Hoãn phiên tòa vụ sản xuất xăng giả vì nhiều người liên quan vắng mặt
Sáng 21/9, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “Sản xuất, buôn bán hàng giả” đối với bị cáo Lê Văn Nguyên (SN 1977, ngụ TP Hồ Chí Minh) và 3 đồng phạm là Nguyễn Văn Nhân (SN 1985, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Vận tải xăng dầu 89), Đỗ Hồng Sơn (SN 1992, ngụ tỉnh Quảng Bình) và Nguyễn Đình Ngọc (SN 1975, ngụ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Theo cáo trạng, Lê Văn Nguyên và Nguyễn Văn Nhân là anh em cột chèo nên đã bàn bạc với nhau về việc thành lập công ty để kinh doanh xăng dầu. Ngày 27/9/2017, Nguyên và Nhân góp vốn thành lập Công ty TNHH Thương mại Vận tải xăng dầu 89 (Công ty 89, TP Vũng Tàu).
Mặc dù Công ty 89 không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện lập kho hàng để kinh doanh xăng dầu nhưng Nguyên và Nhân vẫn cùng nhau góp 700 triệu đồng mua 300m2 đất tại đường Phước Thắng, phường 12, TP Vũng Tàu để xây dựng trái phép kho hàng.
Sau khi xây dựng xong, Nguyên và Nhân chuẩn bị công cụ, phương tiện và cùng các đối tượng khác thực hiện hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả. Cụ thể, Nguyên mua bồn chứa, chất tạo màu, máy bơm, rồi chỉ đạo Nhân, Đỗ Hồng Sơn, Nguyễn Đình Ngọc pha chế xăng giả theo công thức mà đối tượng Diệp Bảo Thắng cung cấp, sau đó bán ra thị trường.
Nhân, Sơn, Ngọc trực tiếp thực hiện việc quản lý, điều khiển xe ô tô đi nhận xăng, hóa chất, pha chế xăng giả và chở đi tiêu thụ theo sự chỉ đạo của Nguyên. Các đối tượng khai nhận sau khi mua xăng A95 về, xăng giả sẽ được pha theo tỷ lệ 7 phần xăng, 3 phần hóa chất.
Tại thời điểm bắt quả tang, lực lượng chức năng thu giữ hơn 81.000 lít chất lỏng gồm: Xăng thật, xăng giả, hóa chất với tổng trị giá gần 1,2 tỷ đồng. Cơ quan điều tra xác định 4 bị cáo đã có hành vi sản xuất hơn 46.000 lít xăng giả trị giá gần 690 triệu đồng nhằm mục đích bán kiếm lời.
Đối với hành vi của Diệp Bảo Thắng và Trần Văn Phương, hồ sơ vụ án thể hiện các đối tượng có liên quan đến hành vi sản xuất xăng giả tại kho hàng Công ty 89 nhưng cả hai đối tượng không thừa nhận. Mặt khác, Thắng không có mặt tại nơi cư trú nên cơ quan điều tra tiếp tục truy tìm để đấu tranh làm rõ hành vi cũng như mối quan hệ giữa Thắng, Phong và Nguyên để xử lý theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, tại phiên tòa sáng 21/9, nhiều người làm chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã vắng mặt. Cụ thể, 7/8 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án mặc dù được triệu tập hợp lệ nhưng không tới dự phiên tòa.
Đại diện Viện KSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho rằng đối với vụ án về kinh tế, việc vắng nhiều người làm chứng, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan sẽ ảnh hưởng đến quá trình xét xử và kết quả phiên tòa nên đề nghị HĐXX xem xét, cân nhắc việc hoãn phiên tòa.
Đồng thuận với ý kiến này, luật sư bào chữa cho bị cáo và bị cáo Lê Văn Nguyên cũng đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa. Sau khi nghị án, HĐXX TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu quyết định hoãn phiên tòa.