Khởi tố 12 đối tượng trong vụ khai thác than lậu ở Hải Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 bị can vì có hành vi "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên".
Ngày 27/8, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" xảy ra tại Công ty Cổ phần Yên Phước, Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương và các đơn vị có liên quan.
Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 12 bị can, trong đó có Châu Thị Mỹ Linh (Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước, trú tại quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh); Bùi Hữu Thanh và Bùi Hữu Giang, cùng trú tại phường Mạo Khê, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh.
Kết quả điều tra xác định Châu Thị Mỹ Linh (Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Yên Phước, cùng với Bùi Hữu Thanh, Bùi Hữu Giang là người điều hành Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương lên kế hoạch tổ chức đường dây khai thác, mua bán hàng triệu tấn than trái phép tại Mỏ than Minh Tiến tại xã Minh Tiến và xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; thu lợi bất hợp pháp hàng trăm tỷ đồng.
9 bị can còn lại gồm: Hà Anh Tuấn (nguyên Giám đốc Công ty Đông Bắc Hải Dương); Bùi Mạnh Cường (Phó Giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương); Ngô Đăng Hải (Phó giám đốc Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương); Ngụy Quang Thuyên (nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước); Doãn Thị Định (nhân viên kế toán Công ty Cổ phần Yên Phước); Bùi Hữu Thương (quản lý bãi than thuộc Mỏ đá Núi Voi của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương); Bùi Hữu Khoa (quản lý khai thác than của Công ty TNHH Đông Bắc Hải Dương); Đỗ Thị Luyến (nhân viên Công ty Cổ phần Yên Phước); Nguyễn Tuấn Anh (kinh doanh vận tải).
Sau khi Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn các quyết định và lệnh trên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thi hành các Quyết định và Lệnh trên đúng quy định pháp luật.
Trước đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, CBCS Cục Cảnh sát Kinh tế đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường Bộ Công thương đồng loạt kiểm tra 21 bãi than thuộc các doanh nghiệp nằm rải rác tại thị xã Kinh Môn, Hải Dương, phát hiện các bãi than này có dấu hiệu nhập lậu, khai thác lậu.
Sau 6 ngày kiểm tra liên tục, lực lượng chức năng xác định có những điểm bị phát hiện hàng nghìn tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ và không có hoá đơn chứng từ. Phần lớn các bãi than còn lại đều có khối lượng tồn trữ vượt quá số lượng rất nhiều so với hoá đơn nhập hàng.
Được biết, các bãi than được bố trí nằm cách nhau từ 5-7km, giáp bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển đường thuỷ, nằm ở xa khu dân cư và cử người canh gác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xác minh, làm rõ.
Các bãi than tại huyện Kinh Môn, Hải Dương đa số là bãi than lậu, chỉ có ít công ty được cấp phép thuê mặt bằng, số bãi than còn lại chủ yếu do các doanh nghiệp, hộ cá thể mua gom đất bãi của người dân đấu thầu, sau đó tự ý san lấp thành bãi phẳng rồi cho doanh nghiệp kinh doanh than thuê lại mặt bằng, hưởng chênh lệch. Như vậy, ngoài việc khối lượng than thực tế vượt quá khối lượng trong hoá đơn chứng từ, khai thác lậu thì đa số các bãi than trên không được cấp phép.