Văn Hải và cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn  Phong. 

Việc đưa các bị cáo nguyên là cựu lãnh đạo, cán bộ tỉnh Bình Thuận ra xét xử thể hiện tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung trong xã hội, và cũng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương là  pháp luật không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai có nhiều thành tích trong công tác, không vụ lợi, khai báo thành khẩn và có ý thức khắc phục hậu quả vụ án.

Đối với 10 bị cáo khác cùng bị truy tố  về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt mức án sau:

Lương Văn Hải (cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) từ 4-5 năm tù. Hồ Lâm (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận) từ 4-5 năm tù. Lê Nguyễn Thanh Danh (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận) từ 4-5 năm tù.

Đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa luận tội các bị cáo và nêu quan điểm giải quyết vụ án vào sáng 12/5.

Ngô Hiếu Toàn (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận) từ 30-36 tháng tù. Đặng Hoài Nhân (cựu Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận) từ 30-36 tháng tù. Nguyễn Thị Thu Phong (cựu Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh Bình Thuận) từ 30-36 tháng tù.

Nguyễn Thanh Cho (cựu Chi cục trưởng Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận) từ 24-30 tháng tù. Lê Nam Hưng (cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận) từ 24-30 tháng tù.

Lê Anh Huy (cựu Trưởng phòng kinh tế đất, thuộc Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận) từ 18-24 tháng tù. Phạm Duy Cường (cựu Phó trưởng Phòng kinh tế đất, thuộc Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận) từ 24-30 tháng tù.

Riêng bị cáo Nguyễn Văn Phong (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cựu Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận) bị đề nghị từ 24-36 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Về dân sự, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa xác định, sai phạm của các cựu cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận dẫn đến việc Công ty Tân Việt Phát hưởng lợi số tiền chênh lệch hơn 45 tỷ đồng mà lẽ ra phải nộp đủ cho Nhà nước thì mới được giao đất.

Công ty Tân Việt Phát được hưởng lợi bất hợp pháp số tiền trên không có căn cứ pháp luật, gây thiệt hại cho Nhà nước. Vì thế đại diện Viện kiểm sát đề nghị bên có quyền nghĩa vụ liên quan đến vụ án là Công ty Tân Việt Phát phải tiếp tục nộp lại số tiền này.

Tại phiên tòa, đại diện Công ty Tân Việt Phát cũng đã xin nộp lại số tiền trên. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử ghi nhận sự tự nguyện của Công ty Tân Việt Phát.

Theo đại diện Viện kiểm sát, những sai phạm của các bị cáo trong vụ án này gây hậu quả nghiêm trọng, để lại dư luận xấu và ảnh hưởng đến tính chặt chẽ của quy định quản lý đất đai của Nhà nước.

Việc xét xử các bị cáo nguyên là cựu cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận thể hiện tính răn đe của pháp luật, không có vùng cấm". Tuy nhiên, đại diện Viện kiểm sát đánh giá các bị cáo có nhiều đóng góp cho tỉnh Bình Thuận, phạm tội không tư lợi. Do đó, đại diện Viện kiểm sát kiến nghị Hội đồng xét xử cân nhắc, xem xét các tình tiết giảm nhẹ, xử phạt các bị cáo dưới mức thấp nhất của khung hình phạt.

Bản luận tội của đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa nêu rõ, năm 2013, tỉnh Bình Thuận chủ trương bán đấu giá 3 lô đất có tổng diện tích hơn 9 ha tại thành phố Phan Thiết, giá khởi điểm là hơn 111 tỷ đồng (khoảng 1,2 triệu đồng một m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên, sau 6 lần thông báo, không có tổ chức hay cá nhân nào tham gia mua đấu giá.

Đầu năm 2016, giá đất tại tỉnh Bình Thuận tăng. Ngày 26/7/2016, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai với chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của tỉnh, trong đó có khu vực 3 lô đất trên lên thành 1,6 triệu đồng một m2. Năm 2017, lô đất này được giao cho Công ty Tân Việt Phát với giá được phê duyệt từ năm 2013 là 1,1 triệu đồng một m2.

Sau khi có phản ánh của người dân về việc giao 3 lô đất giá rẻ và có sai phạm, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai chỉ đạo bị cáo Nguyễn Văn Phong (khi đó là Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận) kiểm tra lại việc giao đất không qua đấu giá. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Văn Phong không chỉ đạo các bộ phận chuyên môn làm việc này, mà chỉ đạo Hồ Thị Út (khi đó là Phó trưởng Phòng Quản lý giá và công sản) soạn công văn để ký gửi Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận khẳng định, việc giao đất cho Công ty Tân Việt Phát phù hợp quy định.

Cáo trạng xác định, sai phạm của bị cáo Nguyễn Văn Phong khiến UBND tỉnh Bình Thuận không thu hồi đất kịp thời, để các sở, ngành liên quan và Công ty Tân Việt Phát thực hiện thủ tục giao, cho thuê, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 45 tỷ đồng. Bị cáo Nguyễn Ngọc Hai được xác định có vai trò chính. Các bị cáo còn lại có vai trò đồng phạm.

Nguyễn Hưng

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Nắm được nhu cầu nhiều công dân có nguyện vọng đi xuất khẩu lao động, Trần Thị Hằng Nga đã đưa ra các thông tin tuyển dụng lao động nước ngoài, nhận hồ sơ và tiền, từ đó lừa đảo, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân. Đối tượng này vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An khởi tố.

Sáng 21/5, thông tin từ Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết đang phối hợp, chỉ đạo các đơn vị chức năng liên quan khẩn trương giải quyết vụ lật xe trên Quốc lộ 15D đi cửa khẩu quốc tế La Lay, đảm bảo thông tuyến trong thời gian sớm, hạn chế thiệt hại phát sinh do tuyến đường bị ùn tắc giao thông.  

Quán triệt chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đã tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm “trên dưới đồng lòng” triển khai bài bản, khoa học việc bố trí con người, trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng cấp Công an thứ tư đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực về an ninh trật tự, vun đắp nghĩa tình quân dân và sự trưởng thành từ chính những chiến sĩ Công an bám cơ sở.

Ngày 21/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vừa bắt giữ Trương Tất Hảo (SN 1971), là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc và cố ý gây thương tích.

Hôm nay (21/5), Lễ bốc thăm ASEAN Mitsubishi Electric Cup (tiền thân là AFF Cup) năm 2024 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đội tuyển Việt Nam cũng sẽ khởi động cho chiến dịch này dưới thời huấn luyện viên Kim Sang Sik.

Quá trình thi công móng cột xảy ra sạt lở làm nhiều người thương vong, mở đường công vụ trái phép trên đất rừng phòng hộ, tự ý chặt hạ cây gỗ rừng tự nhiên và tại nhiều vị trí móng cột vẫn còn vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)... là những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文