Hai cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim được giảm án

17:07 02/08/2023

Trong hai ngày 1 và 2/8, TAND tỉnh Bắc Ninh mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Nguyễn Trọng Hoàng, cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim và bị cáo Bạch Trung Tín, cựu cán bộ địa chính thị trấn Lim (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) về tội “Lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ”.

Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Hữu Nhuệ (cựu Chủ tịch UBND thị trấn Lim) và bị cáo Bạch Công Thưởng (cựu Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lim) cũng có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm diễn ra ngày 28/4, TAND huyện Tiên Du đã tuyên phạt 3 bị cáo: Hoàng, Nhuệ và Tín cùng mức án 12 năm tù; bị cáo Thưởng bị tuyên phạt 10 năm 6 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ”.

Như Báo CAND đã phản ánh, trước khi phiên tòa sơ thẩm được mở, hơn 100 hộ dân thị trấn Lim có đơn kêu oan cho 4 bị cáo. Đây là các hộ dân có đất bị thu hồi và đã được các bị cáo là cựu lãnh đạo UBND thị trấn Lim cam kết trích lại 10% đất sạch tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở để đấu giá quyền sử dụng đất tại thị trấn Lim (Dự án khu Cầu Chiêu - Bãi Lán, còn gọi là dự án 5,2 ha). Đơn thư của các hộ dân cho rằng, thỏa thuận bồi thường trích lại 10% đất sạch là chỉ đạo của UBND huyện Tiên Du và các bị cáo ở UBND thị trấn Lim chỉ có trách nhiệm thực hiện.

Bản án sơ thẩm xác định, hành vi sai phạm của các bị cáo xảy ra trong quá trình triển khai thực hiện Dự án khu Cầu Chiêu - Bãi Lán (dự án 5,2ha) từ năm 2008 đến năm 2018. Các bị cáo đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thỏa thuận hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở đối với hai hộ dân ở thị trấn Lim là ông Nguyễn Thế Pha và ông Nguyễn Hữu Dụng trái với phương án đã được phê duyệt.

Bị cáo Nguyễn Trọng Hoàng (đứng) tại phiên tòa phúc thẩm.

Khi các hộ dân bị thu hồi đất không đồng ý với phương án bồi thường, bị cáo Hoàng đã chỉ đạo cấp dưới tổ chức nhiều cuộc họp với dân và sau đó, đồng ý với yêu cầu trích lại 10% đất sạch. Ngoài ra, với đất dự án, phải được đấu giá hạn chế, cho người địa phương đăng ký, xét duyệt theo tiêu chuẩn của địa phương. 

Phương án trên được hầu hết hộ dân chấp thuận, bàn giao đất nhưng riêng hai hộ ông Pha và ông Dụng không đồng ý, không nhận tiền bồi thường và yêu cầu được hoán đổi đất nông nghiệp thành đất ở. Để tháo gỡ việc này, các bị cáo đã đồng ý cho hai hộ ông Dụng, ông Pha được hoán đổi đất nông nghiệp bị thu hồi lấy 6 lô đất ở. Tuy nhiên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh xác định, 6 lô đất này không thuộc trường hợp cấp sổ đỏ theo quy định.

Về thiệt hại trong vụ án, Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh kết luận, số tiền ngân sách Nhà nước bị thiệt hại do việc các bị cáo giao trái thẩm quyền 6 lô đất cho hộ ông Pha và hộ ông Dụng là 11,1 tỷ đồng. Nhưng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bắc Ninh cho rằng, số đất này phải thu hồi trả lại cho Nhà nước nên không gây thiệt hại ngân sách. Vậy nên bị hại trong vụ án được xác định là gia đình ông Pha và ông Dụng, với giá trị thiệt hại là 1,1 tỷ đồng.

Phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo là cựu lãnh đạo UBND thị trấn Lim, huyện Tiên Du.

Sau phiên tòa sơ thẩm, cả 4 bị cáo đều kháng cáo kêu oan, đề nghị xem xét giảm nhẹ khung hình phạt. Tuy nhiên, trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra, bị cáo Nhuệ và bị cáo Thưởng đã thay đổi nội dung từ “kháng cáo kêu oan” sang “kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt”. 

Đồng thời, bị cáo Nhuệ tự nguyện nộp cơ quan điều tra 500 triệu đồng; bị cáo Thưởng tự nguyện nộp cơ quan điều tra 200 triệu đồng cùng một lý do: Nếu Tòa án cấp phúc thẩm xác định hai bị cáo phải bồi thường.  Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Nhuệ và bị cáo Thưởng giữ nguyên nội dung kháng cáo, đồng thời cung cấp thêm cho Hội đồng xét xử một số tài liệu được xác định là chứng cứ mới với mong muốn, xin giảm nhẹ hình phạt.

