Hai cựu Tư lệnh Vùng “ngã ngựa” vì nhận hối lộ và hệ lụy gia đình

09:12 17/07/2022

Việc hai cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển “ngã ngựa” vì những sai phạm rất nghiêm trọng trong quá trình công tác khiến họ phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội của mình là hệ quả tất yếu.

Sau bốn ngày xét xử sơ thẩm vụ án buôn lậu, nhận hối lộ, tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài và không tố giác tội phạm, liên quan đến nhiều cựu sĩ quan Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng khu vực phía Nam để bảo kê cho trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu (SN 1957, Giám đốc Công ty TNHH TM Phan Lê Hoàng Anh) liên quan đến đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng (trị giá gần 2.800 tỷ đồng), tối 15/7, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đã ra phán quyết đối với 14 bị cáo, trong đó ông Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) bị tuyên phạt 14 năm tù và người đồng cấp là ông Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) bị tuyên phạt 12 năm tù cùng về tội “Nhận hối lộ”.

Ông Lê Văn Minh (trái) và ông Lê Xuân Thanh tại phiên toà.

Việc hai cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển “ngã ngựa” vì những sai phạm rất nghiêm trọng trong quá trình công tác khiến họ phải trả giá đắt cho hành vi phạm tội của mình là hệ quả tất yếu. Trình bày trước toà, ông Lê Xuân Thanh thừa nhận hành vi phạm tội của mình và trải lòng: “Tôi vô cùng hối hận vì với cương vị Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 đã để xảy ra vi phạm. Hôm nay, trước Hội đồng xét xử, tôi xin lỗi Đảng, Nhà nước, xin lỗi Quân ủy Trung ương và Thủ trưởng Bộ Quốc phòng”.

Ông Lê Xuân Thanh cũng gửi lời xin lỗi Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển và người thân. “Với trách nhiệm là Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3, trước tiên, tôi phải chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Tôi mong Hội đồng xét xử căn cứ vào nội dung vụ án và quá trình công tác và nhân thân của tôi để xem xét mức độ chịu trách nhiệm hình sự. Tôi năm nay đã 62 tuổi, có nhiều bệnh nền và thường xuyên ốm đau. Vì thế, tôi mong Hội đồng xét xử xem xét cho tôi được hưởng những tình tiết khoan hồng của pháp luật”, ông Lê Xuân Thanh trình bày.

Tại phiên toà, ông Lê Văn Minh cũng thừa nhận quen biết trùm buôn lậu xăng dầu Phan Thanh Hữu và cho biết: “Có vài lần tôi nhắn tin báo cho tàu buôn lậu của Phan Thanh Hữu tọa độ không bị kiểm tra nhưng không nhớ tọa độ nào”. Ông Lê Văn Minh nhận thức hành vi của mình là giúp sức Phan Thanh Hữu buôn lậu, nhưng biện minh rằng, việc ông nhận tiền hối lộ từ Phan Thanh Hữu không mang tính chất ăn chia. “Về bản chất, tôi và Phan Thanh Hữu không thỏa thuận với nhau điều gì. Tuy nhiên, tội không có tài liệu gì chứng minh điều mình nói nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét”, ông Lê Văn Minh giãi bày.

Là sĩ quan cấp tướng trong Quân đội nhân dân, là Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển, với sự hiểu biết sâu sắc về chính trị, pháp luật và hơn hết là những kinh nghiệm quý báu trong suốt thời gian dài phụng sự Tổ quốc và nhân dân, hơn ai hết, ông Lê Văn Minh và ông Lê Xuân Thanh hiểu rõ việc nhận hối lộ của trùm buôn lậu xăng Phan Thanh Hữu là vi phạm rất nghiêm trọng về những điều mà người cán bộ, đảng viên không được làm. Vậy nhưng, vì những phút “mềm lòng” trước khoản tiền lớn mà hai ông đã cố tình tiếp tay cho trùm buôn lậu, dẫn đến vụ án đặc biệt nghiêm trọng này. Việc ông Lê Văn Minh và ông Lê Xuân Thanh bị khai trừ đảng, bị tước quân tịch và phải vào tù là sự thật đau xót không chỉ đối với hai ông.

Bà Phan Thị Xuân (vợ ông Lê Xuân Thanh) cũng vì sự làm ngơ của chồng trước khoản tiền lớn mà trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu đưa cho mà thành bị cáo với vai trò đồng phạm của chồng. Bà Phan Thị Xuân bị tuyên phạt 2 năm 6 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội “Nhận tối lộ”. May mắn hơn bà Phan Thị Xuân, bà Trần Thị Liên (vợ ông Lê Văn Minh) không bị truy cứu trách nhiệm hình sự dù cũng nhận hộ chồng tiền hối lộ của trùm buôn lậu Phan Thanh Hữu. Quá trình điều tra vụ án, bà Trần Thị Liên nhận thức được đó là tiền bất chính nên đã nộp lại 1,25 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng xác định, hành vi của bà Trần Thị Liên có dấu hiệu của tội nhận hối lộ hoặc lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền lợi để trục lợi. Nhưng xét ý thức, động cơ, tính chất mức độ hành vi thấy không cần thiết phải xử lý hình sự.

Theo bản án của Toà án Quân sự Trung ương, Phan Thanh Hữu, Đào Ngọc Viễn (SN 1968, trú tại TP Hồ Chí Minh), Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng Xăng dầu thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) và một số cá nhân góp vốn gần 54 tỷ đồng để buôn lậu xăng dầu từ Singapore về Việt Nam tiêu thụ. Từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, nhóm của Phan Thanh Hữu đã vận chuyển hơn 204 triệu lít xăng lậu trị giá gần 2.800 tỷ đồng. Để các chuyến tàu tuồn hàng lậu trót lọt về Việt Nam, Phan Thanh Hữu biết ông Lê Văn Minh quản lý vùng biển một số tỉnh nên nhờ ông giúp đỡ trong quá trình buôn lậu xăng. Sau khi tiếp nhận xăng nhập lậu từ Singapore đưa về vùng biển Việt Nam, Phan Thanh Hữu báo cho ông Lê Văn Minh biết để ông giúp đỡ, bảo kê cho các tàu chở hàng lậu không bị kiểm tra, bắt giữ.

Từ tháng 12/2019 đến tháng 8/2020, Phan Thanh Hữu sử dụng hai tàu Nhật Minh 07 và Nhật Minh 08 để mua bán, vận chuyển xăng lậu. Trong các ngày 16/12/2019 và 10/1/2020, Phan Thanh Hữu đã nhờ con trai mình là Phan Lê Hoàng Anh chuyển vào tài khoản của vợ ông Lê Văn Minh là bà Trần Thị Liên tổng số tiền 750 triệu đồng. Tháng 2/2020, Phan Thanh Hữu tiếp tục thông qua con trai để trực tiếp đưa 450 triệu đồng cho bà Trần Thị Liên. Ngoài ra, từ tháng 3 đến tháng 8/2020, Phan Thanh Hữu còn trực tiếp đưa tiền cho ông Lê Văn Minh mỗi tháng 450 triệu đồng ở nhiều địa điểm tại TP Hồ Chí Minh. Tháng 9/2020, nhóm của Phan Thanh Hữu tăng thêm một tàu chở xăng dầu lậu nên ông ta đã tăng số tiền đưa hối lộ cho ông Lê Văn Minh lên 500 triệu đồng mỗi tháng. Tính đến tháng 2/2021, ông Lê Văn Minh đã nhận hối lộ của Phan Thanh Hữu tổng số tiền 6,9 tỷ đồng.

