Dùng nhiều giấy tờ giả chiếm đoạt tiền, cựu nhân viên ngân hàng lĩnh 15 năm tù

15:02 05/04/2023

Hai cựu nhân viên ngân hàng là Hảo và Lan biết được kẽ hở trong việc cấp, đổi thẻ tín dụng nên tổ chức, cầm đầu đường dây dùng giấy tờ giả chiếm đoạt số tiền lớn của nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng.

Sau nhiều ngày xét xử và nghị án, ngày 5/4, TAND TP Hà Nội đã ra phán quyết đối với bị cáo Ngô Thị Ngọc Lan (SN 1994, trú tại phường Thọ Xương, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) cùng 10 bị cáo khác trong vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo cáo trạng của Viện KSND TP Hà Nội, Lan từng là nhân viên Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Năm 2018, Lan quen biết Phan Thị Hảo (cựu nhân viên Ngân hàng TNHH Một thành viên ANZ). Hảo biết một số ngân hàng có chương trình “đổi thẻ lấy thẻ” với mục đích đẩy mạnh phát hành thẻ tín dụng trên cơ sở khách hàng đã có thẻ tín dụng của bất cứ ngân hàng hàng nào.

Căn cứ lịch sử tín dụng của khách hàng và sự thẩm tra, xác minh của ngân hàng khi phát hành thẻ nên khi khách hàng muốn mở tiếp thẻ tín dụng thì chỉ cần xuất trình thẻ tín dụng cũ và các giấy tờ tùy thân, không phải chứng minh thu nhập.

Lợi dụng sơ hở của chương trình, Hảo bàn với Lan làm giả hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền của các ngân hàng. Cả hai thống nhất, Lan có trách nhiệm lấy thông tin khách hàng có đủ điều kiện được cấp hoặc đổi thẻ tín dụng (không tiêu quá 70% hạn mức thẻ) và lấy bản sao chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ tín dụng, bảo hiểm y tế… rồi chuyển cho Hảo.

Bị cáo Lan (đứng) và đồng phạm tại phiên tòa.

Hảo có trách nhiệm tìm người đóng giả khách hàng để ký hồ sơ, tìm người làm giả giấy tờ, tìm nhân viên ngân hàng tư vấn lập sơ đủ điều kiện, chuẩn bị sim điện thoại để nhân viên gọi hỏi kiểm tra thông tin, thuê máy POS để quẹt thẻ tín dụng rút tiền…

Số tiền chiếm đoạt, sau khi trừ các chi phí thì Hảo và Lan chia nhau mỗi người một nửa. Sau khi bàn bạc, Lan đã tìm và cung cấp thông tin của 4 khách hàng có thể xin cấp thẻ tín dụng cho Hảo.

Với thông tin khách hàng có được, Hảo đã tìm Phạm Thị Thanh Nga (SN 1984, ở quận Hà Đông, Hà Nội), Nguyễn Thị Hương Giang (SN 1977, quê Bắc Ninh) và đối tượng Hương (chưa rõ lai lịch) đứng tên hợp đồng xin cấp thẻ tín dụng. Nếu thẻ được phát hành thì họ sẽ được hưởng lợi từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng một thẻ. Nga, Giang và Hương đã đồng ý giúp Hảo, cung cấp ảnh chân dung để làm giả chứng minh nhân dân.

Hảo sau đó liên hệ với Nguyễn Trọng Nam (SN 1975, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) để nhờ làm giả chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu. Khi có chứng minh nhân dân, và sổ hộ khẩu giả, Hảo lập 3 hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng tại Shinhan Bank. Do ngân hàng này từ chối cấp thẻ nên Hảo nộp sang TPBank. Hảo thỏa thuận với nhân viên ngân hàng trích 15% giá trị thẻ. Ngoài ra, Hảo còn gửi hồ sơ xin cấp thẻ tại một số ngân hàng khác.

Kết quả điều tra xác định, từ tháng 1 đến tháng 6/2019, Hảo, Lan và đồng phạm đã làm giả các tài liệu để thực hiện trót lọt 7 vụ lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1,3 tỷ đồng tại TPBank, Standard Chartered Bank và Công ty tài chính Lotte Finance Việt Nam.

Tại TPBank, khoảng tháng 2/2019, Hảo lấy ảnh của Giang để làm giả chứng minh nhân dân mang tên Lê Thị Như Hằng với thông tin giả là Hằng làm quản lý của cửa hàng ăn, mức thu nhập 48 triệu đồng một tháng. Sau khi kiểm tra trên hệ thống trung tâm thông tin tín dụng (CIC), nhân viên ngân hàng báo khách hàng này có đủ điều kiện mở thẻ.

