Hoãn phiên tòa phúc thẩm xét xử cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết do vắng mặt bị cáo

10:11 26/12/2024

Sáng 26/12, TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) về việc xin giảm nhẹ hình phạt tù và xin giảm trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Ngoài kháng cáo của bị cáo Trịnh Văn Quyết, nhiều bị cáo, bị hại và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng kháng cáo.

Theo đó, hai em gái của bị cáo Trịnh Văn Quyết là bị cáo Trịnh Thị Minh Huế và bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga cùng kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của đối với họ, đồng thời đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét về việc họ không buộc phải bồi thường, khắc phục hậu quả vụ án.

Liên quan đến vụ án này, 23/50 bị cáo cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, xin hưởng án treo, xin gỡ bỏ phong tỏa về tài sản hoặc kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Hơn 30 luât sư đăng ký tham gia phiên tòa để bào chữa cho các bị cáo. Riêng bị cáo Trịnh Văn Quyết có 5 luật sư bào chữa.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm. 

Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, trong đó thẩm phán Võ Hồng Sơn làm chủ tọa phiên tòa. Thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động xét xử phúc thẩm là ba kiểm sát viên thuộc Viện KSND cấp cao tại Hà Nội.

Theo thông báo của thư ký phiên tòa, bị cáo Quyết do đang điều trị nhiều loại bệnh tại Bệnh viện 198 nên không thể đến dự phiên tòa. 5 luật sư của bị cáo Quyết đề nghị Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa. Một số luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo khác cũng đề nghị hoãn phiên tòa.  Ngoài ra, tất cả các bị cáo có đơn kháng cáo đều đề nghị hoãn phiên tòa. Đối với các bị hại có mặt tại phiên tòa, họ đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục phiên tòa.

Đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa cũng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm tạm hoãn phiên tòa để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Quyết và các bị cáo khác.

Sau khi hội ý, Hội đồng xét xử đồng ý với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát và bị cáo cùng luật sư bào chữa đã quyết định hoãn phiên tòa.

Trước đó, chiều 5/8/2024, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối vớibị cáo Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo khác trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan.

Hội đồng xét xử phúc thẩm. 

Tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 21 năm tù về hai tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Thao túng thị trường chứng khoán”. Cùng bị kết án về hai tội danh trên, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị tuyên phạt 14 năm tù; bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga bị tuyên phạt 8 năm tù.

Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định, trong vụ án này, bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu. Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế là người thực hành tích cực, nhận chỉ đạo từ bị cáo Trịnh Văn Quyết để thực hiện hành vi sai phạm, giúp sức cho Trịnh Văn Quyết thu lợi bất hợp pháp số tiền đặc biệt lớn.

Các bị cáo khác trong vụ án được Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định giữ vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Theo bản án sơ thẩm, từ tháng 5/2017 đến tháng 1/2022, bị cáo Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái cùng đồng phạm mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty, mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng.

Sau đó, các bị cáo đã thực hiện chuỗi hành vi thao túng thị trường đối với 5 mã cổ phiếu là AMD, HAI, GAB, FLC, ART. Sau khi giá cổ phiếu tăng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán cổ phiếu, thu lợi bất hợp pháp số tiền hơn 723 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ năm 2014 đến tháng 9/2016, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo lãnh đạo và nhân viên Công ty Faros (mã cổ phiếu ROS) cùng các công ty thuộc Tập đoàn FLC và người thân, họ hàng đứng tên làm cổ đông góp vốn, để thực hiện các thủ đoạn lập và ký khống hồ sơ góp vốn, qua đó nâng khống vốn điều lệ của Công ty Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng.

Tiếp đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết tạo lập hồ sơ, đề nghị chấp thuận đăng ký công ty đại chúng, đăng ký lưu ký chứng khoán và niêm yết 430 triệu cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống của Công ty Faros.

Sau khi niêm yết cổ phiếu thành công, Trịnh Văn Quyết cùng đồng phạm đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu Công ty Faros để chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của nhà đầu tư.

Hội đồng xét xử sơ thẩm xác định, bị cáo Trịnh Văn Quyết đã phân công các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ, thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, cố ý, từ việc mua Công ty Green Belt (tiền thân của Công ty Faros), góp vốn khống, nâng vốn khống đến việc sử dụng sàn HoSE làm phương tiện để bán cổ phiếu rồi chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư.

Những sai phạm trên là đặc biệt nghiêm trọng, các bị cáo thực hiện hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của hơn 25.800 nhà đầu tư, là bị hại trong vụ án. Hành vi này là nguy hiểm cho xã hội, vi phạm quy định về giao dịch chứng khoán.

Nguyễn Hưng

Tại Hội nghị giao ban và cung cấp thông tin báo chí định kỳ tháng 4/2025, Chi Cục Thuế khu vực 13 (trước đây là Cục thuế tỉnh Lâm Đồng) đã có thông tin chính thức về việc bị Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sao Đà Lạt tố cáo đoàn thanh tra của đơn vị có hành vi giả mạo trong công tác, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp này.

Công an TP Hà Nội ngày 14/4 cho biết, xuất phát từ nhu cầu làm visa để đi nước ngoài ngày càng tăng cao, nắm bắt được điều này, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự cả tin của người dân để thực hiện các chiêu trò lừa đảo bằng thủ đoạn cài đặt phần mềm "làm Visa online".

Một nhóm gần 80 thanh niên, có độ tuổi từ 15 đến 30 đến từ tỉnh Đắk Lắk và một số địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Nông rủ nhau tụ tập đến khu vực đồi thông tại Đắk Nông "sống ảo" và có những có hành vi nẹt pô, gây mất an ninh, trật tự vừa bị lực lượng Công an tỉnh Đắk Nông phát hiện, xử lý.

Nhân dịp Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình sẽ thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4/2025, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Nguyễn Vinh Quang, nguyên Vụ trưởng Vụ Trung Quốc - Đông Bắc Á (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng trước đây), Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc về chuyến thăm và quan hệ hai nước.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, tại các nghĩa trang lặng gió ở Hà Nam, hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ chưa xác định danh tính vẫn nằm lặng lẽ như đang chờ một tiếng gọi, một bàn tay chạm vào ký ức. Giờ đây, hành trình đi tìm lại tên cho các anh hùng liệt sĩ được thắp lên bằng ánh sáng của dữ liệu, bằng trí tuệ và trái tim của những người chiến sĩ Công an tỉnh Hà Nam trong thời bình. Đó là lời tri ân sâu sắc với quá khứ và cũng là ngọn đuốc soi đường dẫn lối để chúng ta bước tiếp đến tương lai với đầy đủ niềm tin, đạo lý và nghĩa tình…

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文