Riêng bị cáo Thưởng cung cấp thêm cho Hội đồng xét xử hồ sơ bệnh án ung thư, giai đoạn 3, hiện đang điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội.  Bị cáo Hoàng và bị cáo Tín cũng giữ nguyên nội dung kháng cáo kêu oan, không nhận tội.

Quá trình tranh luận, bị cáo Hoàng và bị cáo Tín cùng các luật sư bào chữa nêu một số câu hỏi, tài liệu đề nghị Viện kiểm sát đối đáp để xác định xem, hành vi của hai bị cáo có phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” như bản án sơ thẩm đã xác định hay không.

Sau khi đối đáp với hai bị cáo Hoàng và Tín cùng các luật sư bào chữa, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, bản án sơ thẩm đã tuyên phạt các bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” là đúng pháp luật. Với quan điểm trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo kêu oan của hai bị cáo Hoàng và Tín, đồng thời đề nghị giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo Nhuệ và Thưởng.

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử phúc thẩm đồng quan điểm khẳng định, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và kết quả thẩm vấn, tranh luận công khai tại phiên tòa phúc thẩm, không có cơ sở xác định hai bị cáo Hoàng và Tín bị oan. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Hoàng và bị cáo Tín.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy, dù hai bị cáo Hoàng và Tín không kháng cáo kêu oan, nhưng sau khi xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định giảm nhẹ một phần hình phạt cho hai bị cáo theo quy định của pháp luật.

Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của hai bị cáo Nhuệ và Thưởng, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định là có căn cứ và giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo này.

Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định sửa án sơ thẩm từ 12 năm tù xuống 10 năm tù đối với hai bị cáo Hoàng và Tín; sửa án sơ thẩm từ 12 năm tù xuống 6 năm tù đối với bị cáo Nhuệ và sửa án sơ thẩm từ 10 năm 6 tháng tù xuống 5 năm 6 tháng tù đối với bị cáo Thưởng. Các nội dung khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, cũng không bị kháng nghị nên Hội đồng xét xử phúc thẩm không xem xét.

NguyễnHưng

Gần đây, sau khi đánh giá tác động môi trường và các thủ tục pháp lý, một số doanh nghiệp đã được các bộ, ngành liên quan và tỉnh Quảng Bình cấp phép khai thác cát để thi công Dự án cao tốc Bắc - Nam. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số đối tượng lấy lý do doanh nghiệp khai thác cát sẽ làm sạt lở bờ sông, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân…

Quán triệt chủ trương chính quy hóa lực lượng Công an xã, những năm qua, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, lực lượng Công an đã tranh thủ sự ủng hộ mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các cấp với phương châm “trên dưới đồng lòng” triển khai bài bản, khoa học việc bố trí con người, trụ sở, điều kiện cơ sở vật chất, xây dựng cấp Công an thứ tư đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Qua đó, đã có rất nhiều sự đổi thay tích cực về an ninh trật tự, vun đắp nghĩa tình quân dân và sự trưởng thành từ chính những chiến sĩ Công an bám cơ sở.

Ngày 21/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Thái Bình cho biết, vừa bắt giữ Trương Tất Hảo (SN 1971), là đối tượng có nhiều tiền án, tiền sự về các tội mua bán trái phép chất ma túy, đánh bạc và cố ý gây thương tích.

Hôm nay (21/5), Lễ bốc thăm ASEAN Mitsubishi Electric Cup (tiền thân là AFF Cup) năm 2024 sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Đội tuyển Việt Nam cũng sẽ khởi động cho chiến dịch này dưới thời huấn luyện viên Kim Sang Sik.

Quá trình thi công móng cột xảy ra sạt lở làm nhiều người thương vong, mở đường công vụ trái phép trên đất rừng phòng hộ, tự ý chặt hạ cây gỗ rừng tự nhiên và tại nhiều vị trí móng cột vẫn còn vướng mắc đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB)... là những tồn tại, vướng mắc liên quan đến quá trình thi công dự án đường dây 500kV mạch 3 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh.

Chiều 20/5, Cơ quan CSĐT Công an huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã khởi tố bổ sung vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Lê Thị Chung (SN 1978, Trưởng phòng Quản lý nhân sự Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Hoàng Kim Giáp) để điều tra về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文