“Đại gia” Trịnh Sướng phủ nhận cáo buộc của cáo trạng mới
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bị cáo Trịnh Sướng cho biết, không đồng tình với cáo buộc mới của Viện KSND về số lượng xăng giả (đợt bổ sung mới nhất tháng 5/2021).
Ngày 21/12, phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” của nhóm Trịnh Sướng và 3 nhóm khác hoạt động riêng rẽ ở nhiều tỉnh thành đã kết thúc ngày xét xử thứ 2.
Trong ngày hôm nay, HĐXX đã lần lượt xét hỏi đối với 39 bị cáo trong vụ án. Phần lớn các bị cáo đều giữ nguyên lời khai ở phiên tòa lần trước. Riêng đối với Trịnh Sướng, bị cáo này phủ nhận cáo buộc của Viện KSND tỉnh Đắk Nông liên quan đến số lượng xăng giả cả nhóm sản xuất.
Trong lần truy tố trước, Viện KSND cáo buộc Trịnh Sướng cầm đầu đường dây sản xuất hơn 137 triệu lít xăng giả, tương đương với số lượng hàng thật trị giá hơn 2.400 tỷ đồng. Trịnh Sướng đã bán ra thị trường hơn 133 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 102 tỷ đồng (tại phần tranh luận, số tiền bị cáo buộc thu lợi bất chính của Trịnh Sướng là hơn 106 tỷ đồng)…
Bị cáo Trịnh Sướng cho rằng, trong cáo trạng lần này, bị cáo bị cáo buộc sản xuất, bán ra thị trường hơn 188 triệu lít xăng giả là không đúng với bản chất vì số xăng trên chưa phân biệt là xăng giả hay xăng kém chất lượng. Ngoài ra, cũng có lúc bị cáo mua xăng từ đầu mối về rồi bán luôn. Do đó, bị cáo không đồng ý với việc Viện KSND cáo buộc hơn 188 triệu lít xăng đó là xăng giả. Theo bị cáo Trịnh Sướng, trong quá trình kinh doanh chưa có cơ quan chức năng nào kiểm tra và khẳng định đó là xăng giả. Bị cáo chỉ thừa nhận 137 triệu lít như cáo trạng lần trước đã truy tố.
Bị cáo Sướng cho rằng, Viện KSND tính số lượng dung môi và hợp chất pha chế thì đúng nhưng tổng số lượng xăng giả thì không đúng. “Cáo trạng quy tôi bán ra hơn 188 triệu lít xăng giả là không đúng vì kinh doanh thời gian đó, các cơ quan chưa phạt xăng của chúng tôi kém chất lượng nên số liệu đó không chính xác”, bị cáo Sướng phân trần trước tòa.
Trong phần trả lởi trước luật sư bào chữa của mình, bị cáo Sướng tiếp tục cho rằng xăng của công ty bán ra không phải là xăng giả. Thời gian bắt đầu pha xăng từ 2017, bị cáo Sướng chỉ đạo nhân viên pha với nhiều tỉ lệ xăng nền - dung môi khác nhau. “Dung môi, hợp chất tạo màu và chất kích RON được pha vào xăng thật có khi ở tỉ lệ 80-20;70-30,60-40... Thời gian đầu tỉ lệ xăng thật thấp sau đó thì tăng lên dần”, bị cáo Trịnh Sướng phân trần.
Ngoài ra, luật sư và bị cáo Sướng cùng cho rằng, xăng pha ra không hợp nhất với xăng bán ra thị trường. Vì số xăng pha trong hầm, trước khi bán ra thị trường thì có thể trộn pha thêm với xăng thật nên chất lượng xăng sẽ khác. Cơ quan chức năng đã cộng các hóa đơn thu mua dung môi, hóa chất với hóa đơn mua xăng thật để cho ra số lượng xăng giả hơn 192 triệu lít. Việc này không đúng bản chất sự việc.
“Chúng tôi không đống ý với khối lượng xăng giả 192 triệu lít, vì dung môi chưa pha thành xăng thì không được tính là xăng giả. Đề nghị VKS loại bỏ toàn bộ số lượng dung môi chưa pha nhưng bị quy là xăng giả. Việc kết luận số lượng xăng giả dựa trên suy luận tỉ lệ mà không có bằng chứng cho việc pha chế nên phải xem xét lại.”, luật sư bào chữa cho bị cáo Sướng trình bày.
Cũng trong chiều nay, Viện KSND tỉnh Đắk Nông đưa ra bản luận tội với mức hình phạt cho 39 bị cáo.
3/4 người cầm đầu đường dây sản xuất mua bán xăng giả không được thay đổi mức hình phạt là: Nguyễn Ngọc Quan (sản xuất, buôn bán xăng giả ở TP Hồ Chí Minh) bị đề nghị mức án từ 5-6 năm tù; Đinh Chí Dũng (sản xuất, buôn bán xăng giả ở TP Hồ Chí Minh, Hậu Giang) đề nghị mức án từ 7-8 năm tù; Trịnh Sướng (sản xuất, buôn bán xăng giả ở tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ) đề nghị mức án 12-13 năm tù.
Riêng bị cáo Nguyễn Thị Thu Hòa (sản xuất, buôn bán xăng giả ở Đắk Nông) được đề nghị giảm mức án từ 7 năm 6 tháng tù đến 8 năm tù xuống mức án từ 7-7 năm 6 tháng tù. 35 bị cáo khác thuộc 4 đường dây sản xuất mua bán xăng giả và doanh nghiệp mua bán dung môi bị đề nghị các mức án thấp nhất là 2 năm 6 tháng tù và cao nhất là 7-8 năm tù.
Ngày mai phiên toà sẽ tiếp tục với phần tranh luận của Vện KSND và nhóm Trịnh Sướng và đồng phạm.