Ngày 25/2/2019, Hảo đưa cho Giang hồ sơ giả và điện thoại có lắp sẵn sim đã khai báo trong hồ sơ xin cấp thẻ tín dụng để gọi điện cho nhân viên ngân hàng. Với hồ sơ này, Hảo và Giang được phát hành thẻ tín dụng hạng Platinum hạn mức 100 triệu đồng. Sau đó, Hảo đã quẹt thẻ máy POS. Trừ các chi phí, Hảo nhận tiền mặt 87,5 triệu đồng. Cũng cách thức trên, các bị cáo tiếp tục thực hiện chiêu lừa đảo, chiếm đoạt tiền ở nhiều ngân hàng khác.

Quá trình điều tra, Hảo bị mắc bệnh tâm thần. Theo kết luận giám định, trước và trong khi thực hiện hành vi phạm tội, Hảo không có bệnh tâm thần, đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Tại thời điểm giám định, Hảo bị bệnh tâm thần phân liệt, ở giai đoạn cấp tính. Do đó, cơ quan điều tra ra quyết định thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh với Hảo, đồng thời tách hành vi của Hảo để xử lý sau.

Quá trình điều tra, Công ty VietCredit có đơn tố giác đối với một số hồ sơ liên quan đến một số thẻ tín dụng. Nhưng do chưa làm rõ việc nhân viên giúp sức cho đối tượng lừa đảo, có trường hợp chưa thu giữ được tài liệu liên quan nên cơ quan công an tách hồ sơ để tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sau.

Quá trình điều tra, Hảo, Lan và Giang còn khai nhận, đã sử dụng hồ sơ giả mang tên Lê Thị Như Hằng để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng VIB. Cơ quan công an đã đề nghị ngân hàng này cung cấp thông tin nhưng đến nay chưa nhận được phản hồi nên đã tách rút hồ sơ để xử lý sau.

Cáo trạng xác định, Lan đồng phạm với Hảo làm giả 4 chứng minh dân dân, 4 sổ hộ khẩu để thực hiện 7 vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1,3 tỷ đồng của ba đơn vị. Trong đó, TPBank là 285,9 triệu đồng, Standard Chartered Bank là 851 triệu đồng và Công ty Tài chính Lotte Finance Việt Nam 224 triệu đồng. Qua đó, Lan đã thu lời bất chính hơn 523 triệu đồng.

Giang gây ra 6 vụ, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng của bốn đơn vị gồm: TPBank gần 100 triệu đồng, Standard Chartered Bank hơn 300 triệu đồng, Công ty tài chính Lotte Finance Việt Nam 55,5 triệu đồng và Công ty VietCredit gần 140 triệu đồng.

Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Lan 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Tổng hợp hình phạt cả hai tội danh, bị cáo Lan phải thi hành 15 năm tù. 10 bị cáo còn lại tùy theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt từ 34 tháng tù đến 13 năm 6 tháng tù.

Về trách nhiệm dân sự, Hội đồng xét xử tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho các bị hại. Hội đồng xét xử cũng tuyên dành quyền khởi kiện cho các bị cáo đối với Phan Thị Hảo trong vụ án khác.

Nguyễn Hưng

Người dân phấn khởi nhận nhà mới, yên tâm phát triển kinh tế và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Họ cam kết giữ gìn ngôi nhà, tích cực tham gia các phong trào thi đua góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Hòa Bình vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Lạc Sơn để điều tra về hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ngày 4/11, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức Hội thảo quốc tế "An toàn giao thông xe máy: Những thách thức và bài học kinh nghiệm". Hội thảo nhằm mang đến những giải pháp tổng thể cho an toàn giao thông xe máy ở Việt Nam và góp phần chia sẻ với các quốc gia khác trên thế giới.

Bức xúc khi chứng kiến đối tượng trộm cắp xe máy giữa ban ngày, anh Nguyễn Công Định (ngụ TP Phan Thiết, Bình Thuận) đã lao thẳng xe vào tên trộm rồi sau đó cùng người dân khống chế thành công đối tượng trộm cắp xe máy.

Tối 4/11, Công an TP Tân Uyên (Bình Dương) đã tạm giữ hình sự đối với Lê Minh Trung (SN 1977; ngụ huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) để điều tra làm rõ hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Ngày 3/11, Trung tướng Phạm Thế Tùng, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi đồng chí Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam về thành tích đấu tranh, triệt phá đường dây sử dụng không gian mạng hoạt động mua bán trái phép chất ma tuý, thu lợi bất chính hơn 30 tỷ đồng.

Ngày 3/11, Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an có Thư khen gửi Công an tỉnh Sơn La về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文