Ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản để Ngân hàng SCB hợp thức hồ sơ thế chấp
Sáng 8/3, phiên tòa xét xử "đại án" Vạn Thịnh Phát tiếp tục xét hỏi các bị cáo thuộc nhóm các công ty thẩm định giá. Các bị cáo này bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Nhóm bị cáo đầu tiên xét hỏi thuộc Công ty cổ phần thẩm định giá Thiên Phú. Công ty này do Trần Thị Kim Ngân làm Tổng Giám đốc. Trong đó, các bị cáo Trần Văn Nhị, Trần Tuấn Hải (thẩm định viên Công ty cổ phần thẩm định giá Thiên Phú) đã thống nhất với Trần Thị Mỹ Dung (Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), Bùi Ngọc Sơn (nhân viên Phòng Tái thẩm định Ngân hàng SCB), liên hệ, thỏa thuận để Ngân phát hành 2 chứng thư thẩm định giá ghi lùi ngày, nâng khống giá trị tài sản để Ngân hàng SCB đưa vào hợp thức hồ sơ thế chấp, hồ sơ vay vốn, giải ngân cho 65 khoản vay, rút tiền cho Lan sử dụng.
Tổng dư nợ các khoản vay trên tính đến ngày 17/10/2022 là 127.384 tỷ đồng. Hành vi của Trần Văn Nhị, Trần Thị Kim Ngân, Trần Tuấn Hải đã gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 110.064 tỷ đồng.
Cùng hành vi, bị cáo Hồ Bình Minh (Phó Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá MHD), bị cáo Lê Huy Khánh (Giám đốc Công ty TNHH Thẩm định giá Tầm Nhìn Mới) đã thỏa thuận với nhau và cùng Trần Thị Mỹ Dung, Bùi Ngọc Sơn phát hành chứng thư thẩm định giá. Trong đó, nâng khống giá trị tài sản, phát hành lùi ngày chứng thư để Ngân hàng SCB đưa vào hợp thức hồ sơ vay vốn, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB số tiền 11.714 tỷ đồng.
Bị cáo Đỗ Xuân Nam (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn Dịch vụ Bất động sản DATC), Lê Kiều Trang, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thẩm định giá E Xim cũng đã trực tiếp thẩm định giá, ký thẩm định viên phát hành chứng thư nâng khống trị giá tài sản, để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giúp Trương Mỹ Lan rút tiền, gây thiệt hại cho Ngân hàng SCB lên đền hàng ngàn tỷ đồng.
Trước tòa, các bị cáo thuộc các công ty thẩm định giá cho rằng, do hoàn cảnh, dịch bệnh COVID-19, sự sống còn của công ty nên các bị cáo phải chấp nhận phát hành các chứng thư thẩm định giá, nâng khống giá trị tài sản…mà không biết mục đích của nhóm bị cáo thuộc Ngân hàng SCB rút tiền tại chính ngân hàng mình.
Tiếp theo, xét hỏi các bị cáo bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Quá trình xét hỏi Phạm Thu Phong (cựu Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB), xác định thời gian là Trưởng ban Kiểm soát Ngân hàng SCB, Phạm Thu Phong đã buông lỏng quản lý, không thực hiện đầy đủ, đúng chức năng nhiệm vụ quy định của Ban Kiểm soát và Trưởng ban Kiểm soát, thiếu kiểm tra giám sát hoạt động cấp tín dụng của Ngân hàng SCB nên đã không phát hiện được, ngăn chặn kịp thời, để có biện pháp xử lý đối với các sai phạm của Ngân hàng SCB trong việc hợp thức hồ sơ cho vay, giải ngân 403 khoản vay để Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền 90.317 tỷ đồng.
Phạm Thu Phong khai nhận được bà Lan cho 20 tỷ đồng, nhưng đã hoàn trả.