Gian nan chống “cát tặc” ở miền Tây
Các đối tượng thường lợi dụng thời điểm “nửa đêm về sáng” để hoạt động, sẵn sàng chống trả lực lượng làm nhiệm vụ hoặc nhấn chìm phương tiện phi tang chứng cứ.
Trong “cuộc chiến” chống “cát tặc”, nhiều hy sinh mất mát vẫn xảy ra. Khuya 23/11, Tổ tuần tra Công an huyện Trà Ôn (tỉnh Vĩnh Long) gồm 4 đồng chí do Đại úy Trần Hoàng Ngôi, cán bộ Đội CSĐT tội phạm về kinh tế và ma túy làm Tổ trưởng làm nhiệm vụ đến thủy phận thuộc xã Lục Sĩ Thành khu vực giáp ranh với huyện Tam Bình đã phát hiện ghe gỗ (không số hiệu) do Cao Văn Huyền (SN 1976, ngụ thị xã Bình Minh) và Nguyễn Đăng Khoa (SN 2002, ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, tạm trú tại thị xã Bình Minh) điều khiển đang khai thác cát trái phép trên sông Hậu.
Tổ tuần tra ra hiệu lệnh dừng phương tiện và đã bắn chỉ thiên nhưng 2 đối tượng ngoan cố không chấp hành, tăng ga bỏ chạy. Ghe của các đối tượng đã va chạm với tàu của Tổ tuần tra, khiến 4 cán bộ rơi xuống sông. Thượng úy Nguyễn Quốc Bảo (cán bộ Tổ tuần tra) đã lên được ghe của đối tượng và yêu cầu quay lại tìm kiếm 3 cán bộ còn dưới sông. Đại úy Huỳnh Minh Tâm và Thượng sĩ Nguyễn Hải Đăng lên ghe an toàn. Đại úy Ngôi được phát hiện trong tình trạng 2 chân đã đứt lìa nghi do bị cuốn vào “chân vịt” của ghe các đối tượng khai thác cát lậu. Các đồng đội nhanh chóng đưa vào bờ sơ cứu và khẩn trương đưa cán bộ bị thương đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.
Huyền bỏ chạy, Khoa nhảy xuống sông bỏ trốn. Ngay trong đêm, Công an huyện Trà Ôn đã truy tìm được Huyền. Đến trưa 24/11, Khoa được phát hiện đang lẩn trốn tại nhà trọ ở thị xã Bình Minh. Thời điểm bị phát hiện, trên ghe của các đối tượng đã hút trộm được hơn 6m3 cát sông.
Thượng tá Lê Quốc Việt, Phó trưởng Công an huyện Trà Ôn cho biết, trên địa bàn huyện có 4 vị trí, mỏ được cấp phép khai thác cát sông. Trong đó, 1 vị trí được cấp phép nhưng người dân phản ánh tình trạng sạt lở nên đã dừng hoạt động. 3 mỏ cát còn lại cũng đã hết thời hạn khai thác. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an huyện Trà Ôn đã phát hiện 6 vụ, 7 đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, xử phạt hành chính 191 triệu đồng, tịch thu phương tiện, tang vật vi phạm.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Vĩnh Long vừa khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Trần Văn Linh (SN 1993, ngụ huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau). Ngày 1/9, Linh được thuê điều khiển sà lan đi mua cát với tiền công mỗi chuyến 600.000 đồng. Chiều cùng ngày, Linh đến cồn Tân Phong thuộc huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) để nhận sà lan. Lúc 0h30 ngày 2/9, Linh điều khiển sà lan đợi tại khu vực Vàm Cái Muối thuộc xã Đồng Phú (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) chờ mua cát và đã nảy sinh ý định hút trộm cát để bán.
Linh điều khiển sà lan đến khu vực cách Vàm Cái Muối khoảng 400m thuộc thủy phận sông Tiền (xã Đồng Phú, huyện Long Hồ) thì dừng lại và khởi động động cơ bơm hút cát từ lòng sông lên sà lan trong khoảng thời gian 2 giờ đồng hồ. Công an tuần tra phát hiện, phương tiện đã hút được 35m3 cát sông. Theo cơ quan điều tra, ngày 28/1/2022, Linh đã bị Chủ tịch UBND huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) ra quyết định xử phạt hành chính hơn 56 triệu đồng về hành vi khai thác cát sông mà vẫn chưa đóng phạt, đến ngày 2/9 thì tiếp tục vi phạm.
Vĩnh Long có địa bàn rộng, sông nước chằng chịt, nhiều ngã rẽ, với nhiều tuyến sông giáp ranh tự nhiên với tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… Các đối tượng dùng phương tiện ghe, sà lan, thiết bị bơm hút cát trái phép; sử dụng xuồng cao tốc để tổ chức cảnh giới lực lượng chức năng, hoạt động nhanh chóng trên các tuyến sông. Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường đã phát hiện 20 vụ, 29 đối tượng khai thác cát trái phép và mua bán, vận chuyển khoáng sản (cát sông) không nguồn gốc. Cơ quan chức năng đã xử phạt 14 vụ, 20 đối tượng và buộc nộp số tiền tương đương giá trị phương tiện gần 280 triệu đồng; chuyển cơ quan điều tra 1 vụ, 2 đối tượng…
Công an các huyện Long Hồ, Bình Tân, Vũng Liêm, thị xã Bình Minh và TP Vĩnh Long đã phát hiện 103 vụ, 130 đối tượng khai thác trái phép cát sông và vận chuyển cát sông không rõ nguồn gốc. Thủ đoạn của các đối tượng khai thác trái phép cát sông ngày càng tinh vi hơn. Các đối tượng thường hoạt động vào ban đêm, nơi vắng vẻ và ở các địa bàn giáp ranh với tỉnh Bến Tre, Tiền Giang và Trà Vinh. Chúng thuê người cảnh giới, thay đổi thời gian liên tục, thông tin cho nhau và chống trả lại lực lượng chức năng. Chủ phương tiện không trực tiếp khai thác mà thuê người từ nơi khác đến khai thác trái phép cát sông, gây khó khăn việc xử lý.