Đại án Vạn Thịnh Phát: Bị cáo cảm ơn đại diện Viện Kiểm sát vì đã "lắng nghe và thấu hiểu"
Sáng 2/4, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB tiếp tục phần đối đáp.
Trong phần đối đáp hôm qua, ngày 1/4, đại diện VKSND TP Hồ Chí Minh đã khẳng định bị cáo Lan quanh co, ngoan cố, là người dám làm mà không dám nhận, dùng thủ đoạn tinh vi “chỉ đạo miệng”. Bà Lan là người nắm giữ hơn 90% cổ phần Ngân hàng SCB. Dù không giữ vai trò gì trong ngân hàng, nhưng với cổ phần nắm giữ, cộng với việc bố trí nhân lực là những thân tín, có trình độ nghiệp vụ vào những vị trí chủ chốt của ngân hàng, bà Lan đã chi phối chỉ đạo việc rút tiền của SCB.
Bên cạnh đó, đại diện VKS cũng đã nêu hành vi phạm tội tinh vi, có tổ chức, xảo quyệt cùng nhiều tình tiết tăng nặng của một số bị cáo.
Quá trình tranh luận ngày 2/4, luật sư của các bị cáo rất quan tâm đến việc xác định thiệt hại của vụ án và hành vi phạm tội của các bị cáo.
Trong phần đối đáp bổ sung, Trần Thị Mỹ Dung chỉ biết cảm ơn đại diện VKS vì đã lắng nghe và thấu hiểu những gì bị cáo đã trình bày. Đại diện VKS nêu rõ, giai đoạn từ ngày 11/9/2019 đến ngày 4/1/2021, bị cáo Dung với vai trò là Phó Giám đốc khối và Giám đốc Phòng tái thẩm định chỉ có thẩm quyền ký tờ trình để cho Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc và Hội đồng quản trị SCB duyệt 279 khoản vay, theo nguyên tắc có lợi, cơ quan tố tụng xử lý đối với bị cáo Dung về tội “Tham ô tài sản”, thời gian phạm tội xuyên suốt từ 11/9/2019 đến 14/9/2022 là hoàn toàn chính xác.
Nhiều luật sư khác khi tranh luận cũng cảm ơn và ghi nhận đại diện VKS đã áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo khi đã đối trừ giá trị tài sản bảo đảm cho dư nợ của các khoản vay, sử dụng giá trị tài sản bảo đảm của khoản vay này cho phép đối trừ dư nợ với khoản vay khác. Tuy nhiên, các luật cũng cho rằng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo chưa được áp dụng một cách triệt để.
Trong sáng nay, luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Cao Trí (cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) thông báo với HĐXX rằng, ngay sau khi VKS nêu quan điểm luận tội, gia đình bị cáo đã tạm nộp 61 tỷ đồng, là tiền bị cáo Trí khắc phục hậu quả.
Cuối buổi sáng, luật sư của bị cáo Nguyễn Văn Hưng (nguyên Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra Ngân hàng Nhà nước) thì đề nghị VKS xem lại vì thân chủ không phải là người có vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Đối đáp bổ sung, ông Nguyễn Văn Hưng đã “giãi bày” một số tình tiết liên quan viếc ký Báo cáo kết quả thanh tra lên Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ, khẳng định từ trước đến nay trong sạch, không có ý định bao che ngay cả trong suy nghĩ…