Đại án Vạn Thịnh Phát: Nhiều bị cáo bày tỏ ân hận, hối lỗi
Sáng 1/4, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo đồng phạm liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB bước sang tuần thứ 5 với phần đối đáp của đại diện VKS sau khi các luật sư đã bào chữa cho thân chủ của mình. Trước đó đại diện VKS đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt các mức án tương thích nhằm mục đích răn đe.
Bà Trương Mỹ Lan bị truy tố về 3 tội danh: “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Tham ô tài sản”. Đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đề nghị HĐXX tuyên phạt Trương Mỹ Lan mức án tổng hợp là tử hình.
Các bị cáo khác bị truy tố nhiều tội danh khác nhau, bị đại diện VKS đề nghị các mức án nhẹ nhất từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, đến 20 -22 năm tù. Một số bị cáo bị đề nghị án chung thân.
Trong quá trình bào chữa và tự bào chữa, hầu hết các luật sư không tranh luận về tội danh mà cáo trạng nêu mà chỉ nêu một số tình tiết để làm rõ hành vi phạm tội và những tình tiết giảm nhẹ như là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan cũng như đã khắc phục hậu quả, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ mức án cho thân chủ của mình. Bào chữa bổ sung, các bị cáo đều thừa nhận hành vi sai phạm.
Tuy nhiên, có bị cáo lại cho rằng mình chỉ là người đánh máy, giữ sổ sách,… nhưng lại bị đề nghị mức án ngang bằng các “sếp”. Có bị cáo "xấu hổ không dám gặp gỡ vợ con, người thân", vì biết mình bị đề nghị mức án quá nặng, như bị cáo Hồ Bửu Phương, Phó Tổng giám phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị đề nghị từ 19 -20 năm tù.
Bị cáo Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB) bị truy tố tội “Tham ô tài sản” và “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Bị cáo này từng được bà Lan cho 40 tỷ… ăn tết, bị VKS đề nghị mức án tù chung thân. Bùi Anh Dũng trình bày: “Sau khi nghe Viện KSND TP Hồ Chí Minh đề nghị án chung thân, bị cáo không ngủ được, vợ và mẹ bị cáo khóc hết nước mắt”.
Bị cáo Mai Văn Sáu Nhở (cựu Trưởng phòng Tài thẩm định Ngân hàng SCB, bị đề nghị 11 – 12 năm tù) bày tỏ sự tiếc nuối trong muộn màng. Bị cáo này khai đã nhận ra dấu hiệu vi phạm pháp luật trong các hồ sơ vay vốn, từng từ chối tái thẩm định Dự án Mũi Đèn Đỏ và xin nghỉ việc. Bị cáo rất hối hận, xin HĐXX khoan hồng, tuyên xử mức án nhẹ nhất. Nhiều bị cáo khác cũng “nước mắt ngắn dài”, ân hận về hành vi của mình nhưng cũng cho rằng mức án mà đại diện VKS đề nghị quá cao, đồng thời xin HĐXX xem xét.
Những bị cáo là cán bộ thanh tra thuộc thanh tra Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng thừa nhận hành vi. Bị cáo Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Thanh tra, giám sát ngân hàng II - cục II, thuộc NHNN, Trưởng đoàn thanh tra) nhận 5,2 triệu USD, nhằm giúp ngân hàng này không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt của NHNN, bị đại diện VKS đề nghị mức án chung thân. Tại tòa bà khai rằng thấy vô cùng ân hận, xấu hổ với gia đình.
Trong vụ án này, bà Trương Mỹ Lan được cho là người chủ mưu, cầm đầu. Theo nhận định của đại diện VKS, Bà Trương Mỹ Lan đã lợi dụng hoạt động của ngân hàng trong việc huy động vốn, hợp nhất 3 ngân hàng tư nhân gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn (cũ), Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng TMCP Đệ Nhất thành Ngân hàng SCB. Từ việc hợp nhất, trong đó, bà Chủ tịch Vạn Thịnh Phát nắm đến hơn 90% cổ phần ngân hàng SCB, trở thành cổ đông lớn nhất. Bị cáo Lan đã chỉ đạo, điều hành, thao túng toàn bộ hoạt động của SCB, phục vụ cho các mục đích khác nhau của mình.
Đại diện VKS nêu, trong hơn 10 năm, bà Trương Mỹ Lan và “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát đã “rút ruột” hơn 1,06 triệu tỷ đồng, dư nợ còn lại không thể thu hồi tại SCB là 677.000 tỷ đồng. Bị cáo Lan đã sử dụng Ngân hàng SCB như là công cụ để rút tiền, số tiền rút ra ngày càng nhiều, có sự tiếp tay giúp sức của các bị cáo là các cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB.