Hành trình triệt phá đường dây mua bán hóa đơn khống 30 tỷ đồng
Ngày 3/1, Công an huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) cho biết đã điều tra, làm rõ vụ mua bán hoá đơn khống trị giá khoảng 30 tỷ đồng; ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự và khởi tố 5 bị can về hành vi “Mua bán trái phép hoá đơn”.
Các đối tượng gồm Đỗ Mạnh Tuấn (SN 1963), giám đốc; Lê Thị Liễu (SN 1977), thủ quỹ; Hà Bằng Mưu (SN 1976), kế toán Công ty TNHH Thương mại Mạnh Tuấn, có trụ sở tại số 18 Tiền Phong, phường Quang Trung, TP Hải Dương; Nguyễn Thị Ngân (SN 1974), giám đốc và Phạm Thị Thanh (SN 1982), kế toán Công ty Cổ phần thiết bị điện Ngân Hà, trụ sở tại số 83 Phạm Ngũ Lão, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương.
Qua công tác quản lý địa bàn, khoảng tháng 5/2023, Đội Cảnh sát kinh tế Công an huyện Cẩm Giàng có thông tin về nhóm đối tượng bất minh về kinh tế; có dấu hiệu nghi vấn hoạt động mua bán trái phép hoá đơn. Trong số này, nổi lên là trường hợp của Nguyễn Văn Học (trú tại thị trấn Lai Cách, huyện Cẩm Giàng). Sau khi thành lập, công ty của đối tượng Học không có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng giám đốc của công ty vẫn giàu lên một cách bất thường. Từ dấu hiệu nghi vấn trên, các trinh sát đã tập trung xác minh.
Căn cứ tài liệu thu thập được, ngày 26/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng đã khởi tố 2 vụ án hình sự “Mua bán trái phép hoá đơn” tại huyện Cẩm Giàng và TP Hải Dương; khởi tố 5 bị can là giám đốc, kế toán và thủ quỹ của 2 công ty về tội “Mua bán trái phép hoá đơn”.
Ngày 31/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng đã ra lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Thị Ngân và Phạm Thị Thanh.
Quá trình điều tra xác định, khoảng cuối năm 2022, đầu năm 2023, Học đặt vấn đề mua hóa đơn GTGT khống của Ngân (không kèm theo hàng hóa) để hợp thức hóa đầu vào cho 3 công ty gồm Công ty Đức Anh, Công ty Đông Hưng và Công ty Phúc Tiến. Sau đó, Học sẽ bán hóa đơn của 3 công ty trên cho các công ty khác có nhu cầu mua hóa đơn khống. Vào thời điểm đó, Công ty Ngân Hà bán hàng hóa, có khách hàng không yêu cầu xuất hóa đơn nên đã thừa hóa đơn GTGT đầu ra… Vì thế, sau khi Học “gợi ý”, Ngân đã đồng ý bán hóa đơn cho Học. Học thỏa thuận với Ngân số tiền trả để mua hóa đơn là 1,5% của tổng giá trị tiền hàng ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT). Sau đó, Ngân chỉ đạo cho Thanh là kế toán của công ty Ngân Hà trực tiếp liên hệ với Học xuất hóa đơn khống cho Học.
Mỗi lần cần mua hóa đơn khống, Học liên hệ bằng điện thoại và zalo cho Thanh bán số tiền hàng cần xuất hóa đơn khống để Thanh ghi lại và làm tờ hóa đơn GTGT nháp có số lượng, chủng loại hàng hóa và số tiền trong hóa đơn khống theo yêu cầu của Học. Thanh chụp ảnh hóa đơn GTGT nháp gửi qua zalo cho Học để thống nhất.
Sau đó, Thanh sẽ báo với Ngân, khi Ngân đồng ý thì Thanh sẽ xuất hóa điện tử của Công ty Ngân Hà cho Công ty Đông Hưng, Công ty Đức Anh và Công ty Phúc Tiến và Thanh gửi hóa đơn điện tử từ hệ thống của thuế đến gmail của 3 Công ty trên. Đối tượng Học căn cứ vào số tiền ghi trên hóa đơn đã bao gồm cả thuế trong gmail của 3 công ty trên, để chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của Công ty Đông Hưng qua các tài khoản…
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Giàng xác định, trong thời gian từ tháng 1/2023 đến 28/8/2023, Công ty TNHH Ngân Hà thực hiện xuất khống 39 hóa đơn khống, tổng số tiền hàng hóa chưa kèm theo thuế GTGT hơn 20 tỷ đồng, gồm: 12 số hóa đơn khống cho Công ty Đức Anh, với số tiền hàng hóa chưa kèm theo thuế GTGT hơn 7 tỷ đồng (số tiền kèm theo thuế GTGT là hơn 8,3 tỷ đồng); 12 số hóa đơn khống cho Công ty Đông Hưng với số tiền hàng hóa chưa kèm theo thuế GTGT là hơn 8,1 tỷ đồng (số tiền kèm theo thuế GTGT là hơn 8,9 tỷ đồng); 15 số hóa đơn khống cho Công ty Phúc Tiến với số tiền hàng hóa chưa kèm theo thuế GTGT là hơn 4,9 tỷ đồng (số tiền kèm theo thuế GTGT hơn 5,9 tỷ đồng). Hiện vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.