Đối với cựu Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 3 Lê Xuân Thanh, cơ quan tố tụng xác định, ông Lê Xuân Thanh quen biết Phan Thanh Hữu thông qua giới thiệu của ông Lê Văn Minh. Tháng 1/2020, Phan Thanh Hữu cùng con trai đến nhà ông Lê Xuân Thanh ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đặt vấn đề và được ông này đồng ý. Thời điểm đó, Phan Thanh Hữu xin số điện thoại của ông Lê Xuân Thanh nhưng ông Lê Xuân Thanh đọc cho Phan Thanh Hữu số điện thoại của vợ ông là bà Phan Thị Xuân. Từ tháng 3/2020, Phan Thanh Hữu chỉ đạo con trai hàng tháng hối lộ cho ông Lê Xuân Thanh qua hình thức mang tiền đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để đưa cho bà Phan Thị Xuân. Mục đích để ông Lê Xuân Thanh giúp đỡ, bảo kê cho nhóm Phan Thanh Hữu các tàu buôn lậu xăng trên biển.

Từ tháng 3/2020 đến tháng 1/2021, Phan Thanh Hữu đã đưa 1,8 tỷ đồng cho Phan Lê Hoàng Anh để đưa cho bà Phan Thị Xuân. Sau khi nhận tiền hối lộ của Phan Thanh Hữu, bà Phan Thị Xuân đều thông báo cho chồng biết. Sau khi nhờ và đưa tiền hối lộ cho ông Lê Xuân Thanh, các tàu chở hàng lậu của nhóm Phan Thanh Hữu không bị Cảnh sát biển Vùng 3 kiểm tra, bắt giữ. Toà án xác định, bà Phan Thị Xuân phạm tội nhận hối lộ với vai trò giúp sức cho ông Lê Xuân Thanh, khi 11 lần nhận tổng số tiền 1,8 tỷ đồng từ Phan Thanh Hữu. Sau khi vụ án xảy ra, ông Lê Văn Minh và ông Lê Xuân Thanh đã khắc phục xong thiệt hại mà hai ông bị cáo buộc đã gây ra.

Nguyễn Hưng

Chiều 8/5, một phụ huynh của Trường Mầm non Việt Úc (đường Trần Việt Châu, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) dẫn con đến Văn phòng Thường trú Báo CAND khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long trình bày về việc con mình bị cô giáo chủ nhiệm đánh. Đáng chú ý, sau khi phụ huynh phản ánh vụ việc đến cơ quan chức năng, thì có 2 người đàn ông lạ mặt, xăm trổ tìm đến nhà đề nghị gia đình rút đơn.

Với nghĩa cử cao đẹp “giọt máu cho đi – cuộc đời ở lại”, Thượng úy Biện Thanh Sơn, cán bộ Đội CSGT trật tự Công an TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) góp phần làm đẹp hơn hình ảnh người cán bộ CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Một trong những yêu cầu mà Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đặt ra đối với các Phòng GD&ĐT là rà soát, kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm nếu có tình trạng định hướng cho một số học sinh lớp 9 có kết quả học tập chưa cao không đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025. 

Ngày 8/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh An Giang cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam và lệnh khám xét nơi ở đối với Hoàng Thị Nga (SN 1975, trú khóm Vĩnh Thành, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.

Công an phường Gia Hội (TP Huế) đã nhanh chóng xác minh, làm rõ người chuyển nhầm là anh Trần Đức Minh (SN 1991, trú phường Gia Hội). Ngay sau khi xác minh làm rõ, Công an phường Gia Hội đã mời anh Minh đến trụ sở và tiến hành các thủ tục trao trả lại số tiền 160 triệu đồng…

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

Hoàng Văn Đức và Hà Thúc Nhật đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 1,578 tỷ đồng, trong đó 6 gói thầu thiệt hại trên 100 triệu đồng với tổng giá trị 1,477 tỷ đồng… Sau khi thanh lý hợp đồng, các nhà thầu trích lại 2-3% giá trị hợp đồng và Đức đã giao Nhật quản lý số tiền trên.

Ngày 8/5, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Chu Vũ Nam (SN 1986, cựu Phó trưởng Phòng vật tư, Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị cáo Nam được xác định đã làm trái quy định gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 1,7 tỷ đồng. 

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文