Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương bị đề nghị truy tố trong vụ gây thiệt hại hơn 937 tỷ đồng

14:48 12/09/2024

Bị can Hoàng Quốc Vượng (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) và bị can Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương) đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc Bộ Công thương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi, qua đó gây ra thiệt hại hơn 937 tỷ đồng cho EVN (tính đến ngày 28/6/2023).

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận điều tra bổ sung vụ án xảy ra tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bộ Công thương cùng một số tỉnh, thành liên quan, đồng thời đề nghị Viện KSND tối cao truy tố 12 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” hoặc tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tại bản kết luận điều tra bổ sung, cơ quan điều tra xác định, bị can Hoàng Quốc Vượng (cựu Chủ tịch EVN, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương) cùng bị can Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương) có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc Bộ Công thương tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về diện đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách giá điện ưu đãi.

Bị can Hoàng Quốc Vượng.

Cơ quan điều tra xác định, hành vi của các bị can Hoàng Quốc Vượng và Phương Hoàng Kim gây ra thiệt hại hơn 937 tỷ đồng cho EVN (tính đến ngày 28/6/2023).

Quá trình điều tra, bị can Hoàng Quốc Vượng đã nộp 1,5 tỷ đồng khắc phục hậu quả và được ghi nhận các tình tiết giảm nhẹ như: thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội, có nhiều thành tích trong công tác. Bộ Công thương cũng có văn bản ghi nhận đóng góp trong quá trình công tác và đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm cho bị can Hoàng Quốc Vượng.

Sai phạm thứ 2 trong vụ án thuộc về một số bị can thuộc Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương), Tập đoàn Điện lực Việt Nam có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc cấp giấy phép hoạt động điện lực, Công ty Mua bán điện công nhận ngày vận hành thương mại, Cục Thuế tỉnh Bình Phước hoàn thuế giá trị gia tăng cho Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3.

Bị can Phương Hoàng Kim.

Đối với hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, cơ quan điều tra xác định, từ tháng 10 đến tháng 12/2020, Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 hoàn thành việc đầu tư xây dựng và vận hành thương mại Nhà máy điện mặt trời Lộc Ninh 3 tại tỉnh Bình Phước trên diện tích 149 ha đất rừng sản xuất.

Khu đất này thuộc quyền sử dụng của Công ty MTV Cao su Lộc Ninh. Tuy nhiên, diện tích xây dựng này không được các cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang đất công trình năng lượng; không được cấp phép xây dựng; không được ra quyết định chủ trương đầu tư.

Do đó, việc Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời đã vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư đồng thời dự án này không thuộc diện được hoàn thuế giá trị gia tăng.

Tuy vậy, tháng 4/2021, Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 vẫn có giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước gửi kèm hồ sơ đề nghị Cục Thuế tỉnh Bình Phước hoàn trả 145 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng từ việc đầu tư, xây dựng dự án nhà máy điện mặt trời.

Bị can Nguyễn Duy Khánh (cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Phước) đã ký ban hành thông báo chuyển hồ sơ đề nghị hoàn thuế của Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau đồng thời lập đoàn kiểm tra do bị can Phan Văn Sang (cựu công chức Phòng Thanh tra Kiểm tra 3) làm Trưởng đoàn.

Tháng 7/2021, bị can Phan Văn Sang kỳ báo cáo và phiếu đề xuất hoàn thuế, trình bị can Trần Văn Định (cựu Trưởng Phòng Thanh tra Kiểm tra 3) phê duyệt để chuyển đến Phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế thực hiện thẩm định pháp chế.

Sau đó, bị can Phạm Quang Vinh (cựu Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ Dự toán Pháp chế) ký văn bản xác định Công ty cổ phần năng lượng Lộc Ninh 3 có đầy đủ hồ sơ và đáp ứng các điều kiện để xét hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Trên cơ sở đó, Cục Thuế tỉnh Bình Phước đã hoàn trả 145 tỷ đồng cho Công ty cổ phần Lộc Ninh 3. Số tiền này bị cơ quan điều tra xác định là thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”:

1. Hoàng Quốc Vượng (cựu Thứ trưởng Bộ Công thương).

2. Phương Hoàng Kim (cựu Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương).

3. Trịnh Văn Đoàn (cựu Chuyên viên Phòng cấp phép và quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương).

4. Trần Quốc Hùng (cựu Phó trưởng Phòng Cấp phép và quan hệ công chúng, Cục Điều tiết Điện lực, Bộ Công thương).

5. Trương Hoàng Đăng (cựu nhân viên phòng kỹ thuật và công nghệ thông tin Công ty mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

6. Nguyễn Danh Sơn (cựu Giám đốc Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

7. Nguyễn Hữu Khải (cựu Trưởng phòng Kinh doanh mua bán điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

8. Đỗ Ngọc Tuyền (cựu Chuyên viên Phòng Kinh doanh mua bán điện, Công ty Mua bán điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam).

9. Phan Văn Sang (cựu công chức Phòng Thanh tra kiểm tra 3, Cục Thuế tỉnh Bình Phước).

Tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”:

1. Nguyễn Duy Khánh (cựu Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Phước).

2. Trần Văn Định (cựu Trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh Bình Phước).

12. Phạm Quang Vinh (cựu Phó trưởng phòng Phòng Thanh tra - kiểm tra 1, Cục thuế tỉnh Bình Phước).

Nguyễn Hưng

Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng đã được Chính phủ ban hành và chính thức có hiệu lực từ ngày 25/12. Một trong những điểm mới của Nghị định này là quy định về việc người dùng mạng xã hội phải xác thực tài khoản bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.

Để thu hút cá nhân và doanh nghiệp, Hồ Quốc Thân (SN 1992, quê quán xã Bồng Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) giới thiệu rằng anh ta đã được tiếp quản nguồn tài sản, di sản rất lớn từ "Tổng bộ Hồ Chí Minh"; đồng QFS được bảo chứng bằng di sản của nhiều nguồn, các gia tộc lưu lại trong hàng trăm năm qua, được 48 nước công nhận và sẽ được kích hoạt vào tháng 10, 11/2024 tại Việt Nam… Tham gia vào "hệ sinh thái" doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ vốn để tái cơ cấu, phát triển không phải thế chấp, không phải trả lãi suất. Vì thế, cho đến khi cơ quan Công an vào cuộc, đã có khoảng 100 doanh nghiệp và gần 400 cá nhân đã mua đồng QFS, với tổng giá trị hàng chục tỷ đồng.

Sáng 25/12, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (ANM và PCTP) sử dụng công nghệ cao (CNC) Công an tỉnh vừa chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an, Công an TP Tam Kỳ, Công an huyện Thăng Bình triệt xóa đường dây đánh bạc qua mạng xã hội dưới hình thức ghi lô đề quy mô hơn 50 tỷ đồng.

Đêm 24/12, các tổ công an 141 Công an TP Hà Nội triển khai nhiệm vụ trên địa bàn toàn thành phố đảm bảo ANTT, phòng chống đua xe đêm Noel qua đó đã phát hiện, xử lý rất nhiều trường hợp "quái xế" ngổ ngáo có hành vi nẹt pô, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 24/12, tại bản Mé Lếch, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, Công an tỉnh Sơn La chủ trì, phối hợp với Công an huyện Mai Sơn và Đội Quản lý thị trường (khu vực Mai Sơn, Yên Châu) đã kiểm tra, phát hiện Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo Châu Sơn La sản xuất, kinh doanh bánh mỳ tươi không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文